Bí thư Trương Quang Nghĩa: Năng lực cán bộ quản lý du lịch Đà Nẵng còn yếu
Hồ Xuân Mai
VietTimes – “Năng lực cán bộ quản lý lĩnh vực du lịch của Đà Nẵng còn yếu nên cần thay đổi nhận thức, xác định vai trò của du lịch với kinh tế, những ngưòi làm du lịch phải am hiểu lĩnh vực” - ông Trương Quang Nghĩa nói.
Năng lực cán bộ quản lý du lịch đang yếu
Chiều ngày 7/3, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa đã có buổi làm việc với Sở Du lịch Đà Nẵng về những tồn tại của ngành du lịch trong thời gian qua và định hướng phát triển bền vững, mang đẳng cấp riêng của Đà Nẵng trong thời gian tới.
Tham dự buổi làm việc có đại diện các Sở, Ban ngành TP, Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng và các cơ quan chức năng liên quan. Tại buổi làm việc, nhiều ý kiến phát biểu cho rằng du lịch Đà Nẵng đang tăng trưởng nóng, nhưng vẫn phát triển theo kiểu "mì ăn liền". Thiên nhiên bị cày xới để xây dựng ồ ạt cơ sở lưu trú gây nên hệ lụy nghiêm trọng.
Ông Huỳnh Tấn Vinh, Chủ tịch Hiệp hội du lịch Đà Nẵng dẫn báo cáo từ Sở Du lịch Đà Nẵng cho biết, trong 10 năm lượng khách đến Đà Nẵng tăng 5 lần từ 1,2 triệu lượt lên gần 7 triệu lượt. Tuy nhiên lượng buồng phòng đã tăng đến 10 lần. “Tự hỏi vì sao du khách chọn Đà Nẵng? Tôi cho rằng đó là do vẻ đẹp tự nhiên như Sơn Trà, sông Hàn chứ những công trình hoành tráng thì các TP lớn khắp thế giới như New York, Paris còn gấp nhiều lần Đà Nẵng”, ông Vinh nói. Ông cảnh báo tình trạng phá hoại thiên nhiên làm cơ sở lưu trú đang diễn ra tại Đà Nẵng, nhất là tại Sơn Trà.
Đồng quan điểm với đại diện Hiệp hội Du lịch, ông Nguyễn Nho Trung, Phó chủ tịch HĐND Đà Nẵng cho rằng, cơ sở hạ tầng lưu trú ở TP tăng quá nhanh. Tuy nhiên, khách đến Đà Nẵng tăng, nhưng họ chỉ đến một lần rồi không quay lại. Nhất là khách Hàn và Trung Quốc.
Du lịch Đà Nắng phát triển nóng, nhưng chưa tương xứng tầm và chưa bền vững
“Đà Nẵng phải chọn cách phát triển du lịch trong sự tương tác với Quảng Nam, Huế để tận dụng cơ hội chứ không thể chạy theo lối mòn. Không thể họ xây khách sạn mình cũng xây, họ làm casino mình cũng làm. Nam Hội An người ta đang xây rất dữ. Họ làm quyết liệt thì mình tránh những cái đó đi.
Đà Nẵng hướng đến TP sự kiện nhưng đừng đi theo lối mòn, lúc nào cũng pháo hoa. Mình quảng bá bằng các sự kiện thể thao đi. Ví dụ mình mời Federer, Nadal qua chơi vài trận tennis là cả thế giới biết đến ngay”, ông Nguyễn Nho Trung nhấn mạnh.
Còn ông Ngô Quang Vinh, Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng thừa nhận, du lịch Đà Nẵng đang phát triển nóng nhưng lực lượng và kinh phí hoạt động mỏng. Hoạt động chưa rõ ràng. Đặc biệt là khu vực quận Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn.
Liên quan đến vấn đề này, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa cho rằng, khách du lịch đến đông quá mà không phục vụ tốt thì sẽ có tác dụng ngược. Họ sẽ truyền lại điều này cho những người khác sẽ khiến địa phương bị thiệt hại.
Đặc biệt, Bí thư Đà Nẵng đánh giá vấn đề dẫn đến du lịch Đà Nẵng còn phát triển chưa xứng tầm là do thiếu cán bộ quản lý có năng lực và có am hiểm về ngành nghề. “Thiếu biên chế, thiếu người làm chuyên môn du lịch ở hai quận Ngũ Hành Sơn, Sơn Trà. Trong khi hai địa phương này chiếm hơn một nửa du khách lưu trú đến Đà Nẵng”.
