Theo đó, dự án này sẽ được chia làm 2 giai đoạn và xây dựng trên diện tích 7 ha. Công trình chính của dự án gồm tòa nhà cho bệnh viện cao 25 tầng và tòa nhà 12 tầng cho Viện Nghiên cứu và Phát triển khoa học sự sống.
Tòa nhà Bệnh viện công nghệ cao dự kiến được đầu tư cơ sở vật chất hiện đại đạt tiêu chuẩn quốc tế gồm: các loại máy móc y tế hiện đại nhất hiện nay như ứng dụng tế bào gốc, tia gamma điều trị ung thư, phẫu thuật cấy ghép gan thận, phẫu thuật thẩm mỹ, chỉnh hình… Bệnh viện cũng sẽ trang bị máy bay trực thăng để đưa đón và vận chuyển bệnh nhân.
Đối với Viện nghiên cứu khoa học sự sống, sẽ bao gồm 2 hạng mục: Khu lưu trú cao cấp dành cho bệnh nhân và Trung tâm nghiên cứu y tế. Công trình này được xây dựng để trở thành một trong những Trung tâm nghiên cứu y tế, dược phẩm hàng đầu khu vực, đồng thời cũng là cầu nối hữu hiệu để nền y tế Việt Nam nói chung và TP HCM nói riêng tăng cường giao lưu, rút ngắn khoảng cách với các nền y tế hàng đầu trên thế giới.
Dự kiến giai đoạn I sẽ hoàn thành vào tháng 7/2018, nhà đầu tư sẽ rót một nửa số vốn để xây dựng Bệnh viện Công nghệ cao và Viện Nghiên cứu và Phát triển khoa học sự sống.
Khoản đầu tư còn lại dành để mua sắm thiết bị hiện đại cho việc điều trị y tế và sẽ hoàn thành vào tháng 7/2019.
Tuy nhiên, nhiều khả năng dự án sẽ không kịp giấy cấp phép cho nhà đầu tư trong năm nay vì nguồn vốn dành cho dự án này khá lớn, nhà đầu tư cần có thời gian thu xếp vốn, kêu gọi đầu tư. Thêm vào đó, tuy là dự án hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cao, nhưng đây là mô hình khá mới tại SHTP (dự án thành phần có sự hiện diện của bệnh viện). Theo quy định pháp luật về đầu tư hiện hành, dự án này thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ. Ngoài ra, trước khi cấp phép cho nhà đầu tư, SHTP sẽ còn phải thực hiện một số trình tự, thủ tục khác.
Dự án này có thể chưa được cấp phép trong năm nay, nhưng với động thái ký bản ghi nhớ cho thấy thiện chí của nhà đầu tư. Đồng thời, những diễn biến gần đây cho thấy, tăng thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào các lĩnh vực hạ tầng, công nghệ cao, y tế... là hướng mà TP.HCM đang tích cực làm, trong bối cảnh có dấu hiệu sụt giảm vốn FDI.