Bí thư Thăng: Cứ nói thẳng, có lãnh đạo ở đây không sợ trù dập

VietTimes -- Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng đã tuyên bố như vậy ngay từ đầu buổi gặp gỡ giữa lãnh đạo thành phố và doanh nhân trên địa bàn được tổ chức sáng 8-3, với chủ đề “Lắng nghe và đổi mới”.
Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng phát biểu tại hội nghị gặp gỡ giữa lãnh đạo thành phố và doanh nghiệp trên địa bàn năm 2016 với chủ đề đề “Lắng nghe và đổi mới” sáng 8-3 - Ảnh: Duyên Phan
Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng phát biểu tại hội nghị gặp gỡ giữa lãnh đạo thành phố và doanh nghiệp trên địa bàn năm 2016 với chủ đề đề “Lắng nghe và đổi mới” sáng 8-3 - Ảnh: Duyên Phan

Với tinh thần cởi mở và cầu thị, doanh nghiệp đã không ngại ngần nêu ra những khó khăn mà doanh nghiệp ngành mình đang đối mặt.

Hội trường Thành ủy TP.HCM đã không còn chỗ trống khi hội nghị do UBND TP.HCM tổ chức với sự có mặt đông đủ của tất cả lãnh đạo cấp cao nhất của thành phố hiện nay tham dự với hàng trăm doanh nhân, hiệp hội ngành hàng có mặt.

Đừng sợ bị "đì"!

Phát biểu đề dẫn tại hội nghị, ông Đinh La Thăng yêu cầu, các doanh nhân, doanh nghiệp "cứ nói thẳng, nói thật, nói rõ địa chỉ" làm chưa tốt hoặc gây phiền hà cho doanh nghiệp.

"Các đồng chí đừng có sợ sẽ bị chuyên viên các sở ngành "đì". Tôi xin nói thẳng, lãnh đạo cao nhất TP không trù dập thì chả ai trù dập được các doanh nghiệp hết. Lãnh đạo TP luôn luôn đồng hành cùng doanh nghiệp", ông Thăng cam kết.

Theo đó, lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh thực tâm cầu thị và muốn lắng nghe về những bất cập, khó khăn doanh nghiệp đang gặp phải nhằm đổi mới, sửa đổi để tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp phát triển.

"Với những vướng mắc thuộc thẩm quyền giải quyết của TP thì TP sẽ nghiên cứu, tháo gỡ ngay. Việc nào giải quyết ngay được thì giải quyết "ngay và luôn", việc nào cần thời gian thì phải có cam kết cụ thể, bao nhiêu ngày, bao nhiêu tháng và phải được công khai để doanh nghiệp, người dân, Thường trực Thành ủy, HĐND, Đoàn Đại biểu Quốc hội giám sát...", ông Thăng yêu cầu.

Tiếp sức cho DN bằng cơ chế

Trên tinh thần đó, ông Huỳnh Văn Minh - Chủ tịch Hiệp hội DN TP. Hồ Chí Minh thẳng thắn đề xuất, TP cần xây dựng một cơ chế chính sách phải ổn định, lâu dài, thông thoáng cho doanh nghiệp. Đặc biệt, phải đề cao 7 chương trình đột phá đã được Đại hội X Đảng bộ TP thông qua, trong đó, tập trung công tác cải cách hành chính, đồng thời có chính sách hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp phát triển.

"Hỗ trợ tài chính nhưng không phải là “cho tiền” doanh nghiệp, mà TP cần tạo ra cơ chế chính sách tài chính phù hợp để làm sao doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận nguồn vốn, ưu đãi về lãi suất, có chính sách thuế phù hợp, mang lại sức cạnh tranh cho doanh nghiệp", ông Minh nói, đồng thời cho rằng, nguồn vốn đối với DN cũng như máu trong cơ thể con người, mà đa số DN đều đang thiếu vốn, đặc biệt là những DN vừa và nhỏ, vấn đề nguồn vốn hiện nay rất bức xúc.

“Báo cáo anh Thăng, TP. Hồ Chí Minh là đầu tàu kinh tế, nhưng lại không có được một Trung tâm Hội chợ - Triển lãm cho ra hồn. Điều kỳ cục là kiến nghị nhiều mà không làm được, đến nay TP vẫn chưa có hecta đất nào để xây dựng hội chợ”, ông nói thêm.

Bệnh viện "treo” vì thủ tục hành chính

Được Bí thư Đinh La Thăng chỉ định phát biểu ngay sau Chủ tịch Hiệp hội DN TP. Hồ Chí Minh, bác sĩ Huỳnh Thị Kim Dung - Giám đốc Công ty TNHH Bệnh viện Đa khoa Vạn Hạnh bày tỏ nỗi khổ bị "treo" do những vướng mắc phát sinh từ thủ tục hành chính.

