Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, hồi 19h ngày 26/12, vị trí tâm bão Nockten ở vào khoảng 14,4 độ Vĩ Bắc-118,5 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 740 km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (120-135km/giờ), giật cấp 14-15.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20-25km, sau đó đổi hướng di chuyển theo hướng Tây Nam mỗi giờ đi được 15km. Đến 19h ngày 27/12, vị trí tâm bão ở vào khoảng 14,6 độ Vĩ Bắc-115,6 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 440 km về phía Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75-90km/ giờ), giật cấp 10-11.
Vùng nguy hiểm: gió mạnh từ cấp 6 trở lên phía Bắc vĩ tuyến 13,0 độ Vĩ Bắc; phía Đông kinh tuyến 114 độ Kinh Đông. Gió mạnh từ cấp 8 trở lên phía Bắc vĩ tuyến 14,0 độ Vĩ Bắc đến vĩ tuyến 16,0 độ Vĩ Bắc; phía Đông kinh tuyến 115 độ Kinh Đông. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.
Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 15-20km và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới, sau đó là một vùng áp thấp. Đến 19 giờ ngày 28/12, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 12,0 độ Vĩ Bắc-112,5 độ Kinh Đông, cách đảo Song Tử Tây (thuộc quần đảo Trường Sa) khoảng 220km về phía Tây Tây Bắc. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 40km/giờ).
Do ảnh hưởng của bão, vùng biển giữa quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa có gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8-9, giật cấp 10-11, sóng biển cao 4-6 mét. Biển động rất mạnh. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.
Trước diễn biến của bão, cùng ngày, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã công bố báo cáo kết quả phân vùng bão, xác định nguy cơ bão, nước dâng do bão và phân vùng gió cho các vùng sâu trong đất liền khi bão mạnh, siêu bão đổ bộ. Qua đó, toàn lãnh thổ Việt Nam, vùng ven biển và đảo ven bờ được phân thành 8 vùng ảnh hưởng của bão với các đặc trưng cụ thể: Vùng I: Đông Bắc (bao gồm các tỉnh: Lào Cai, Yên Bái, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Hà Giang, Cao Bằng, Tuyên Quang, Bắc Kạn); Vùng II: Tây Bắc (bao gồm các tỉnh: Lai Châu, Điện Biên, Sơn La); Vùng III: Quảng Ninh đến Thanh Hóa (bao gồm các tỉnh thuộc đồng bằng, trung du Bắc Bộ và các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa); Vùng IV: từ Nghệ An đến Thừa Thiên Huế; Vùng V: từ Đà Nẵng đến Bình Định (bao gồm các tỉnh, thành phố: Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định); Vùng VI: từ Phú Yên đến Ninh Thuận; Vùng VII: gồm các tỉnh Tây Nguyên (bao gồm các tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng); và Vùng VIII: các tỉnh từ Bình Thuận đến Cà Mau - Kiên Giang.
Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng cho biết các vùng có nguy cơ gió mạnh, mưa lớn khi bão mạnh, siêu bão đổ bộ. Cụ thể, Vùng I: gió trong bão có thể đạt cấp 11-12, giật trên cấp 13; Vùng II: gió trong bão có thể đạt cấp 10-11, giật trên cấp 13; Vùng III: gió trong bão có thể đạt cấp 15-16, giật trên cấp 17; Vùng IV: gió trong bão có thể đạt cấp 15-16, giật trên cấp 17. Mưa một ngày lớn nhất trong bão có thể đạt từ 1.000 - 1.050 mm; Vùng V: gió trong bão có thể đạt cấp 14-15, giật trên cấp 16; Vùng VI: gió trong bão có thể đạt cấp 14-15, giật trên cấp 16; Vùng VII: gió trong bão có thể đạt cấp 10-11, giật trên cấp 12; Vùng VIII: gió trong bão có thể đạt cấp 11-12, giật trên cấp 13, mưa một ngày lớn nhất có thể đạt từ 300 - 350 mm.
Ngoài ra, Bộ Tài nguyên và Môi trường thông tin 5 vùng có nguy cơ nước dâng do bão cho 5 vùng ven biển gồm:Vùng I: hiện nước dâng do bão cao nhất đã xảy ra đến 3,5 m, trong tương lai, khi có bão mạnh, siêu bão đổ bộ, nước dâng do bão có thể lên đến 4,9 m; Vùng II: nước dâng do bão có thể lên đến trên 5 m; Vùng III: khi có bão mạnh, siêu bão đổ bộ, nước dâng do bão có thể lên đến trên 2,3 m; Vùng IV: trong tương lai, khi có bão mạnh, siêu bão đổ bộ, nước dâng do bão có thể lên đến trên 2,2 m; và Vùng V: nước dâng do bão có thể lên đến trên 2,7 m.