Cần khuyến khích người dân ứng cử
Theo dư luận chung, có vẻ như trong cuộc bầu cử lần này, số người tự ứng cử sẽ nhiều hơn so với tất cả những lần trước. Ông nhìn nhận vấn đề này như thế nào?
-Trước hết cần phải khẳng định rằng, mọi công dân Việt Nam đủ 18 tuổi đều có quyền bầu cử và trên 21 tuổi đều có quyền ứng cử đại biểu Quốc hội (QH). Đó là quyền hiến định và là vấn đề không mới. Các khóa QH trước đều đã có những người tự ứng cử và có người đã trúng cử đại biểu QH. Ví dụ, ông Nguyễn Minh Hồng, ông Phan Văn Quý…
Tôi cho rằng việc có những người tự ứng cử vào QH là rất quan trọng. Thứ nhất, nó bảo đảm dân chủ và cho thấy các quyền hiến định được thực thi trên thực tế. Hai là, QH là cơ quan đại diện nên phải phản ánh được tiếng nói đa dạng của xã hội. Mà xã hội thì hết sức đa dạng: đa dạng lợi ích, đa dạng chính kiến, đa dạng niềm tin tôn giáo, đang dạ hệ thống giá trị... Điều này đòi hỏi thành phần đại biểu QH cũng phải đa dạng.
Ba là, hoạt động chính trị cũng giống như các lĩnh vực hoạt động khác, muốn làm tốt, ngoài tài năng, phẩm chất đạo đức chưa đủ, mà còn phải có đam mê, nhiệt huyết. Những người ứng cử tự do là những người có đam mê, nhiệt huyết, thực sự muốn làm đại biểu QH. Vì vậy, nếu họ được người dân tín nhiệm bầu làm đại biểu QH thì họ sẽ hoạt động tốt.
Vấn đề còn lại là làm sao để thông tin liên quan đến việc tự ứng cử đến được với nhiều người dân và có cơ chế để tạo thuận lợi cho người dân tự ứng cử.
Để nhiều người dân biết thì báo chí cũng đóng vai trò quan trọng trong việc tuyên truyền về quyền tự do ứng cử. Còn để tạo thuận lợi cho các ứng cử viên tự do thì cũng nên đưa lên mạng internet các thông tin cần thiết như thời hạn đăng ký, các địa điểm nhận đăng ký; các mẫu văn bản đã được số hóa… Nếu cần, người dân chỉ việc tải các mẫu văn bản xuống và điền thông tin vào, gửi cơ quan chức năng để ra tự ứng cử. Điều cũng hết sức quan trọng là trong quá trình hiệp thương phải hết sức công tâm, xem xét kỹ càng các ứng cử viên để những người xứng đáng không bị loại ra.
Để tạo thuận lợi tối đa cho các ứng cử viên tự do và cũng là để “nhẹ gánh” cho quá trình hiệp thương nhiều người đề nghị phương thức thu thập chữ ký (đủ một số chữ ký nhất định thì ứng cử viên được đưa vào danh sách bầu cử). Theo ông đề nghị này có hợp lý không?
- Ở nhiều nước người ta làm như vậy; thậm chí có nước còn quy định là chỉ cần đóng tiền đặt cọc (nếu người tự ứng cử trúng cử hoặc thu được một số lượng phiếu nhất định, thì tiền sẽ được trả lại; nếu không thì tiền bị sung vào công quỹ). Tuy nhiên, ở hoàn cảnh nước ta hiện nay, theo tôi, đây là điều cần được cân nhắc thêm. Hơn nữa, các ứng cử viên được đề cử phải thông qua một quá trình hiệp thương hết sức phức tạp, còn người tự ứng cử thì chỉ cần thu thập chữ ký, thì không biết có thật công bằng không.
Thông thường, ở một số nước khác, các đảng giới thiệu ứng cử viên. Còn những người không đảng phái hoặc không được giới thiệu thì mới thu thập chữ ký để ra tranh cử. Còn ở nước ta hiện nay một đảng cầm quyền nên chúng ta cần phải có quá trình hiệp thương cho phù hợp với hoàn ảnh thực tế.
Có ý kiến đề nghị rằng, thay vì để các đơn vị bầu cử lớn như vẫn làm thì nên chia nhỏ các đơn vị bầu cử ra; mỗi đơn vị bầu cử chỉ bầu một đại biểu. Như vậy đại biểu được bầu có trách nhiệm hơn với cử tri, và cử tri dễ bề giám sát người mình bầu ra. Xin ông cho biết quan điểm của ông trước đề nghị này?
- Đúng là mỗi đơn vị bầu một đại biểu, thì trách nhiệm trước cử tri sẽ được tăng cường. Tuy nhiên, điều này cũng sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng đại diện cho lợi ích quốc gia (đại diện cho toàn dân) của các vị đại biểu.
Nếu chia nhỏ các đơn vị bầu cử và mỗi đơn vị chỉ bầu một đại biểu thì việc xác định trách nhiệm của đại biểu với cử tri bầu ra mình là rất rõ ràng và có sự gắn bó mật thiết về lợi ích cũng được xác lập. Điều này sẽ khuyến khích đại biểu đấu tranh cho quyền lợi của cử tri bầu ra mình. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là đại biểu QH phải đấu tranh cho lợi ích quốc gia chứ không phải cho lợi ích của một nhóm dân cư bầu ra mình. Nếu lợi ích của một nhóm dân cư, một đơn vị bầu cử trùng với lợi ích quốc gia thì không sao, nhưng hai lợi ích ấy xung đột nhau thì sao? Khi ấy sẽ rất khó bảo vệ lợi ích quốc gia.
