Thông tin trên được Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương đưa ra tại buổi Toạ đàm - trao đổi về truyền thông y tế do Bộ Y tế tổ chức, diễn ra chiều 14/6.
Việc Ban Chỉ đạo Quốc gia thống nhất chuyển bệnh Covid-19 từ nhóm A sang nhóm B là dấu mốc quan trọng ghi nhận sự thành công trong phòng, chống dịch Covid-19 tại Việt Nam.
Tuy nhiên, khi bệnh Covid-19 ở nhóm A thì ngân sách nhà nước sẽ trả chi phí khám, chữa bệnh, khi sang nhóm B thì Quỹ Bảo hiểm y tế sẽ chi trả theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế.
Do vậy, theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương, khi bệnh Covid-19 đã chuyển sang nhóm B, người bệnh sẽ không được miễn phí 100% như trước, mà phải chi trả như các bệnh khác. Người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế sẽ được thanh toán theo quy định. Chỉ có sự thay đổi trong việc thanh toán chi phí điều trị, chứ phác đồ điều trị bệnh Covid-19 không thay đổi.
Về thời gian công bố chính thức bệnh Covid-19 từ nhóm A sang nhóm B, Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương cho biết Bộ Y tế và Bộ Tư pháp đang tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ để có quyết định chính thức, dự kiến sẽ diễn ra trong tháng 6/2023.
Hiện Bộ Y tế đang chỉnh sửa các hướng dẫn về chuyên môn như chẩn đoán, điều trị, phòng chống lây nhiễm của Covid-19 để khi Thủ tướng ký công bố hết hiệu lực của Quyết định 447 ngày 1/4/2020 về việc công bố dịch Covid-19, thì Bộ Y tế sẽ ký ban hành Hướng dẫn về chuyển dịch Covid-19 từ nhóm A sang nhóm B.
“Việc chuyển nhóm Covid-19 sẽ kéo theo một chuỗi công việc cần giải quyết khi người bệnh sẽ không được điều trị miễn phí mà phải chi trả tiền khám chữa bệnh. Trách nhiệm của các địa phương lớn hơn, cần phải có kế hoạch phòng chống dịch bệnh vững, lồng ghép giám sát Covid-19 với các tác nhân gây bệnh đường hô hấp” - Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.
Cũng tại buổi tọa đàm, GS.TS. Phan Trọng Lân - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Bộ Y tế - cho biết, khi chuyển bệnh Covid-19 sang nhóm B, Bộ Y tế sẽ rà soát, sửa đổi, cập nhật Hướng dẫn giám sát và phòng, chống Covid-19 cho phù hợp tình hình. Hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm của Việt Nam luôn giám sát đồng bộ về tình hình dịch bệnh.
Hoạt động giám sát Covid-19 sẽ được lồng ghép vào hệ thống giám sát tác nhân gây bệnh đường hô hấp, bao gồm cả giám sát cúm trọng điểm, để khi bệnh có biến đổi bất thường, là có thể phát hiện nhanh chóng, nhất là khi có biến thể mới. Đặc biệt, công tác giải trình tự gene virus vẫn tiếp tục tiến hành, đồng thời, giám sát các ca viêm phổi nặng, bệnh nặng, ổ dịch bất thường; bảo đảm năng lực cấp cứu, hồi sức tích cực tại cơ sở y tế.
Khi chuyển từ nhóm A sang nhóm B theo Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm thì phân loại dựa trên bệnh học là chủ yếu. Tại Việt Nam, nhóm A chủ yếu là các biện pháp về hành chính xã hội, khi sang nhóm B thì bỏ các hoạt động kiểm soát về hành chính xã hội. Hay nói cách khác là nếu nhóm A thì cùng với ngành y tế còn có các bộ, ngành tham dự chống dịch. Còn khi sang nhóm B thì chủ yếu do ngành y tế triển khai.
Theo ông Hà Anh Đức - Chánh Văn phòng Bộ Y tế - việc kiểm soát được dịch Covid-19 đảm bảo đủ điều kiện chuyển từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang bệnh truyền nhiễm nhóm B. Từ đầu năm 2023 đến nay, số mắc Covid-19 giảm 8,5 lần so với 2021, giảm 48 lần so với 2022. Tỉ lệ người bệnh Covid-19 nhập viện thấp hơn; tỉ lệ nặng cũng giảm bằng hoặc thấp hơn một số bệnh truyền nhiễm nhóm B.
Số liều vắc xin Covid-19 đã tiêm trên 100 người dân tại Việt Nam cao hơn 1,6 lần so với trung bình của thế giới. Tỉ lệ tiêm liều cơ bản cao hơn 1,4 lần so với trung bình của thế giới và tỉ lệ tiêm mũi nhắc lại cao hơn 2 lần so với trung bình thế giới. Đến nay, tổng số liều vắc xin đã tiêm là hơn 266 triệu.
Căn cứ với tình hình diễn biến dịch COVID-19 tại Việt Nam, đối chiếu các quy định của Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm và theo khuyến cáo cập nhật của Tổ chức Y tế thế giới, Bộ Y tế đã đề xuất điều chỉnh bệnh COVID-19 từ nhóm A sang nhóm B.
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu