Bitcoin bị đặt ngoài vòng pháp luật
Trước thời điểm ngày 1/1/2018, Bitcoin cũng như các loại tiền ảo khác đã không được công nhận tại Việt Nam. Còn nhớ khi Đại học FPT có ý định thu học phí bằng đồng Bitcoin nhằm "hỗ trợ du học sinh nước ngoài" thì dư luận đã ồn ào và sau đó Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã bày tỏ thẳng quan điểm: Bitcoin là phương tiện thanh toán không hợp pháp, và chiếu theo Khoản 6 Điều 27 Nghị định 96 ban hành năm 2014 thì việc sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp có thể bị xử phạt vi phạm hành chính mức từ 150 - 200 triệu đồng.
Thế nhưng từ sau "vụ Đại học FPT" thì dư luận – thậm chí cả những chuyên gia kinh tế, tiền tệ và Đại biểu Quốc hội tại nghị trường – cũng có những ý kiến rải rác cho rằng nên nghiên cứu về đồng Bitcoin, nên cho phép thử nghiệm hoặc đưa vào quản lí.
Tuy nhiên với những qui định mới trong Bộ Luật Hình sự sửa đổi, bổ sung có hiệu lực từ ngày 1/1/2018 tới, hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng Bitcoin và các loại tiền ảo khác có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Như vậy qui định luật pháp đã siết chặt hơn đối với Bitcoin và tiền ảo và không hề đề cập gì đến việc mở cửa thử nghiệm. Và theo qui định mới, phạm trù điều chỉnh gần như bao quát hết các hoạt động liên quan đến Bitcoin và tiền ảo.
Bitcoin bị đặt ngoài vòng pháp luật tới mức hình sự thì đương nhiên các hoạt động phát hành đồng coin gọi vốn cho start-up (ICO) cũng không được xem là hợp pháp. Mới đây, một sự kiện ICO dự định tổ chức tại TP.HCM ngày 25/12/2017 đã phải hủy với lí do "thời điểm chưa phù hợp". Với tình hình mới, hoạt động ICO có lẽ sẽ còn rất lâu nữa mới tìm được "thời điểm phù hợp" tại Việt Nam. Cần biết rằng cách đây vài tháng, chính phủ Trung Quốc cũng đã chính thức cấm hoạt động ICO khiến cho giá đồng Bitcoin trên toàn cầu rớt mạnh.
Ứng xử thế nào với máy đào và việc đào Bitcoin?
Liên quan tới lĩnh vực Bitcoin không chỉ có đồng tiền ảo này mà đằng sau còn có cả một ngành công nghiệp và một đội ngũ đào Bitcoin cũng như những dự án đầu tư vào các trang trại và thiết bị đào, song hành đó là các sàn giao dịch, hành vi trao đổi, mua bán, thanh toán.v.v…
Tính đến thời điểm cuối năm 2017, hơn 7.000 máy đào Bitcoin đã được nhập về Việt Nam. Oái oăm là, phương thức thanh toán bằng Bitcoin không được công nhận, bị đặt ngoài vòng pháp luật, nhưng những cỗ máy đào Bitcoin vẫn được nhập ào ạt vào Việt Nam. Ngân hàng Nhà nước quản lí ngành không chấp nhận cho giao dịch, thanh toán bằng Bitcoin dù chỉ là thử nghiệm, nhưng đối với máy đào và người đào, hành vi đào Bitcoin, thì lại không thuộc lĩnh vực quản lí của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Vậy cơ quan nào quản lí vấn đề này?
Không chỉ có các máy đào Bitcoin mà hiện nay tại Hà Nội và TP.HCM còn có một số nơi trang bị cả BTM (ATM Bitcoin), trong đó có Đại học FPT. Vừa mới đây, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tại TP.HCM đã kiến nghị các cơ quan chức năng ra quân kiểm tra và tịch thu máy BTM vì đó là thiết bị phục vụ cho việc giao dịch tiền ảo vốn đang bị cấm.
Phân tích kĩ hơn về "hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng Bitcoin và các loại tiền ảo khác có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự" có thể thấy vẫn còn nhiều điểm cần được làm rõ. Đơn cử, hành vi phát hành có đồng nghĩa với việc sản xuất Bitcoin hay không, hay qui định mới chỉ cấm quá trình lưu thông Bitcoin nói riêng và tiền ảo nói chung?
Trên thực tế chúng ta hiểu rằng, tiền ảo hay bất cứ thứ gì quí giá nếu không được lưu thông và sử dụng thì chỉ mang giá trị chết. Đối với các loại tài sản ảo thì càng dễ mất giá và thậm chí về mức 0 nếu không được lưu thông, mua bán, giao dịch…
Ở một góc độ khác, Bitcoin và tiền ảo đang bị cấm dùng làm phương tiện thanh toán, không được xem là một loại tiền, vậy thì nó có được xem là một loại tài sản/tài sản ảo hay không, như tài sản ảo trong game online vậy? Và nếu công nhận nó là một loại tài sản ảo thì cần phải có qui định quản lí rõ ràng theo tính chất, đặc điểm, thuộc tính riêng.
Hiện tại mỗi quốc gia, vùng lãnh thổ đang có những cách ứng xử theo cách khác nhau đối với Bitcoin và tiền ảo. Việt Nam hay Trung Quốc… là một trong số các quốc gia cấm, không công nhận, nghĩa là cấm nhưng không quản. Tuy nhiên cũng có nhiều quốc gia, điển hình như Mỹ, không cấm tiền ảo hay Bitcoin nhưng cũng chưa quản, mà cứ để lơ lửng cho thị trường tự điều chỉnh.
http://vnreview.vn/goc-nhin-vnreview/-/view_content/content/2364987/bitcoin-cam-va-khong-quan