Ông có thể đưa ra một ví dụ cụ thể được không?
- Nếu chúng ta chia ra như vậy thì đại biểu đại diện cho nông dân là đông nhất chứ gì. Ví dụ, muốn đô thị hóa, công nghiệp hóa nông nghiệp thì phải thu gom đất đai lại. Động lực để chuyển đổi công nghiệp hóa nông nghiệp thời gian qua là giá đất rẻ. Nếu vì quyền lợi của nông dân mà đại biểu đấu tranh để giá đất cao lên thì rất khó khăn cho quá trình công nghiệp hóa. Lợi ích chung của quốc gia khó thực hiện được.
Trên thế giới, ở đâu cũng vậy thôi, như nước Anh chẳng hạn, không có thời kỳ “đẩy” nông dân ra khỏi đất thì làm sao mà công nghiệp hóa được.
Đó là mới nói tới chuyện xung đột lợi ích quốc gia và lợi ích của nhóm dân cư. Còn nhiều phức tạp khác nữa nếu chúng ta chia nhỏ các điểm bầu cử ra. Ví dụ, theo cách thức bầu cử hiện nay, ứng cử viên của Trung ương đều được đưa về các địa phương để ứng cử. Cho dù ứng cử viên đó trúng cử thì lại “trở thành” đại biểu của địa phương, thì đó vẫn là ứng cử viên của Trung ương.
Mà như vậy thì sẽ rất rủi ro cho các vị ứng cử viên của Trung ương. Tỷ lệ thất cử của các vị này sẽ rất cao. Khi còn làm Giám đốc Trung tâm Thông tin, thư viện và nghiên cứu khoa học của Văn phòng QH chúng tôi có làm một cuộc điều tra để xem hành vi lựa chọn của cử tri. Kết quả cho thấy có tới 70% lựa chọn ứng cử viên của địa phương.
Kiều bào có thể ứng cử và bầu cử không?
Gần đây có nhiều kiều bào đặt vấn đề là cần tạo điều kiện để người Việt Nam ở nước ngoài được tham gia ứng cử và bầu cử. Vậy nên xử lý vấn đề này như thế nào, thưa ông?
- Những người Việt Nam ở nước ngoài có quốc tịch Việt Nam đều có quyền ứng cử và bầu cử theo luật định. Tuy nhiên, cho dù ở đây về mặt pháp lý không có vấn đề gì, thì về mặt kỹ thuật vẫn có rất nhiều khó khăn. Việc bầu cử đại biểu QH phải theo đơn vị bầu cử.
Nếu kiều bào muốn tham gia ứng cử và bầu cử thì chúng ta có thành lập đơn vị bầu cử ở nước ngoài được không hay kiều bào phải đăng ký về ứng cử, bầu cử ở các đơn vị trong nước? Thông thường, mỗi đơn vị bầu cử sẽ có khoảng từ 350.000 cử tri trở lên. Xác lập các đơn vị bầu cử như thế này ở nước ngoài quả thực không dễ. Cái khó thứ hai là, trong một cộng đồng có 350.000 cử tri trở lên ấy có thể đoàn kết được với nhau để cuộc bầu cử diễn ra tốt đẹp không. Một sự hòa giải thật sự sẽ là không thể thiếu ở đây.
Việc ứng cử cũng vậy. Không có đơn vị bầu cử thì không có nơi để tham gia tranh cử. Còn việc ứng cử viên người Việt ở nước ngoài về nước để ứng cử vào một đơn vị bầu cử nào đó thì cũng rất khó khăn. Vì trước khi đăng ký để ứng cử phải qua hiệp thương. Mà hiệp thương thì người ta phải biết ứng cử viên ấy làm việc ra sao, sống ở địa phương thế nào, có được người dân nơi cư trú tín nhiệm không. Rất phức tạp, rất khó.
Còn nữa, cử tri đơn vị bầu cử cũng rất khó để bầu cho họ vì cử tri không hiểu ứng cử viên là người thế nào. Giả dụ ứng cử viên đó có trúng cử đi chăng nữa thì họ sẽ thực hiện chức năng đại diện ra sao; cử tri giám sát họ thế nào...
Như vậy là không có cách nào khác để kiều bào ta tham gia ứng cử và bầu cử để góp phần xây dựng đất nước, thưa ông?
- Tất nhiên, cũng có những cách thức khác để trong QH có đại biểu là người Việt Nam ở nước ngoài. Nhưng chúng ta phải nghiên cứu kỹ để sửa luật. Ví dụ, QH đầu tiên của chúng ta có tới 70 đại biểu là do chỉ định. Chúng ta vẫn có thể nghiên cứu và sửa đổi Luật bầu cử để bà con Việt kiều có thể cử được đại diện của mình làm đại biểu. Ví dụ, đại diện cho cộng đồng người Việt Nam ở Mỹ có 2 đại biểu, do công đồng người Việt giới thiệu chẳng hạn. Ở Singapore, trong luật cũng có quy định đảng đối lập tuy thất cử cũng vẫn có được một số ghế nhất định trong QH. Đây sẽ là các vị đại biểu giữ ghế theo luật, chứ không phải theo bầu cử.
Xin cám ơn ông!
LTB