Đó là một trong những vấn đề làm nóng tọa đàm “Thực trạng và giải pháp tăng cường vai trò của báo chí Liên hiệp hội Việt Nam” do Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (LHHVN) tổ chức.
Còn vài mảng tối
“Đây là hệ quả của lối làm báo chụp giật vô trách nhiệm, thậm chí xuất phát từ động cơ xấu của một số phóng viên nhằm tạo ra những "sự cố", những vụ tai tiếng, những vụ giật gân, câu khách. Thông tin sai sự thật còn là biểu hiện của sự cẩu thả, tắc trách, coi thường bạn đọc, coi thường pháp luật trong quy trình biên tập, thẩm định, xét duyệt tin, bài của những người có trách nhiệm quản lý và điều hành cơ quan báo chí...”, TS. Phạm Thị Mỵ - Tổng biên tập Tạp chí Sức khỏe và Môi trường nhấn mạnh.
Tổng biên tập tạp chí Sức khỏe môi trường Phạm Thị Mỵ (Ảnh: Lê Hồng)
|
Một số cơ quan báo chí và nhà báo thường sa đà vào "mảng tối", mặt trái của đời sống xã hội, tạo nên bức tranh ảm đạm, bi quan về đất nước, địa phương, cơ quan, đơn vị. Những thông tin này tạo nên hiệu ứng không tốt trong công chúng, tạo cái nhìn thiên lệch cho người nước ngoài về Việt Nam; bị các đối tác và đối thủ nước ngoài triệt để khai thác, lợi dụng nhằm gây sức ép với nhà nước ta trên các bàn đàm phán đa phương và song phương về chính trị, kinh tế, thương mại, đầu tư,…
Ngoài ra, bà còn lưu ý thêm thực trạng một số cơ quan báo chí và nhà báo sa đà vào các thông tin dung tục, giật gân, tình dục, bạo lực, mê tín dị đoan, không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam, làm suy giảm tính định hướng, tính giáo dục và tính thẩm mỹ của báo chí. Đây là xu hướng đáng báo động trong hoạt động báo chí.
Hướng tới báo chí “trí tuệ”
Tại tọa đàm, ông Nguyễn Hữu Bắc - Thư ký tòa soạn báo Đất Việt nhận đinh, các loại hình, phương thức truyền thông mới xuất hiện cùng với sự đa dạng kênh truyền thông trong nước đã tạo ra sự cạnh tranh khốc liệt giữa các tờ báo, giữa báo và mạng xã hội, báo và các kênh thông tin khác. Không chỉ mạng xã hội, ngày nay, bất kỳ ứng dụng công nghệ thông tin nào cũng đều phát triển giá trị cốt lõi cùng với giá trị gia tăng như một cổng thông tin để thu hút tối đa người dùng. Sự phát triển không giới hạn này tạo sức cạnh tranh lớn chưa từng có cho báo chí truyền thống.
ông Nguyễn Hữu Bắc - Thư ký tòa soạn báo Đất Việt
|
Cách tiếp cận thông tin của độc giả cũng thay đổi lớn trong những năm qua. Độc giả trở nên khó tính hơn, giảm lượng độc giả chủ động trực tiếp tìm tới báo (mua báo giấy hoặc truy cập ấn phẩm điện tử) và tăng lượng độc giả qua kênh trung gian.
"Độc giả yêu cầu các thông điệp ngày càng đơn giản hơn, dễ tiếp nhận, đồng nghĩa với việc thông tin cần giản lược, được "chế biến kỹ” với nghiệp vụ tốt hơn. Chính thực tế này đã gây khó khăn cho đặc trưng thông tin báo chí LHHVN truyền tải, đó là các thông tin khoa học, hàn lâm, một số chủ đề tương đối khô cứng, khó tiếp nhận", ông Nguyễn Hữu Bắc đặt vấn đề.
Đồng tình với ý kiến này, Phó Tổng biên tập Tạp chí điện tử Gia đình mới Trần Trọng An cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, tình hình báo chí nói chung và báo chí của LHHVN nói riêng phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. Hầu hết các tờ báo, tạp chí thuộc LHHVN phải tự chủ về ngân sách hoạt động. Nguồn thu phụ thuộc vào hoạt động quảng cáo, quyền thông và tổ chức sự kiện. Trong khi đó, báo giấy sụt giảm lượng phát hành do công chúng đã chuyển sang các thiết bị kỹ thuật số. Doanh thu quảng cáo cũng chuyển dịch từ báo in, truyền hình sang các loại hình báo trực tuyến.
Đồng thời, sự bùng nổ của các mạng xã hội và các ứng dụng như Facebook, Youtube, Zalo, Viber… khiến cho phương thức đưa tin thay đổi. Trong nhiều sự kiện như tai nạn, cháy nổ, các sự cố lớn khác, mạng xã hội đã hoàn toàn chiếm ưu thế trong thông tin, hình ảnh, clip lên ngay lập tức và được lan truyền chóng mặt bởi những người dùng khác.
Như vậy, khó khăn về nguồn thu dẫn tới hạn chế về nguồn lực làm báo khiến báo chí càng khó khăn hơn trong việc tiếp cận đưa tin. Điều này khiến cho các tòa soạn lúng túng trong việc tìm cho mình một hướng đi mới.
Giải bài toán này, Phó Tổng biên tập Gia đình mới cho biết, trên thế giới có sự dịch chuyển rất rõ nét từ mô hình “báo chí đưa tin khách quan” sang mô hình “báo chí trí tuệ”. Trong đó, báo chí “trí tuệ” thể hiện ở hai xu hướng: áp dụng trí tuệ nhân tạo vào viết, đưa tin và tổ chức sản xuất các tin bài chuyên sâu dưới góc nhìn chuyên gia.
“Trong giai đoạn hiện nay, báo chí LHHVN nói riêng rất khó tiếp cận các giải pháp về “trí tuệ nhân tạo” trong việc viết, đưa tin. Tuy nhiên, việc tổ chức sản xuất các tin bài chuyên sâu, chuyên biệt dưới góc nhìn chuyên gia lại là một lợi thế”, ông Trọng An chia sẻ.
Toàn cảnh tọa đàm
|
Được biết, theo thống kê, LHHVN hiện có hơn 400 ấn phẩm thông tin báo chí (gồm 124 báo, tạp chí; 65 bản tin và 211 trang tin điện tử tổng hợp) thuộc 101 cơ quan báo chí. Con số đó đã được khẳng định LHHVN là một trong những cơ quan quản lý hệ thống báo chí lớn nhất Việt Nam hiện nay.
Nhiệm vụ của báo chí LHHVN là không ngừng thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu khoa học, ứng dụng và chuyển giao công nghệ, truyền thông phổ biến kiến thức khoa học và công nghệ. Ngoài ra, báo chí LHHVN còn có các hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội, các hoạt động tôn vinh trí thức khoa học và công nghệ Việt Nam.
Lợi thế của hệ thống báo chí LHHVN là phủ rộng khắp các lĩnh vực đời sống, bởi thế nội dung phản ánh rất phong phú. Tuy nhiên, việc quản lý một số lượng lớn hàng trăm ấn phẩm không phải là việc dễ dàng.