Bẫy người dùng bằng chiêu kiếm tiền online

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Các ứng dụng như Coolcat, Auto Ads, MoXiaomi... dụ người dùng đầu tư vài trăm nghìn đếm hàng trăm triệu đồng với hứa hẹn sẽ nhận lãi vài phần trăm mỗi ngày.

"Thay vì bấm điện thoại lướt Facebook, sao không dành 15 đến 30 phút mỗi ngày để kiếm 300 - 500 nghìn đồng. Vốn tự quản, tiền rút thẳng về thẻ, cực kỳ uy tín", Nguyễn Nga đăng trên một nhóm có tên "Kiếm tiền online" trên mạng xã hội. Kèm theo bài, Nga để đường link rủ mọi người truy cập vào nhóm Zalo để cô gửi link tải ứng dụng và hướng dẫn sử dụng.

Sau năm ngày, Nga "khoe" đã rủ được gần 50 người làm "đại lý cấp 1" và tổng gần 160 người "cấp dưới". Hơn 20 người trong đó đã nạp tiền. Tổng số tiền hơn 10 triệu đồng.

Một ứng dụng hứa hẹn nạp tiền và hưởng lãi cao, được nhiều người "đầu tư".
Một ứng dụng hứa hẹn nạp tiền và hưởng lãi cao, được nhiều người "đầu tư".

Mỗi ngày, hàng trăm bài viết tương tự xuất hiện trên các hội nhóm dưới dạng hướng dẫn kiếm tiền online trên Facebook và Zalo. Các ứng dụng này đa dạng tên gọi và hình thức đầu tư, chẳng hạn đầu tư mua robot chạy quảng cáo, đầu tư trạm sạc, tăng like video TikTok, giật đơn hàng, dự đoán giá Bitcoin...

Mỗi bài viết về ứng dụng kiếm tiền luôn thu hút vài trăm lượt bình luận hỏi thông tin. Các video hướng dẫn kiếm tiền từ ứng dụng còn được nhiều YouTuber chia sẻ, thu hút vài nghìn đến hàng chục nghìn lượt xem.

Cách thức hoạt động

Các ứng dụng này có cách thức hoạt động tương đối giống nhau. Chúng không có trên kho App Store của Apple hay CH Play của Google, mà người dùng cần tải về qua website hoặc quét QR code để tải file .apk lên máy Android. Nhiều đường link tải gần đây đã bị Facebook chặn chia sẻ, nên những người phát tán thông tin phải tìm đến các nền tảng khác để giao lưu. Để đăng ký tài khoản, người dùng cần cung cấp số điện thoại, đồng thời nhập mã giới thiệu của người đi trước. Còn để kiếm tiền, trước hết, người dùng cần nạp tiền vào tài khoản trong ứng dụng, bằng hình thức chuyển khoản đến một số tài khoản cá nhân.

Việc kiếm tiền trên các ứng dụng và website này được quảng cáo là "đơn giản, uy tín", dù không có cơ sở rõ ràng. Chẳng hạn, một ứng dụng với lời giới thiệu "đầu tư robot chạy quảng cáo" khẳng định "thành lập từ năm 2007" và mới vào Việt Nam. Bài giới thiệu nói rằng họ "hợp tác với YouTube , Facebook, Google ... để phát triển sản phẩm robot quảng cáo thông minh", sau đó kêu gọi mọi người nạp tiền để mua sản phẩm.

Mức lãi được quảng cáo của một ứng dụng đầu tư "robot quảng cáo".
Mức lãi được quảng cáo của một ứng dụng đầu tư "robot quảng cáo".

Các mẫu robot chạy quảng cáo chia làm nhiều cấp độ khác nhau, tùy thuộc vào số tiền mà người dùng "đầu tư" và thời gian muốn nhận lãi. Chẳng hạn, mua robot giá 360 nghìn đồng, người đầu tư sẽ thu về 1% mỗi ngày, lấy theo tháng là 54% một tháng. Nếu mua "robot" giá 108 triệu đồng, sau 30 ngày, người dùng sẽ nhận lãi 120%. Người dùng sẽ nhận hoa hồng nếu giới thiệu được thêm người mua robot.