“Năng lực cán bộ quản lý lĩnh vực du lịch của Đà Nẵng còn yếu. Nên cần đào tạo từ cán bộ, thay đổi nhận thức xác định vai trò của du lịch đối với kinh tế. Đồng thời những người làm du lịch phải am hiểu lĩnh vực”, Bí thư Trương Quang Nghĩa nhấn mạnh.
“Đừng chê khách Trung Quốc!”
Nói về định hướng phát triển du lịch Đà Nẵng trong thời gian tới, hầu hết các ý kiến cho rằng Đà Nẵng cần phát triển theo hướng riêng, xây dựng cơ cấu du khách bền vững, tránh phụ thuộc vào một nguồn khách cố định. Nhất là nguồn khách Trung Quốc.
Ông Lâm Quang Minh, Giám đốc Sở Ngoại vụ Đà Nẵng cho rằng, TP phải định hình phân khúc để phát triển. Cả TP chỉ có hai khách sạn lớn chủ động được về phân khúc thị trường, có khách châu Âu và Nhật nên không ảnh hưởng.
“Sau APEC, lượng khách đến Đà Nẵng đã tăng 10 lần. Một ngày có đến 20 chuyến bay từ Trung Quốc và Hàn Quốc khiến việc làm thủ tục ở sân bay quá tải”, Giám đốc Sở Ngoại vụ nói.
Liên quan đến vấn đề quá tải ở sân bay, ông Trương Quang Nghĩa cho biết, việc nâng cấp Nhà ga nội địa sân bay Đà Nẵng và xây cảng Liên Chiểu phải được triển. Hiện tại lượng khách đến Đà Nẵng khoảng 13 triệu lượt/năm; sắp tới sẽ tăng lên 15 triệu lượt.
Theo Bí thư Đà Nẵng, ngành du lịch cần đánh giá đúng cơ cấu nguồn khách du lịch để nắm bắt thời cơ phát triển, không nên tẩy chay khách Trung Quốc
Nói về cơ cấu nguồn khách đến Đà Nẵng, Bí thư Đà Nẵng cho rằng cần nhìn thực chất có phải khách đến Đà Nẵng tăng cao thời gian qua có phải do hậu quả khủng hoảng Hàn - Trung hay không. “Chúng ta nhìn rõ thì mới nắm được cơ hội. Trước đây Thái Lan khủng hoảng mà Việt Nam vẫn không nhúc nhích, không hút được khách về mình. Chúng ta phải hết sức tranh thủ. Khách Trung Quốc, khách Hàn đến thì phải tận dụng thật tốt, không phải tự nhiên mà có được”, ông Nghĩa nói.
Bên cạnh đó, theo Bí thư Trương Quang Nghĩa, Đà Nẵng không nên chê hay tẩy chay khách Trung Quốc vì khách Trung Quốc dễ phục vụ. Hiện có 12 triệu lượt người Trung Quốc mỗi năm đến Thái Lan. Canada, Mỹ… cũng đều có rất đông khách Trung Quốc nên cần tận dụng, khai thác thật tốt lượng khách này.
“Họ rất dễ tính, vô cùng dễ tính. Họ đến Nha Trang cái gì cũng mua, mua đến cả cái nệm Kim Đan. Tuy nhiên không vì thế mà chỉ chú tâm đến khách Trung Quốc. Đà Nẵng phải đồng thời triển khai nhiều thị trường khác nhau để không bị phục thuộc vào một nước nào đó. Đa dạng thị trường cũng sẽ có được du lịch theo mùa, ổn định quanh năm”, ông Nghĩa chia sẻ.
Chung quan điểm với Bí thư Trương Quang Nghĩa, ông Nguyễn Nho Trung, Phó Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng cho rằng, các ngành chức năng cần phát triển và nâng tầm du lịch Đà Nẵng theo hướng đẳng cấp bởi các đại sứ, lãnh đạo tham dự APEC đều đánh giá Đà Nẵng rất cao, đẳng cấp đủ sức cạnh tranh với các điểm du lịch khác như Bali, Phukhet. Và Đà Nẵng có đủ điều kiện để phát triển.