Sau đúng một tuần thị sát bãi rác ô nhiễm, sáng 30/10, ông Nguyễn Xuân Anh cùng lãnh đạo nhiều sở, ngành đi kiểm tra các dự án liên quan đến xử lý môi trường sông Phú Lộc (quận Thanh Khê). Điểm nóng về ô nhiễm trên sông Phú Lộc kéo dài hơn 10 năm qua đã gây bức xúc cho hàng nghìn người dân, ô nhiễm kép môi trường biển khi nước từ sông này đổ ra vịnh Đà Nẵng.
Dành khoảng một giờ kiểm tra việc thi công bờ kè cửa sông Phú Lộc trên đường Nguyễn Tất Thành, thi công dự án nâng cấp, cải tạo Trạm xử lý nước thải Phú Lộc và các hạng mục liên quan, ông Xuân Anh trao đổi trực tiếp với hai giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường và Sở Giao thông Vận tải để tìm hướng xử lý.
Nghe ông Nguyễn Điểu, Giám đốc Sở Tài nguyên, thông tin khi trạm xử lý đi vào hoạt động, 90% lượng nước thải sẽ được thu gom xử lý, ông Xuân Anh chỉ đạo việc đầu tư xử lý điểm nóng ô nhiễm này phải làm dứt điểm, không kéo dài và đảm bảo chất lượng dự án. "Đầu tư cho môi trường tốn tiền cũng phải làm", Bí thư Thành ủy 39 tuổi khẳng định.
Ông Xuân Anh đề nghị Sở Tài nguyên phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư xem xét các hạng mục cần thiết để chấm dứt tìng trạng ô nhiễm môi trường; xem xét tạm dừng xây dựng cảnh quan quanh sông Phú Lộc để đầu tư vào xây dựng trạm xử lý nước thải, bởi "dân người ta kêu hôi thối hay không chứ không kêu cảnh ni đẹp hay không đẹp".
Bí thư Thành ủy cũng yêu cầu các đơn vị liên quan hoàn thành dự án trong năm 2017, sớm hơn thời gian các đơn vị thi công đưa ra.
Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông công chính, công trình nâng cấp, cải tạo Trạm xử lý nước thải Phú Lộc có tổng mức đầu tư gần 140 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách thành phố. Công suất của nhà máy giai đoạn 1 là 40.000 m3/ngày đêm.
Ước tính mỗi ngày có 5.000 m3 nước thải ô nhiễm từ nhiều nguồn đổ ra sông. Đà Nẵng đã có nhiều dự án cải tạo con sông này, tiêu tốn hàng trăm tỷ đồng. Trước phản ứng dữ dội của nhiều hộ dân, chính quyền địa phương đã nhiều lần họp nóng với dân, nhưng ô nhiễm môi trường tái diễn, có thời gian hàng tấn cá chết nổi trắng sông.
Theo VnE