Biển Đông: Phải tỏ rõ chính kiến trước Trung Quốc

Các đại biểu mong Quốc hội có tuyên bố rõ ràng, mạnh mẽ hơn phản đối những hành động leo thang mới trên biển Đông của Trung Quốc.
Trung Quốc đang ồ ạt xây đảo nhân tạo, quân sự hóa biển Đông một cách nguy hiểm
Trung Quốc đang ồ ạt xây đảo nhân tạo, quân sự hóa biển Đông một cách nguy hiểm

Tại phiên thảo luận về kinh tế-xã hội ngày 8-6, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã bày tỏ thái độ hết sức lo lắng trước tình hình Trung Quốc (TQ) bất chấp dư luận thế giới, bất chấp luật pháp quốc tế bồi đắp xây các đảo nhân tạo tại khu vực quần đảo Hoàng Sa-Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam mà nước này đã chiếm đóng trái phép.

Bước leo thang hết sức nguy hiểm

Theo ĐB Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh), tình hình hiện nay cho thấy đã xuất hiện nhiều nguy cơ rủi ro khi TQ đơn phương thực hiện các hành động gây nguy hại đến an toàn lãnh hải và hòa bình trên biển Đông. Các hành động như hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981, đơn phương cấm đánh bắt cá ở biển Đông, đe dọa tàu cứu nạn, cứu hộ của Việt Nam… cho đến việc ra sức cải tạo, xây dựng tại các đá Chữ Thập, Gạc Ma, Ga Ven, Châu Viên, Huy Gơ... thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam đều hết sức nghiêm trọng. Nguy hiểm hơn là việc TQ đem vũ khí hạng nặng ra các đảo này, đó là hành động đi xâm chiếm.

“Cả thế giới cần phải lên án hành động này và yêu cầu TQ phải có lòng tự trọng của một nước lớn, phải biết xấu hổ khi đi xâm chiếm chủ quyền của các nước khác. Phải yêu cầu TQ giữ nguyên hiện trạng trên biển Đông” - ĐB Tuấn nói.

ĐB Thượng tọa Thích Thanh Quyết nhìn nhận: “Đây là bước leo thang hết sức nguy hiểm và nghiêm trọng, là hình thức vi phạm tiếp theo của TQ về chủ quyền của Việt Nam”.

Cũng theo Thượng tọa Quyết, TQ là nước lớn không được ăn hiếp nước nhỏ, nếu làm như vậy là bất nhân. TQ hãy quay về với đức nhân của mình để cho các nước trên thế giới tôn trọng. Người TQ luôn coi trọng đức nhân của mình, nếu làm ngược lại với đức nhân là không nên.

Đại biểu Trần Quốc Tuấn (trái) và Thượng tọa Thích Thanh Quyết đề nghị phải kiên quyết và không nhân nhượng trước vấn đề chủ quyền quốc gia. Ảnh: LÊ PHI

Kiên quyết trong vấn đề chủ quyền

Trước tình trạng đó, các ĐBQH cho rằng nhân dân cả nước mong muốn Đảng, QH và Chính phủ cần có những quyết sách đúng đắn hơn, phù hợp hơn. “Chúng ta cần tiếp tục có thái độ kiên quyết, có chính kiến rõ ràng về hành vi này của TQ và quan điểm trước sau như một về vấn đề chủ quyền của đất nước” - Thượng tọa Thích Thanh Quyết đề nghị.

Cũng theo Thượng tọa, chúng ta phải bình tĩnh và tỉnh táo, phải có “trái tim nóng và cái đầu lạnh”. “Sức mạnh của chúng ta là ở khối đại đoàn kết của toàn dân tộc, là chính nghĩa, là lương tri của loài người và sự ủng hộ của quốc tế… Việt Nam là nước giàu lòng từ bi bác ái nhưng kiên quyết bảo vệ chủ quyền đến cùng như lời dặn của Bác rằng: Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ nước”. ĐB Thượng tọa Thích Thanh Quyết nói thế và cảnh báo rằng: “Phải chú trọng giữ yên bờ cõi, biên cương ở trong đất liền. Vì hôm nay TQ vi phạm ngoài biển, ngày mai có thể họ sẽ quay đầu trở vào đất liền”.