Theo bà Dung cho biết, Công ty TNHH Bệnh viện Đa khoa Vạn Hạnh được cấp phép hoạt động từ năm 2000. Tại thời điểm cấp phép và trong hơn 10 năm hoạt động, các tiêu chuẩn về chuyên môn đều đạt yêu cầu. Tuy nhiên, cho đến gần đây, trước những yêu cầu đổi mới từ công tác khám chữa bệnh, một số quy chuẩn đã không còn phù hợp.

Trong các lần thẩm định, kiểm tra, Bộ Y tế khuyến nghi, Bệnh viện Đa khoa Vạn Hạnh đã mua 2 lô đất liền kề với gần 100 tỷ đồng nhằm mục tiêu mở rộng hạ tầng. Thế nhưng, đất mua xong rồi "để phơi sương cho cỏ mọc" vì không xin giấy phép xây dựng do quy định cấm mở rộng, xây mới bệnh viện trong nội thành của UBND TP.

“Hai năm trời ròng rã, chúng tôi đi từ quận, lên Sở Quy hoạch - Kiến trúc mà chưa gỡ được. TP cho rằng, Bệnh viện trong nội thành kẹt xe, thế các trung tâm thương mại có kẹt xe không mà vẫn được xây? Các trung tâm ngoại ngữ gây kẹt xe vẫn được mở trong nội thành. Có những bệnh viện nào gây kẹt xe...", bà Dung bức xúc.

Kiên quyết loại bỏ những cán bộ nhũng nhiễu DN

Phát biểu kết luận hội nghị, ông Đinh La Thăng nêu rõ, toàn thể cán bộ nhân viên các sở ngành thành phố phải thay đổi tư duy về doanh nghiệp. Theo đó, cán bộ, nhân viên các cơ quan công quyền thành phố phải coi doanh nghiệp là đối tượng phục vụ chứ không phải đối tượng quản lý.

"DN là người đóng thuế để bộ máy này hoạt động. Vì vậy, phải coi doanh nghiệp là đối tượng phục vụ, và phục vụ vô điều kiện chứ không có thể "lơ mơ" được. Đồng thời, tôi yêu cầu kiên quyết đưa ra khỏi hệ thống những cán bộ, nhân viên nhũng nhiễu, làm phiền doanh nghiệp. Với những cán bộ không gây khó khăn, không nhũng nhiễu, nhưng năng lực kém, làm chậm cũng phải vậy", ông Thăng khẳng định.

Theo Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh, những cán bộ năng lực kém, làm việc không hiệu quả, làm chậm... tức là làm lãng phí thời gian, tiền của, công sức, cơ hội... của DN nên rất cần loại bỏ khỏi hệ thống, hoặc bố trí việc khác phù hợp hơn.

Đồng thời, Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh đề nghị các DN phải có sự liên kết lại. Liên kết thật sự. Liên kết với không chỉ những doanh nghiệp trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh mà cả với doanh nghiệp tại các vùng phụ cận như Đồng Nai, Bình Dương... và trên cả nước.

"Người ta nói, buôn có bạn, bán có phường. Các DN cần có sự liên kết, hợp tác chặt chẽ với nhau, giúp nhau cùng phát triển, như vậy mới tạo nên sức mạnh. Tôi nói giả sử như thị trường bán lẻ, nếu các doanh nghiệp thiếu sự liên kết sẽ có nguy cơ rơi vào tay các DN nước ngoài. Họ làm chủ, tức là họ quyết định thị trường, quyết định giá bán, quyết định tiêu dùng. Như vậy là chúng ta thua trên sân nhà...", ông Thăng chia sẻ.

Không khí buổi họp trở nên sôi động ngay từ những phút đầu khi toàn bộ đại biểu nữ, phóng viên, nhân viên phục vụ được mời lên sân khấu để lãnh đạo TP.HCM tặng hoa nhân ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3.

Theo ông Sử Ngọc Anh, giám đốc Sở KH-ĐT TP.HCM, hai tháng đầu năm 2016, TP.HCM tiếp tục có những tăng trưởng đáng khích lệ so với cùng kỳ. Cụ thể, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ đạt xấp xỉ 121.000 tỉ đồng, tăng 11,8%; kim ngạch xuất khẩu đạt 3,9 tỉ USD (không tính dầu thô), tăng 8,2%; doanh thu du lịch đạt gần 17.300 tỉ đồng, tăng 7,6%.

Các nguồn vốn đầu tư huy động cho phát triển tăng khá, trong đó TP đã thu hút được 28.432 tỉ đồng đầu tư theo hình thức đối tác công-tư (PPP). Có 3.606 doanh nghiệp mới thành lập mới với vốn đăng ký 27.142 tỉ đồng, đưa tổng số doanh nghiệp đăng ký mới và bổ sung đạt 58.093 tỉ đồng, tăng đến 45% so với cùng kỳ.