PGS.TS Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết, trong giai đoạn đầu, Sở Y tế cử 40 bác sĩ từ các bệnh viện thành phố hỗ trợ đảm bảo hoạt động khám bệnh, chữa bệnh 24/24 giờ cho người dân.
Đồng thời chuyển giao kỹ thuật cho Bệnh viện huyện Củ Chi về các chuyên khoa: Nội, ngoại, sản, nhi, y học cổ truyền - phục hồi chức năng, liên chuyên khoa Mắt - Răng hàm mặt - Tai mũi họng và cấp cứu - hồi sức tích cực.
Ngoài ra, tùy theo mô hình bệnh tật tại huyện Củ Chi, các bệnh viện tuyến thành phố sẽ tăng cường hỗ trợ trang thiết bị cho bệnh viện huyện Củ Chi đảm bảo công tác chăm sóc sức khỏe của người dân.
Đợt này, các bệnh viện Nhi Đồng 1, Nhân Dân Gia Định, Từ Dũ, Bình Dân, Tai Mũi Họng, Răng Hàm Mặt, Mắt, Da Liễu, Phục hồi chức năng-Điều trị bệnh nghề nghiệp và bệnh viện Đa khoa khu vực Củ Chi tham gia hỗ trợ hoạt động chăm sóc sức khỏe người dân cho bệnh viện huyện Củ Chi.
Theo đó, kể từ ngày 29.4, 13 phòng khám vệ tinh sẽ bắt đầu hoạt động với 2 phòng khám nhi, 4 phòng khám nội và mỗi chuyên khoa sản, nội, ngoại, tai mũi họng, răng hàm mặt, mắt, da liễu, phục hồi chức năng là 1 phòng khám.
Ông Nguyễn Văn Tràng, người dân xã An Nhơn Tây cho biết, người dân không ai muốn phải đi xa, lên thành phố để khám bệnh, vì thế ông rất phấn khởi, hy vọng bà con nghèo khổ sẽ được chăm sóc sức khỏe tốt hơn tại bệnh viện này.
Bắt đầu từ ngày 4-5-3026, 7 Khoa vệ tinh nội, ngoại, sản, nhi, y học cổ truyền-phục hồi chức năng, liên chuyên khoa Mắt-Răng Hàm Mặt-Tai Mũi Họng và cấp cứu-hồi sức tích cực của các bệnh viện thành phố tại bệnh viện huyện Củ Chi cũng đi vào hoạt động.
BS Cù Tiến Dũng, Giám đốc Bệnh viện huyện Củ Chi cho biết, từ khi thành lập đến nay (tiền thân là Bệnh viện An Nhơn Tây), bệnh viện luôn hoạt động trong điều kiện khó khăn về trang thiết bị vật chất, đặc biệt là thiếu hụt đội ngũ bác sĩ mặc dù đã được đầu tư xây mới với quy mô 300 giường bệnh.
Với đề án luân phiên bác sĩ, đặc biệt là việc triển khai các khoa vệ tinh, phòng khám vệ tinh của các bệnh viện thành phố tại Bệnh viện huyện Củ Chi sẽ là cơ hội lớn cho bệnh viện trong việc bổ sung nguồn nhân lực để bệnh viện đạt được mục tiêu là bệnh viện hạng 2 hoàn chỉnh sau năm 2020.
Để tăng cường đảm bảo nguồn nhân lực cho y tế cơ sở trong thời gian tới, Sở Y tế TP.HCM sẽ phối hợp với trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch tiếp tục đẩy mạnh Chương trình Luân phiên bác sĩ trẻ sau tốt nghiệp (có chứng chỉ hành nghề) về tham gia công tác khám bệnh, chữa bệnh ở những bệnh viện tuyến quận huyện có khó khăn về nhân lực.
Đồng thời, Sở Y tế cũng sẽ đề xuất Ủy ban Nhân dân TP.HCM xem xét, hỗ trợ chế độ thu hút bác sĩ về công tác tại tuyến quận huyện, nhất là quận huyện có khó khăn về nhân lực y tế.
Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thị Thu nhấn mạnh, Sở Y tế phải xem xét ngay việc xây nhà công vụ để các y bác sĩ được luân chuyển yên tâm công tác, đồng thời động viên người dân địa phương yên tâm khi khám chữa bệnh tại đây, không cần phải tốn kém thời gian, tiền của đi khám ở bệnh viện tuyến trên.
Trước đó, ngày 26.4, Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng đã trực tiếp thị sát Bệnh viện huyện Củ Chi và làm việc với lãnh đạo Sở Y tế TP. Tại buổi thị sát Bí thư Thăng tỏ ra khá bức xúc trước việc bệnh viện này đã khánh thành và đi vào sử dụng nhưng trang thiết bị y tế chưa có; nhu cầu cần đến 60 bác sĩ nhưng mới chỉ có 14 bác sĩ.
Trước tình hình trên, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng yêu cầu Sở Y tế phải kiểm điểm trách nhiệm, xử lý những cán bộ Đảng viên liên quan đến việc đầu tư xây dựng Bệnh viện Củ Chi dẫn đến chậm vận hành, chậm phục vụ dân và báo cáo về Thường trực Thành ủy, UBND TP chậm nhất vào ngày 15.5.2016.
Theo CATP