Bị cáo Trần Phương Bình (cựu Tổng giám đốc, Phó chủ tịch HĐQT, Chủ tịch HĐTD DAB)/ Ảnh: VnExpress.
|
Ngày 29/11, phiên tòa xét xử bị cáo Phan Anh Vũ tức “Vũ Nhôm” và các đồng phạm bước sang ngày làm việc thứ ba. Đại diện VKS thẩm vấn Trần Phương Bình về việc bị cáo Bình khai với HĐXX là “cảm thấy có lỗi với Phan Văn Anh Vũ”, vậy giải thích rõ hơn về lý do cảm thấy có lỗi.
Bị cáo Trần Phương Bình cho biết: “Bản thân bị cáo nguyên là giáo viên nên luôn luôn thấy có lỗi với Vũ ở chỗ không thông báo đầy đủ cho Vũ về thực trạng hoạt động của ngân hàng. Đây là điều bị cáo thấy có lỗi rất nhiều với Vũ”.
Về việc mua cổ phần và chia cổ tức, ông Bình khai nhờ vợ và các con đứng tên mua cổ phần. Vài năm trước đó, ông Bình nhờ những nhân viên đứng tên mua. Tuy nhiên, đến tháng 12/2017 khi cổ phần bán còn thừa, Bình muốn mua lại nhưng không nhờ được người ngoài đứng tên nên nhờ vợ và con đứng tên. Những người này không hề biết đứng tên để mua cổ phần. Ngay cả khi mua xong rồi họ cũng không biết.
Khi bán cổ phần DAB, bị cáo Trần Phương Bình khai có một số hạn chế với thành viên và gia đình thành viên HĐQT nên không thể bán cổ phần ông và người thân đứng tên. Vì vậy, bị cáo giữ lại cổ phần của vợ và các con.
“Cổ phần đứng tên bị cáo thì bị hạn chế bán. Nếu thực hiện bán cổ phần đứng tên mình, vợ và con thì phải công bố trước công luận. Như vậy sẽ ảnh hưởng đến uy tín của DAB”, bị cáo Bình trả lời.
Sau đó, đến kỳ nhận cổ tức, DAB chuyển qua tài khoản người đứng tên cổ phần. Sau đó, Bình sẽ nói người thân chuyển hoặc nói nhân viên chủ động chuyển trên hệ thống qua tài khoản cá nhân sử dụng.
Tuy nhiên, bị cáo Trần Phương Bình khai không nhớ về giá trị số cổ tức bị cáo và gia đình hưởng, nhưng có lần được cán bộ điều tra cho hay số cổ tức bị cáo và gia đình nhận đến nay là hơn 100 tỷ.
Bị cáo Trần Phương Bình phủ nhận việc VKS chất vấn rằng bị cáo muốn thâu tóm quyền lực tại DAB nên mới mua cổ phần lại cho vợ và con. Bị cáo cho biết, tỷ lệ phần trăm cổ phần của bị cáo và người thân đứng tên chưa bao giờ đạt đến con số 20%. Bị cáo không thể xác định phần trăm bao nhiêu thì mới nắm quyền cao nhất, tuy nhiên, khi bỏ phiếu biểu quyết tại hội đồng cổ đông, người nào sở hữu trên 30% cổ phần thì có quyền ban hành nghị quyết.
Bị cáo Trần Phương Bình còn khai trong khoảng thời gian từ 2007-2014, DAB bán cho Công ty Bắc Nam 79 của “Vũ Nhôm” tổng cộng 50 triệu cổ phần với đơn giá 10.000 đồng. Theo bị cáo, giá cổ phần DAB lúc đó xuống thấp, bán cho Vũ giá đó thì so với giá mua vào năm 2007 thì không những không cao hơn mà còn bị âm.
Về tổng số tiền thu được từ việc bán cổ phần cho Vũ là 500 tỷ, ông Bình khai toàn bộ số tiền này sử dụng cho hoạt động DAB để tất toán hồ sơ vay nhằm chống âm quỹ những năm trước và thanh toán các hợp đồng vay trước đó.
(Tổng hợp)