Ngày 19/4, bà N.T.H (mẹ và người đại diện chính thức của sản phụ T.N.D) thông tin với VietTimes về nội dung buổi làm việc với Bệnh viện Thu Cúc chiều 17/4 về vụ thai nhi tử vong.
Phản hồi về kết luận của Hội đồng chuyên môn Bệnh viện Thu Cúc, đại diện của sản phụ D. cho rằng một số nội dung “không đúng và không hợp lý”.
Theo bà H. tại buổi làm việc, BS. Nguyễn Thị Hiền - Phó trưởng Khoa phụ sản Bệnh viện Thu Cúc - cho biết vào các lần khám ở ngày 15 - 16/3/2024 và ngày 27/3/2024, sản phụ D. không yêu cầu mổ đẻ, nếu cơ quan có thẩm quyền yêu cầu cung cấp bằng chứng thì bệnh viện sẽ cung cấp.
Tuy nhiên, mẹ sản phụ cho rằng kết luận thai phụ không yêu cầu mổ đẻ là không đúng. Hôm đó, D. đi khám một mình, chỉ có thai phụ và bác sĩ trao đổi. Chỉ khi bệnh viện mổ thì sản phụ mới ký vào giấy đề nghị mổ. "Hơn nữa, đáng lẽ khi có dấu hiệu ối cạn và tràng hoa quấn cổ, bác sĩ phải tư vấn ngay cho sản phụ mổ đẻ. Nhưng từ ngày 15/3 đến 16/3, thai phụ đã có dấu hiệu bất thường mà bệnh viện vẫn không mổ, trong khi gói thai 36 tuần ghi rõ bệnh viện quyết định thủ thuật đẻ thường hoặc mổ đẻ dựa trên thể trạng thực tế, nhu cầu của khách hàng", bà H. cho biết.
Cho rằng "bệnh viện chối bỏ trách nhiệm", mẹ sản phụ đặt câu hỏi: Nếu không mổ, tại sao không kích đẻ để an toàn cho cả mẹ và con mà lại để cái kết là cháu tôi mất? Bệnh viện Thu Cúc quảng cáo máy móc hiện đại, công nghệ cao, bác sĩ giỏi, mà chỉ thế đã không xử lý được là sao?
Bên cạnh đó, gia đình còn bức xúc việc kết luận của Hội đồng chuyên môn Bệnh viện Thu Cúc cho rằng sản phụ có tiền sử thai lưu 25 tuần. Bà H. khẳng định thai phụ D. chưa từng có thai lưu 25 tuần và không hiểu sao trong thông báo kết luận của bệnh viện lại có nội dung này.
Vẫn theo gia đình, trao đổi với mẹ thai phụ hôm đó, BS. Nguyễn Thị Hiền giải thích việc khai thác tiền sử chỉ qua trao đổi với chị D., không có bằng chứng thể hiện.
Một vấn đề nữa là Bệnh viện Thu Cúc cho biết: “Cần chuyển tuyến lên Bệnh viện Phụ sản Trung ương vì thai phụ chưa chuyển dạ và cần phải gây chuyển dạ theo dõi đẻ thường để tránh cuộc mổ đẻ vì thai đã ngừng phát triển. Thời gian gây chuyển dạ có thể 18 giờ hoặc lâu hơn, trong quá trình gây chuyển dạ thì nguy cơ rối loạn đông máu và băng huyết rất cao, có thể ảnh hưởng đến tính mạng. Bệnh viện Phụ sản Trung ương là bệnh viện tuyến cuối cao nhất về chuyên môn, do đó để đảm bảo an toàn cho thai phụ thì chuyển tuyến Bệnh viện Phụ sản Trung ương là tốt nhất, thai phụ và gia đình đã đồng ý.”
Tuy nhiên, bà N.T.H khẳng định con gái và con rể của bà không đồng ý với việc này. Gia đình sản phụ nói Bệnh viện Thu Cúc tự chuyển viện, rồi chủ động hoàn trả số tiền còn lại cho chồng thai phụ. Do đó, chồng của D. chưa ký nhận và đã trả lại vào hôm sau.
Ở góc độ chuyên môn, chuyên gia sản khoa Phạm Bá Nha - nguyên Trưởng Khoa sản Bệnh viện Bạch Mai - cho biết khi tim thai mất thì nên giữ thai phụ lại bệnh viện để gây chuyển dạ, không cần chuyển tuyến. Đồng quan điểm này, một bác sĩ sản khoa nhiều kinh nghiệm của Bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội) cũng cho rằng khi thai nhi tử vong, bác sĩ có thể tiêm kích đẻ, hoặc chờ cho đẻ thường, mà không cần phải chuyển viện.
Về tư vấn của Bệnh viện Thu Cúc cho thai phụ uống nước dừa để tăng nước ối khi ối chưa ổn định hôm 17/3, PGS.TS. Phạm Bá Nha có quan điểm: Không ai tư vấn uống nước dừa để tăng nước ối cả. Vì nước ối giảm là do các yếu tố trong cơ thể chứ không phải do thiếu nước mà cần bù qua đường uống.
Hôm nay, Sở Y tế Hà Nội cho biết sẽ thành lập Hội đồng chuyên môn để xem xét vụ thai nhi tử vong ở sản phụ đăng ký đẻ tại Bệnh viện Thu Cúc.
VietTimes sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.
Trước đó, theo phản ánh của gia đình, sản phụ T.N.D tham gia gói dịch vụ chăm sóc, khám chữa bệnh và sinh con của Bệnh viện Thu Cúc với giá trị hơn 14,5 triệu đồng, bắt đầu từ tuần thai thứ 36.
Ngày 16/3, khi kết quả thăm khám xác định giảm nước ối, tim thai dao động nhiều, dây rốn quấn cổ, sản phụ được nhập viện. Thấy nguy hiểm nên sản phụ đề nghị được mổ đẻ nhưng bác sĩ nói vẫn có thể đẻ bình thường.
Sáng 17/3, chỉ số nước ối đã tăng nên bác sĩ cho sản phụ ra viện. Đến ngày 20/3, sản phụ đến kiểm tra định kỳ thì bác sĩ thông báo thai bình thường, hẹn 3 ngày sau khám lại, còn nếu thấy bất thường thì khám lại ngay.
Bảy ngày sau (ngày 27/3), sản phụ đến khám định kỳ thì bác sĩ xác định đã mất tim thai và được chuyển sang Bệnh viện Phụ sản Trung ương. Kết quả siêu âm sau đó cho thấy tim thai đã ngừng đập, kết luận cháu bé tử vong vì 2 vòng dây rốn quấn cổ, 1 vòng dây rốn thắt nút tại bắp tay.
Ngày 9/4, Bộ Y tế đã có công văn yêu cầu Bệnh viện Thu Cúc kiểm tra, xác minh ngay sự việc nêu trên và báo cáo nhanh về Bộ Y tế sau khi báo chí đưa tin về việc "thai nhi tử vong tại Bệnh viện Thu Cúc". Chiều cùng ngày, Bệnh viện này phát thông báo: "Đến thời điểm này, chúng tôi khẳng định không có trường hợp thai nhi tử vong tại bệnh viện như một số cơ quan báo chí đưa tin".