Lên án hành vi tấn công trá hình đối với ngư dân
Thưa ông, thời gian gần đây dư luận liên tiếp nổi lên thông tin ngư dân Việt Nam bị lực lượng chấp pháp Trung Quốc đối xử vô nhân đạo. Ông nhận định về tình hình này như thế nào?
Không chỉ Trung Quốc, mà thời gian gần đây, lực lượng chấp pháp của các nước trong khu vực đều gia tăng sự hiện diện tuần tra, kiểm soát nhằm khẳng định chủ quyền và bảo vệ nguồn lợi hải sản của mình. Về phía Việt Nam, lực lượng kiểm ngư cũng đã phối hợp với Hải quân, Cảnh sát biển, Bộ đội Biên phòng… tăng cường sự hiện diện nhằm bảo vệ bà con ngư dân an tâm bám biển.
Thống kê của Cục Kiểm ngư, trong 6 tháng đầu năm 2016, số vụ, tàu cá và ngư dân Việt Nam bị tàu nước ngoài kiểm soát, bắt giữ như sau: Tại vùng biển của Việt Nam là 24 vụ với 32 tàu cá và 255 ngư dân; Tại vùng biển chồng lấn, tranh chấp giữa các nước xảy ra 47 vụ với 84 tàu cá và 501 ngư dân; Tại vùng biển nước ngoài xảy ra 49 vụ với 84 tàu cá và 608 ngư dân.
Đặc biệt, tính từ đầu tháng 7 tới nay, tình hình phức tạp hơn với 6 vụ, 9 tàu cá và 76 ngư dân bị lực lượng chấp pháp các nước bắt giữ, uy hiếp.
Sau khi vụ việc xảy ra, Kiểm ngư và lực lượng liên quan đã tìm mọi biện pháp hỗ trợ bảo hộ đưa ngư dân về nước, xác minh chính xác từng vụ việc nhằm có chính sách hỗ trợ thiệt hại đối với bà con ngư dân. Về mặt ngoại giao cũng đã yêu cầu các nước đền bù thiệt hại tài sản đối với ngư dân.
Gần đây nhất, ngày 9/7 lực lượng hải cảnh Trung Quốc đã ép ngư dân Việt Nam tông vào tàu cá Việt Nam. Ông bình luận như thế nào về hành vi này?
Việc tàu công vụ Trung Quốc tấn công ngư dân Việt Nam ngay trên vùng biển của Việt Nam là hành động thiếu nhân đạo, sai trái với luật pháp quốc tế, sai trái với quan điểm nhận thức lãnh đạo cấp cao của hai nước về đối xử nhân đạo với ngư dân trên biển.
Tuy nhiên, trong vụ việc ngày 9/7, theo tường trình, lực lượng hải cảnh Trung Quốc đã dùng hai tàu sắt to lớn mang số hiệu 46102 và 56103 truy đuổi, tông vào tàu QNg 90479 của ngư dân Võ Văn Lựu. Dù biết tàu cá đã rạn nứt sau cú tông nhưng người Trung Quốc vẫn lên tàu cướp lái, khống chế ông Lựu, ép ông phải lái tàu tiếp tục truy đuổi tàu cá ngư dân Việt khác. Nếu đúng là như vậy thì đây còn là hành vi tấn công trá hình vô nhân đạo đáng lên án.
Đối xử thô bạo với ngư dân dễ dẫn tới xung đột trên biển
Không chỉ Trung Quốc, mà lực lượng chấp pháp của Philippines, Thái Lan… gần đây cũng có nhiều hành động cứng rắn, thô bạo với ngư dân Việt Nam. Nguyên nhân vì sao, thưa ông?
Có rất nhiều nguyên nhân bao gồm cả chủ quan lẫn khách quan. Ngay từ cuối năm 2015, các nước trong khu vực đều tăng cường nhiều biện pháp kiểm soát việc khai thác nguồn lợi hải sản ngư trường của mình trên biển Đông. Indonesia, Malaysia, Philippines và Thái Lan mới đây cũng ra hẳn một đạo luật nghiêm khắc xử lý đối với tàu cá vi phạm vùng biển đánh bắt trái phép, trong đó có ngư dân Việt Nam.
Việt Nam lại nằm trong vùng tiếp giáp với vùng biển nhiều nước và có nhiều vùng biển chồng lấn, nguồn lợi hải sản trong nước bị cạn kiệt dần, ngư trường truyền thống không còn hấp dẫn. Vì thế, ngư dân phải tìm thêm ngư trường mới để khai thác. Trong quá trình khai thác, sự hiểu biết về luật biển, luật pháp các nước liên quan của ngư dân cũng chưa thật chắc. Bên cạnh đó, vẫn có một bộ phận ngư dân dù biết nhưng vì lợi ích từ ngư trường bên ngoài vẫn đánh bắt trái phép.
Hiện Việt Nam chưa cấp phép cho bất kỳ tàu cá nào đánh bắt ở vùng biển nước ngoài, song đã xuất hiện đối tượng đầu nậu đưa tàu ngư dân của ta ra vùng biển nước ngoài đánh bắt trái phép. Hiện tượng này chưa nhiều song cũng đã xảy ra trong thời gian gần đây càng gây khó khăn cho các đơn vị xử lý.
Dù sao ngư dân cũng chỉ là người lao động trên biển, việc lực lượng chấp pháp các nước đối xử thô bạo với họ có thỏa đáng?
