Trung Quốc vốn có nhiều công trình “nhái” các kiến trúc nổi tiếng trên thế giới như tháp Eiffel, Khải hoàn môn (Pháp), tượng nhân sư (Ai Cập), điện Capitol, công viên Disneyland (Mỹ)... Cho nên, sự giống nhau giữa Bảo tàng Hà Nội và Nhà trưng bày mỹ thuật Trung Hoa khiến nhiều cư dân mạng ở ta “chột dạ” rằng liệu hai công trình này có phải “sao chép” nhau hay không?
Nhà trưng bày mỹ thuật Trung Hoa ở Thượng Hải - Ảnh: Internet |
Đầu tiên, về thời gian ra đời thì theo trang Wikipedia, Nhà trưng bày mỹ thuật Trung Hoa được khởi công vào tháng 12-2007, hoàn thành tháng 2-2010, nằm trong các công trình phục vụ sự kiện Shanghai Expo 2010. Tòa nhà này đặt tại khu Phố Đông ở Thượng Hải, vì có hình dáng kim tự tháp ngược nên được mệnh danh là vương miện của Phố Đông.
Còn ở ta, Bảo tàng Hà Nội là công trình nhằm chào mừng kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long, được khởi công vào tháng 8-2008, hoàn thành tháng 10-2010. Như vậy, về mặt thời gian thì cả hai công trình đều được hoàn thành cùng chung một năm, nhưng tính ra Bảo tàng Hà Nội vẫn ra đời sau.
Để hiểu rõ hơn về sự việc, chúng tôi đã trao đổi với kiến trúc sư (KTS) Nguyễn Trường Lưu - chủ tịch Hội KTS TP.HCM. KTS Lưu trấn an rằng đó là chuyện bình thường của kiến trúc thế giới, không nói là sự sao chép ý tưởng được.
Ông lý giải: “Hình tượng kim tự tháp lật ngược được sử dụng trong hình khối kiến trúc đã có rất lâu, là một trong những hình khối cơ bản trong hình học và kiến trúc nên không thể xem là bị sử dụng trùng lắp. Hình khối này bắt đầu được đưa vào các công trình hiện đại từ thập niên 1950 - 1960 khi trình độ các kỹ sư, lĩnh vực kết cấu bắt đầu phát triển, hiện đại hóa.
Nhà trưng bày ở Montreal Expo tại Canada (1967), bến cảng St.Petersburg Piers, Florida (1973) là những công trình đầu tiên sử dụng kiểu kiến trúc này”.
Bảo tàng Hà Nội - Ảnh: Nguyễn Khánh |
KTS Lưu tiếp tục giải thích rằng ứng dụng mô hình kim tự tháp ngược trong kiến trúc là để giải quyết các vấn đề về ánh sáng, điều hòa năng lượng/nhiệt độ, kết cấu... Ông đưa ra những ví dụ cụ thể như tòa nhà Dallas City Hall (Mỹ) sử dụng độ nghiêng của kính để hạn chế ánh sáng mặt trời trực tiếp.
Còn Bảo tàng Hà Nội cũng tương tự Thư viện Canada Water, hạn chế ánh sáng trực tiếp của mặt trời bằng phần nghiêng ra của mái che.
Ngoài ra, Bảo tàng Louvre (Pháp) cũng sử dụng hình khối kim tự tháp ngược ở tầng hầm, kết hợp hình tượng kim tự tháp ở mặt nổi để tạo giếng trời, lấy ánh sáng bên ngoài vào qua sự phản chiếu...
Để kết luận, KTS Nguyễn Trường Lưu cho biết nếu so sánh thì hướng giải quyết các công trình theo mẫu kim tự tháp ngược này đều đi theo cách thiết kế của KTS huyền thoại người Mỹ Frank Lloyd Wright (1867 - 1959) với mẫu Bảo tàng Guggenheim (New York, Mỹ) nổi tiếng năm 1959.
TS.KTS Trần Đình Hiếu(trưởng khoa kiến trúc Trường ĐH Khoa học Huế):
Đây không phải là sự sao chép
Nhìn hình thức bên ngoài thì đúng là hai kiến trúc có sự giống nhau. Tuy nhiên, xét phân vị ngang về mặt hình khối thì Bảo tàng Hà Nội tạo thành phân vị ngang theo tầng và có hình khối. Điều này ở công trình của Trung Quốc chủ yếu mang tính chất trang trí chứ không có tính chất hình khối.
Nhìn kỹ, công trình ở Trung Quốc thì có khối đế. Còn Bảo tàng Hà Nội không có khối đế. Độ vươn của hai công trình cũng khác nhau. Công trình ở Hà Nội có độ vươn lớn hơn nhiều công trình ở Trung Quốc. Do đó, hai công trình có hệ kết cấu khác nhau.
Về mặt quy mô thì Bảo tàng Hà Nội lớn hơn. Và xét về hình khối theo kiểu kim tự tháp lộn ngược thì hai công trình không hoàn toàn giống nhau. Bảo tàng Hà Nội thì chưa hẳn là kim tự tháp lộn ngược vì tỉ lệ chiều ngang lớn hơn nhiều so với chiều cao.
Trong khi công trình ở Trung Quốc chiều cao lại lớn và chiều ngang có phần ngắn, do đó tương đồng với kim tự tháp lộn ngược hơn công trình ở Hà Nội... Vì vậy tôi cho rằng đây không phải là sự sao chép trong kiến trúc.
Theo Tuổi trẻ