Những ứng dụng này đánh lừa lòng tin của nhà đầu tư bằng cách sử dụng các mạng xã hội nổi tiếng thế giới. Quang Bảo, học sinh cấp 3 tại Vĩnh Long, đã đầu tư hơn 1 triệu đồng vào ứng dụng này và rủ bạn bè tham gia. Dù chưa rõ cơ chế hoạt động của "robot quảng cáo", Bảo vẫn tự khẳng định ứng dụng "rất có tương lai" do được chia sẻ nhiều trên Facebook. Nguyễn Nga cũng khẳng định ứng dụng cô đầu tư là tiềm năng và uy tín vì nó quảng cáo trên nền tảng nổi tiếng và trả lãi thấp hơn các ứng dụng khác nên không phải lừa đảo.

Dấu hiệu lừa đảo

Thành Trung, chuyên gia phân tích thị trường cho biết, các ứng dụng dạng này vốn tồn tại từ lâu, có mô hình hoạt động tương tự nhau, chỉ khác về mặt hình thức, khiến nhiều người bị lừa.

"Về mặt hình thức, chúng đưa ra các 'nhiệm vụ' để người dùng cảm thấy họ tạo ra giá trị. Chẳng hạn, chúng yêu cầu dự đoán giá Bitcoin, giúp người khác mua hàng online, giúp người khác tăng view video, giúp chạy quảng cáo... Sau đó, người dùng được nhận thưởng và coi đó là tiền lãi", anh Trung nói.

Chuyên gia này cho rằng các nhiệm vụ thường rất dễ thực hiện, tuy nhiên, người dùng bị giới hạn về số lượng nhiệm vụ và số tiền nhận được. Để tăng thu nhập, chúng sẽ dụ người dùng mua các "gói" cao hơn, với số tiền lớn hơn, để hưởng lãi cao. Chẳng hạn trong ứng dụng mua robot quảng cáo, người đầu tư gói giá cao gấp rưỡi, sẽ được nhận lãi cao gấp đôi.

Ngoài ra, mô hình đa cấp cũng được áp dụng để thu hút người dùng. Trong trường hợp của Nguyễn Nga, cô thường xuyên tư vấn cho các "cấp dưới" của mình đầu tư thêm tiền, đồng thời liên tục spam vào các hội nhóm để có thêm "cấp dưới" mới. "Cấp dưới" nạp 180 nghìn đồng, Nga sẽ nhận 30 nghìn đồng. Theo các chuyên gia, những ứng dụng này thực chất không tạo ra giá trị mà chỉ chuyển tiền của người sau cho người trước.

Mô hình đa cấp trong một app kiến tiền được nhiều người Việt tham gia.
Mô hình đa cấp trong một app kiến tiền được nhiều người Việt tham gia.

Thế Hiển, một người từng tham gia nhiều ứng dụng kiếm tiền online và thua hơn 10 triệu đồng, cho biết các ứng dụng dạng này thường có thời gian tồn tại ngắn - vài tháng hoặc vài tuần. "Tuy nhiên, chúng thường đưa ra các lời giới thiệu hấp dẫn, thay đổi hình thức kiếm tiền. Đồng thời lừa người dùng bằng những nhân vật khoe kiếm được tiền từ ứng dụng", Hiển kể. Khi tham gia các hội nhóm kiếm tiền, thành viên cũng thường xuyên nhận được ưu đãi từ chủ ứng dụng. "Thỉnh thoảng họ lại có chương trình tặng tiền, hoặc tăng mức hoa hồng, khiến nhiều người không nỡ bỏ hoặc rút lãi sớm", Hiển nói.

Theo các chuyên gia, chiêu trò của ứng dụng lừa đảo có thể nhận biết qua các dấu hiệu, như ứng dụng không có trên kho App Store hoặc CH Play, tiền nạp thường chuyển vào tài khoản cá nhân, phát triển theo mô hình đa cấp và hứa hẹn mức lãi cao.

Theo VnExpress