Xét cho cùng, việc khai thác của ngư dân chỉ nhằm mưu sinh chứ không vì mục đích nào khác. Những hành động của lực lượng chấp pháp như phun vòi rồng, đâm chìm, phát nổ tàu cá…không chỉ gây thiệt hại về tài sản cho ngư dân còn ảnh hưởng tới mối quan hệ giữa các nước khu vực. Nên phản đối dùng vũ lực với ngư dân bởi cách hành xử quá nghiêm khắc, thiếu tính nhân đạo chỉ làm phức tạp thêm tình hình biển Đông vốn đã phức tạp từ trước. Thiết nghĩ, lực lượng chấp pháp các nước cần phối hợp các biện pháp tuyên truyền vận động với tàu cá vi phạm, hết sức tránh những hành vi va chạm gây xung đột trên biển.
Sau phán quyết Tòa án Quốc tế, tình hình biển Đông ra sao?
Được biết, chủ trương xây dựng đường dây nóng kết hợp với các nước trong khu vực xử lý vụ việc phát sinh đột xuất của hoạt động nghề cá trên biển đã được thực hiện từ năm 2015. Vậy tới nay đường dây này hoạt động ra sao, có hiệu quả không, thưa ông?
Dùng đường dây nóng giúp đàm phán, giải quyết sự việc giữa các nước được nhanh chóng và thuận tiện hơn. Cụ thể, từ khi đường dây nóng giữa Việt Nam và Trung Quốc hoạt động (tháng 2/2015), Cục Kiểm ngư đã tiếp nhận và xử lý thông tin 32 vụ tàu cá Việt Nam bị tai nạn và sự cố nghề cá trên biển, 3 vụ tàu cá Việt Nam bị kiểm soát, bắt giữ. Đường dây nóng đã hỗ trợ kịp thời ngư dân Việt Nam, giảm thiệt hại về người và tài sản cũng như thời gian xử lý các vụ việc nhanh chóng, kịp thời hơn. Tuy nhiên, hiện tại đường dây nóng với Trung Quốc đang hết hiệu lực.
Tới thời điểm này, Việt Nam cũng đã ký kết thực hiện đường dây nóng với Philippines, đang tiến hành thỏa thuận với Trung Quốc, Thái Lan và Indonesia.
Với phán quyết của Tòa án quốc tế bác bỏ hiệu lực "đường 9 đoạn" của Trung Quốc, theo ông tình hình sắp tới có thuận lợi hơn cho ngư dân khi đánh bắt?
Sau khi Tòa án quốc tế bác bỏ hiệu lực "đường 9 đoạn" của Trung Quốc, tình hình biển Đông nói chung và vùng biển Việt Nam nói riêng đang hết sức nhạy cảm, căng thẳng. Chính vì thế đề nghị bà con ngư dân đề cao ý thức, nghiêm túc chấp hành quy định luật pháp về biển và của các nước.
Hiện nay, đã có khoảng 3.000 tàu, thuyền đánh bắt xa bờ đã được trang bị thiết bị định vị vệ tinh. Khi đi khai thác, bà con nên bật thiết bị để cơ quan chức năng, Cục Kiểm ngư giám sát hành trình của tàu, sẵn sàng trợ giúp cứu hộ khi có vấn đề thiên tai, nguy hiểm.
Khi đánh bắt thủy sản, ngư dân phải bảo đảm tàu được trang bị đầy đủ thiết bị thông tin hàng hải, phương tiện cứu sinh, phòng hộ có giấy tờ đăng kiểm, giấy phép đánh bắt... Tàu xuất bến cảng nào thì phải về cảng đó, tạo điều kiện thuận tiện cho cơ quan chức năng trong khâu quản lý, giám sát.
Cảm ơn ông!
Ông Nguyễn Tử Cương, Trưởng Ban Phát triển nghề cá bền vững (Hội Nghề cá Việt Nam)
Phản đối hành vi uy hiếp ngư dân trên biển
Hội Nghề cá Việt Nam phản đối, lên án những hành vi phi nhân đạo, uy hiếp ngư dân trên biển.
Hội Nghề cá khuyên ngư dân khai thác trên vùng biển của mình hãy vững lòng vì đằng sau luôn có những lực lượng bảo vệ như: Kiểm ngư, Cảnh sát biển... Những hoạt động của nước ngoài xâm hại chủ quyền, ức hiếp ngư dân sẽ bị ngăn chặn. Bên cạnh đó, khi đi đánh bắt xa bờ, ngư dân không nên đi đơn lẻ, cần đi theo nghiệp đoàn để thường xuyên có thể liên lạc, ứng cứu, bảo vệ nhau khi gặp sự cố thiên tai, địch họa. Mặt khác, tàu thuyền của ngư dân hiện đã được trang bị bản đồ, máy định vị, không nên khai thác vùng biển nước ngoài, khi khai thác vùng biển giáp ranh, chồng lấn cần cảnh giác, phải quan sát chú ý tránh vô tình đi vào vùng biển nước ngoài.
Những hành động nhỏ rất có thể được lấy làm cớ thổi bùng lên xung đột. Nếu chúng ta khai thác vùng biển nước ngoài, việc bị xua đuổi là không tránh khỏi, tốt nhất ngư dân không nên vi phạm, nghiêm túc thực hiện quy định khai thác.
Việc Tòa án ra phán quyết bác bỏ yêu sách "đường 9 đoạn" của Trung Quốc, chỉ là thêm bằng chứng mang tính chất pháp lý quốc tế để Việt Nam chứng minh chủ quyền của mình. Tác động của phán quyết đến đâu thì còn phải chờ xem thái độ các bên liên quan thực hiện ra sao.
Hoàng Ngân (Ghi)
Theo Giao Thông