Sáng nay (7/3), tỉnh ủy và UBND tỉnh Thanh Hóa đã có cuộc đối thoại với người dân về việc giao đất cho đơn vị thi công dự án ở Sầm Sơn làm người dân mất kế sinh nhai
Nêu kiến nghị tại buổi đối thoại, ông Vũ Đình Chiến, ngư dân phường Trường Sơn bức xúc: “Ngư dân chúng tôi từ xưa tới nay, bãi sầm Sơn trải dài hơn 7km, trước chưa phát triển du lịch cứ 200m có một tàu neo đậu.
Đến khi du lịch phát triển, ngư dân đã bị dồn lại. Bây giờ nhìn cả 2km biển không có một bãi thuyền nào.
Người dân Sầm Sơn nêu kiến nghị với Bí thư tỉnh (ảnh: VnE)
“Nếu chuyển đi chỗ khác tức là chúng tôi phải chạy thuyền máy ra nơi khác, khi đó tốn ít nhất 50.000 đồng, một tháng đi 20 ngày tốn 1 triệu, tính thêm các khoản khác thì mỗi tháng mất 2 triệu. Với ngư dân mất thêm 2 triệu một tháng là cả vấn đề.Giờ chúng tôi yêu cầu tha thiết, nếu muốn ngư dân chuyển nghề thì cũng phải lấy an sinh làm đầu. Nói thật chúng tôi có bến thì còn kiếm được vài đồng, nhưng đi chỗ khác kiếm ăn không được”.
Chúng tôi đồng tình làm du lịch, nhưng chúng tôi cũng phục vụ du lịch. Đánh con cá vào bán cũng là làm du lịch. Chúng tôi tha thiết đề nghị tỉnh xem xét để lại 1km ven biển, tiếp tục hỗ trợ chăm lo cho ngư dân đi biển” - ông Chiến kiến nghị.
Một số ngư dân còn đề nghị không nhận tiền hỗ trợ, chỉ đề nghị giữ lại bãi biển để làm bến cho ngư dân lấy chỗ đưa thuyền mủng ra vào.
Phúc đáp các ý kiến của ngư dân, ông Trịnh Văn Chiến, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa cho biết ông đã nghe nguyện vọng của bà con.
Ông Trịnh Văn Chiến - Bí thư Tỉnh ủy, chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa (đứng) phát biểu tại buổi đối thoại với ngư dân thị xã Sầm Sơn (ảnh: Tuổi trẻ).
“Có bà con đề nghị để lại 500m bờ biển, có bà con đề nghị 1km bờ biển, có bà con đề nghị để lại 1,5km bờ biển. Tôi đã nghe hết” - ông Chiến nói.
“Tôi gom lại ý kiến bà con thế này. Thứ nhất, quy hoạch bãi biển đẹp bà con đồng tình. Thứ hai, bà con đề nghị để lại nhiều nhất 1,5km bờ biển. Thứ ba, nếu có vấn đề vi phạm pháp luật, bà con đề nghị cơ quan của tỉnh giơ cao đánh khẽ” - ông Chiến nói.
Ông Chiến cho rằng việc như mấy ngày qua là đáng tiếc. "Dù bất cứ góc độ nào, là người lãnh đạo cao nhất, tôi thấy bản tôi có khuyết điểm, trách nhiệm lớn với bà con ngư dân Sầm Sơn", ông nói.
Ông Chiến cũng cho biết: "Trong những ngày qua có nhiều thông tin không chính xác. Tôi khẳng định bờ biển là của đất nước chúng ta, bờ biển phải được quản lý bằng quy hoạch. Không có chuyện tỉnh thu biển, thu bờ biển để giao cho bất cứ đơn vị nào".
Các ngư dân vui mừng khi Bí thư tỉnh ủy Thanh Hoá tuyên bố bà con tiếp tục về làm việc bình thường, chưa thực hiện di dời bến bãi (ảnh: Tuổi trẻ).
Theo Bí thư Chiến, Sầm Sơn là bãi biển đẹp của cả nước, đã có tiếng cả trăm năm nay, nhưng khai thác chưa thật sự hiệu quả tiềm năng, thế mạnh. Vì vậy tỉnh mới có chủ trương cải tạo đường Hồ Xuân Hương để đưa bãi biển Sầm Sơn thành bãi biển đẹp nhất của cả nước.
8h30 buổi đối thoại mới bắt đầu, nhưng từ 7h đông kín người dân tập trung trước Trung tâm Bồi dưỡng Thanh thiếu nhi thị xã Sầm Sơn để dự đối thoại. Hàng trăm cảnh sát được huy động để đảm bảo an ninh. Bên trong hội trường không còn một chỗ trống, nhiều người phải đứng để nghe.
Nhiều người dân cho biết đến từ sớm tìm chỗ ngồi và mong được lên tiếng bởi đây là cơ hội nói lên bất cập trong dự án quy hoạch mà tỉnh Thanh Hóa đã giao cho tập đoàn FLC.
Dự án quy hoạch không gian du lịch ven biển phía Đông đường Hồ Xuân Hương kéo dài 3,5 km, được tỉnh Thanh Hóa phê duyệt tháng 10/2015. Chính quyền đã bàn giao mặt bằng cho nhà thầu là Tập đoàn FLC. Dự kiến đến trước 15/4, dự án với tổng vốn đầu tư 315 tỷ đồng sẽ hoàn thành để phục vụ du lịch hè 2016.
Tổng hợp