ĐB Đặng Ngọc Nghĩa (Thừa Thiên-Huế) cũng đề nghị Chính phủ cần đặc biệt quan tâm và chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ hơn về chiến lược biển Đông. Đồng thời “tiếp tục cân đối nguồn lực bảo đảm ngân sách thích đáng để đầu tư toàn diện hệ thống tuyến đảo trọng điểm, từ các đảo gần đến các đảo xa, tạo hệ thống liên hoàn các đảo trên vùng biển nước ta” - ĐB Nghĩa đề xuất.

Mạnh mẽ bảo vệ ngư trường, ngư dân

Nói về những hiểm nguy mà ngư dân đang đối mặt, ĐB Nguyễn Cao Phúc (Quảng Ngãi) cho hay việc sản xuất của ngư dân vẫn đối mặt với rủi ro. Vì vừa phục hồi sau vụ giàn khoan Hải Dương 981 thì ngay sau đó TQ lại ngang nhiên tuyên bố cấm đánh bắt và xua đuổi ngư dân ở ngư trường Hoàng Sa.

“Hành động trên đã diễn ra nhiều năm gây khó khăn trong việc sản xuất của ngư dân. Cử tri kiến nghị Chính phủ cần có giải pháp hữu hiệu để bảo vệ ngư dân, hạn chế tối đa thiệt hại khi bị tàu TQ xua đuổi, uy hiếp, tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân an tâm sản xuất trên ngư trường truyền thống của mình” - ĐB Phúc kiến nghị.

ĐB Đặng Ngọc Nghĩa đề xuất QH, Chính phủ sớm nghiên cứu cơ chế đặc thù để lựa chọn thành lập các doanh nghiệp mạnh, tổ chức chỉ huy chặt chẽ đánh cá trên biển. Các doanh nghiệp này phải được trang thiết bị tàu vỏ thép, công suất lớn, tổ chức huấn luyện cho ngư dân ở các địa phương để vừa làm nhiệm vụ kinh tế vừa là nòng cốt cho ngư dân hoạt động hiệu quả, đồng thời từng bước xây dựng thế trận nhân dân trên biển.

Đốc thúc giải vốn cho ngư dân đóng tàu công suất lớn

Về các thắc mắc của ĐBQH khi gói 16.000 tỉ đồng hỗ trợ ngư dân giải quyết rất chậm chạp, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho hay Nghị định 67/2014 khuyến khích ngư dân bám biển, phấn đấu đến năm 2020 đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển, đảm bảo an ninh chủ quyền biển, đảo.

Đến thời điểm này đã có 648 tàu đăng ký đóng mới theo Chương trình 67 (tàu thép chiếm 50%, tàu công suất trên 800CV chiếm gần 60% số lượng tàu đăng ký), trong đó tàu dịch vụ hậu cần nghề cá là 78 cái. “Hiện nay đã giải ngân được 100 tỉ đồng” - Phó Thủ tướng nói. Phó Thủ tướng cũng cho hay Chính phủ đã họp đầu tháng 5 và yêu cầu các bộ, ngành, các địa phương khẩn trương hướng dẫn thực hiện Nghị định 67.

Cá nhân tôi rất tin là Đảng, Nhà nước đã có sách lược, biện pháp cụ thể, khéo léo. Nhưng làm sao để cử tri, nhân dân biết mà yên lòng. Chứ giờ bao nhiêu thông tin chỉ dẫn lại từ nguồn nước ngoài, ta có gì đâu. Vừa rồi QH đã họp kín, nghe báo cáo rất cụ thể nhưng đấy là QH thôi. Câu chuyện là của 90 triệu trái tim Việt. Không công khai, không rõ ràng, minh bạch thì người dân không hiểu Đảng, Chính phủ đã, đang và sẽ làm gì để người dân yên lòng rằng chủ quyền dứt khoát bảo vệ, không nhân nhượng… Tôi mong rằng QH sẽ có tuyên bố gì đó rõ ràng, mạnh mẽ hơn phản đối những hành động leo thang mới trên biển Đông.

ĐB Nguyễn Anh Sơn, Nam Định chia sẻ với báo chí bên hành lang QH ngày 8-6.

Theo PLTP