Bão số 3: Hai Phó Thủ tướng trực tiếp về địa phương chống bão

VietTimes -- Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đi kiểm tra và chỉ đạo công tác phòng chống bão số 3 tại Hải Phòng và Quảng Ninh. Còn Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đi kiểm tra và chỉ đạo công tác phòng chống bão số 3 tại Nam Định và Thái Bình.
Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo chống bão tại Nam Định. Ảnh: Xuân Tuyến (VnExpress).
Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo chống bão tại Nam Định. Ảnh: Xuân Tuyến (VnExpress).

Chiều 18/8, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã đi kiểm tra và chỉ đạo công tác phòng chống bão số 3 tại Hải Phòng và Quảng Ninh.

Tại Hải Phòng, thị sát tuyến đê biển số 1 Đồ Sơn, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ nhấn mạnh không được chủ quan bởi đây là cơn bão rất mạnh và càng vào gần đất liền cường độ càng mạnh. Hải Phòng cần quán triệt các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai. Vì đây là cơn bão kéo theo lượng mưa lớn tới 200-300mm, thậm chí có nơi tới 400mm, Hải Phòng cần đặc biệt quan tâm tới công tác thoát nước đô thị.

Nhiệm vụ số 1 là bảo đảm an toàn tuyệt đối tính mạng con người, đồng thời giảm thiểu thiệt hại đến mức thấp nhất về tài sản; có phương án bảo đảm lưu trú cho khách du lịch bị kẹt bởi bão; nhanh chóng khôi phục, ổn định cuộc sống, sinh hoạt của người dân sau bão.

Lãnh đạo Chính phủ nhấn mạnh phải thực hiện nghiêm việc cấm biển từ 17h chiều nay; vận động bà con ngư dân, nuôi trồng thủy sản vào nơi an toàn tránh bão. Các cấp ủy, chính quyền của Thành phố Hải Phòng hủy, hoãn tất cả các cuộc họp khác để tập trung thực hiện nhiệm vụ chống bão.

Được biết Hải Phòng đang điều 5 đoàn công tác đi chỉ đạo công tác phòng, chống bão số 3 trên địa bàn Thành phố; chỉ đạo các lực lượng quân đội, công an ứng trực tìm kiếm cứu nạn tại vịnh Lan Hạ (Cát Bà); thông báo đình chỉ các hoạt động giao thông vận tải đường thủy, vui chơi giải trí trên khu vực biển đảo và ven sông từ 17h chiều nay.

Trước 9h sáng mai 19/8, dự kiến Hải Phòng sẽ hoàn thành công tác sơ tán nhân dân trên các phương tiện, lồng bè, chòi canh, khu nuôi trồng thủy sản, vùng trũng thấp, nhà nguy hiểm, vùng đồi núi có nguy cơ bị sạt lở đến nơi an toàn.

Cũng trong chiều 18/8, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã đi kiểm tra và chỉ đạo công tác phòng chống bão số 3 tại Nam Định và Thái Bình.

Tại Nam Định, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã họp với Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão tỉnh để nghe báo cáo về công tác chuẩn bị ứng phó với bão số 3; đi kiểm tra tình hình neo đậu tàu, thuyền tại cảng cá Ninh Cơ, đi kiểm tra tuyến đê biển Hải Hậu.

Phó Thủ tướng cũng đi kiểm tra công tác neo đậu tàu thuyền, sơ tán người dân khỏi những khu vực nguy hiểm tại cảng Cửa Lân, xã Nam Thịnh, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình.

Đánh giá cao sự chuẩn bị quyết liệt, tích cực của các địa phương, Phó Thủ tướng nhận định: “Cơn bão số 3 có diễn biến phức tạp, trên diện rộng, tiếp theo bão số 1, 2 vừa đổ bộ vào Nam Định, Thái Bình gây thiệt hại nặng về tài sản của Nhà nước, người dân. Cần phải rút ra bài học kinh nghiệm để ứng phó. Nếu chủ động ứng phó sẽ khắc phục được nhiều hậu quả đáng tiếc”.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, nhiệm vụ số một là bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân. Tất cả tàu, bè ngoài biển phải đưa vào bờ. Tập trung cùng các địa phương sơ tán người dân khỏi các công trình cũ, có khả năng sập đổ cao.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đặc biệt lưu ý địa phương tính toán phương án có thể cho các em học sinh ở tất cả các cấp học nghỉ học tránh bão. Tuyệt đối cấm các hoạt động du lịch và tập trung bảo vệ các công trình xây dựng. Đặc biệt, tập trung bảo vệ đê biển bằng phương tiện, vật tư tại chỗ.

Ông Phạm Văn Sinh, Bí thư tỉnh ủy Thái Bình cho biết, đến thời điểm chiều 18/8, tất cả các phương tiện tàu thuyền đã về nơi trú tránh an toàn. Tỉnh cũng đã tiến hành sơ tán người dân khỏi những lồng bè nuôi trồng thủy sản, những khu vực nguy hiểm.

Tỉnh Nam Định đã chuẩn bị vật liệu để gia cố đê, cụ thể đã chuẩn bị 1.000 rọ đá, bổ sung 1.500 rọ để rải ở những điểm xung yếu. Lực lượng xung kích luôn túc trực sẵn sàng để chủ động khi có sự cố. Hiện địa phương cũng đã chuẩn bị phương án bơm nước để chống ngập úng.

X.T