Blockchain có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế Trung Quốc

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Trung Quốc coi công nghệ chuỗi khối (blockchain) là một trong số các công nghệ mới nổi có vai trò quan trọng với sự phát triển kinh tế và công nghiệp đất nước.

“Sự đổi mới tại lĩnh vực Internet, dữ liệu lớn, điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo, blockchain và các công nghệ khác đang phát triển nhanh chóng và trở thành một lực lượng quan trọng tái tổ chức nguồn lực toàn cầu, định hình lại kết cấu kinh tế và thay đổi cấu trúc cạnh tranh thế giới”, trích tuyên bố của Chủ tịch Tập Cận Bình trong một nghiên cứu Bộ Chính trị nước này về nền kinh tế kỹ thuật số.

Thực trạng phát triển chuỗi khối tại Đại lục

Khối lượng bằng sáng chế liên quan đến blockchain của Trung Quốc cũng phản ánh quyết tâm của nước này nhằm dẫn đầu công nghệ nêu trên. Trong giai đoạn từ năm 2015 đến năm 2021, Đại lục có gần 33.000 bằng sáng chế so với 10.000 của Mỹ.

Tháng 12/2021, Uỷ ban Thông tin và An ninh mạng Trung ương Trung Quốc ban hành Kế hoạch 5 năm lần thứ 14, trong đó nêu bật tầm quan trọng của blockchain ở nhiều lĩnh vực, chẳng hạn như nhận dạng phân tán, khai thác dữ liệu, mạng lưới đám mây và đổi mới kỹ thuật số ở trong nước.

Đến nay, Bắc Kinh đã cho thấy nỗ lực phát triển công nghệ chuỗi khối trên 5 lĩnh vực.

Thứ nhất, Trung Quốc đang phát triển đồng Nhân dân tệ (NDT) kỹ thuật số do Ngân hàng Trung ương phát hành, dựa trên blockchain. Sau 02 năm thử nghiệm, đồng tiền này đã được lưu hành thử nghiệm tại Thế vận hội mùa đông 2022 như một phương thức thanh toán an toàn và dễ dàng truy xuất nguồn gốc.

Trung Quốc đang triển khai blockchain ở rất nhiều lĩnh vực - Ảnh: SCMP

Trung Quốc đang triển khai blockchain ở rất nhiều lĩnh vực - Ảnh: SCMP

Thứ hai, blockchain cho phép chính quyền xây dựng các hệ thống đô thị thông minh, ví dụ như tại Thượng Hải. Kể từ năm 2019, chương trình thành phố thông minh đã góp phần tạo điều kiện thuận lợi trong quản lý giao thông đường bộ, các nỗ lực y tế cộng đồng, chuyển đổi năng lượng và giảm thiểu ô nhiễm.

Thứ ba, cảnh sát Trung Quốc cũng tích hợp công nghệ chuỗi khối vào quá trình điều tra chống tội phạm. Khả năng truy xuất nguồn gốc và ngăn chặn can thiệp dữ liệu giúp công nghệ này là trở thành công cụ bảo quản bằng chứng điện tử, cũng như vật lý phục vụ công tác truy tố.

Thứ tư, các nền tảng blockchain được sử dụng phổ biến tại Đại lục trong giai đoạn đại dịch Covid-19 bùng phát. Thông tin dịch tễ của người dân minh bạch và dễ dàng xác minh giúp chính quyền nhanh chóng đưa ra các biện pháp ứng phó, cũng như giảm thiểu khả năng thông tin sai lệch.

Thứ năm, công nghệ mới đang được thử nghiệm trong lĩnh vực quân sự. Lực lượng quân đội giải phóng nhân dân (PLA) đã tiến hành phát triển các hệ thống quản lý quân nhân và lương thưởng, từ đó hạn chế tình trạng tham nhũng và “nâng cao hiệu suất” toàn quân.

Tham vọng toàn cầu

Tháng 4/2020, Trung Quốc ra mắt Mạng lưới dịch vụ dựa trên blockchain (BSN), đóng vai trò như một hệ thống cơ sở hạ tầng chạy nền (back-end), chi phí thấp cho những nhà phát triển phần mềm xây dựng ứng dụng blockchain.

Sản phẩm của BSN nhắm đến các công ty, cụ thể là những doanh nghiệp vận hành cơ sở hạ tầng điện toán đám mây, chẳng hạn như Amazon, Microsoft hoặc công ty điều hành đám mây nội bộ.

“Blockchain nhìn chung rất quan trọng đối với Trung Quốc, các quan chức nước này coi đây là yêu cầu bắt buộc và muốn các công ty thúc đẩy sử dụng ứng dụng blockchain để giải quyết các bài toán trong thế giới thực”, Paul Triolo, Trưởng nhóm chính sách công nghệ tại hãng tư vấn Albright Stonebridge nói.

Kết hợp yếu tố blockchain với Sáng kiến Vành đai và Con đường, Bắc Kinh đang tham vọng đưa BSN trở thành “Internet chuỗi khối” thông qua “mạng lưới cơ sở hạ tầng toàn cầu, đa cổng thông tin và đa khuôn khổ”.

Để hiện thực hoá điều này, Bắc Kinh dự kiến phát triển một phiên bản BSN “quốc tế”. “Chúng tôi đang nỗ lực đưa ra một phiên bản khác dành cho thị trường quốc tế và giảm thiểu sự hậu thuẫn từ phía chính phủ Trung Quốc”, Yifan He, CEO Red Date Technology, một trong những công ty sáng lập mạng lưới BSN cho hay.

Theo đó, phiên bản quốc tế dựa trên mã nguồn mở, cho phép người dùng công cộng (public-domain) kiểm tra bất kỳ dòng mã backdoor tiềm tàng nào trên hệ thống.

Theo Vietnamnet