Thay mặt Chính phủ, Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) Phạm Thị Hải Chuyền vừa có báo cáo tình hình quản lý và sử dụng Quỹ BHXH năm 2014 gửi đến Quốc hội.
Truy thu hơn 134 tỉ đồng
Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho biết trong năm 2014, Thanh tra Bộ LĐ-TB-XH đã thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) tại Hà Nội và TP HCM; thanh tra tình trạng nợ và chậm đóng BHXH tại một số đơn vị trên địa bàn 2 tỉnh Thái Nguyên và Thừa Thiên - Huế; phối hợp với BHXH Việt Nam thanh tra việc thực hiện Luật BHXH tại Phú Thọ và Ninh Thuận. Về BHTN, đã phát hiện và thu hồi trên 1,1 tỉ đồng do người lao động không đủ điều kiện hưởng nhưng vẫn làm thủ tục để hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Trong năm, thanh tra bộ và các địa phương đã tiến hành gần 1.200 cuộc thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật BHXH, qua đó đã xử phạt các đơn vị sai phạm gần 6,7 tỉ đồng; truy thu gần 134,6 tỉ đồng.
Tuy vậy, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cũng thừa nhận tình trạng trốn đóng, nợ đọng tiền BHXH vẫn còn phổ biến.
Thu tăng, chi giảm, kết dư lớn
Đến ngày 31-12-2014, tổng số đối tượng tham gia BHXH bắt buộc trong cả nước là 11.451.530 người. Tổng kết dư Quỹ BHXH bắt buộc là 305.799 tỉ đồng, tăng 60.716,4 tỉ đồng so với cùng kỳ năm 2013 (tăng 24,7%). Đáng nói, tỉ lệ số chi trên số thu của quỹ lại giảm do mức đóng vào quỹ từ năm 2014 tăng 2% theo quy định và số người tham gia tăng.
Một điểm đáng chú ý từ báo cáo của Bộ LĐ-TB-XH, trong năm 2014, ước số lãi thu được từ đầu tư của Quỹ BHXH lên đến 25.550 tỉ đồng. Trong đó, lãi ngân sách nhà nước trả là 17.200 tỉ đồng, lãi trái phiếu chính phủ là 3.988 tỉ đồng, lãi đầu tư vào dự án thủy điện Lai Châu 814 tỉ đồng, lãi cho các ngân hàng vay là 3.061 tỉ đồng, lãi đầu tư tự động và lãi khác 487 tỉ đồng. Tính đến hết năm 2014, số dư đầu tư của quỹ là 369.529,3 tỉ đồng, tăng 82.694 tỉ đồng so với cùng kỳ. Trong đó, tăng cho ngân sách nhà nước vay 93.000 tỉ đồng, tăng mua trái phiếu chính phủ 3.000 tỉ đồng và giảm cho các ngân hàng thương mại nhà nước vay 13.036 tỉ đồng.
Cân nhắc cho ngân hàng thương mại vay
Điều 95 của Luật BHXH 2014 quy định: Hội đồng quản lý BHXH quyết định và chịu trách nhiệm trước Chính phủ về các hình thức đầu tư và cơ cấu đầu tư của các quỹ BHXH, BHYT, BHTN trên cơ sở đề nghị của cơ quan BHXH.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Bùi Đình Thụ cho rằng việc dùng quỹ BHXH để đầu tư và cho vay vào những địa chỉ “an toàn” như trái phiếu Chính phủ là cần thiết, chứ không nên để vốn “chết” tại chỗ. “Nếu dùng quỹ cho ngân hàng thương mại vay thì nên cân nhắc để bảo đảm nguồn vốn, nhất là trong lúc không ít ngân hàng thương mại có vấn đề” - ông Thụ cảnh báo.
Cần có cơ quan độc lập giám sát đầu tư
BHXH là chính sách an sinh xã hội. Hằng tháng, ngoài phần trích nộp của doanh nghiệp, người lao động cũng phải trích lương để đóng BHXH.
Tôi được biết, kết dư của quỹ BHXH hằng năm là không nhỏ và khoản này được dùng để cho vay. Tuy nhiên, từ vụ cho Công ty Cho thuê tài chính 2 (Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) vay nhưng vẫn còn nợ quá hạn hơn 1.000 tỉ đồng, người lao động có quyền lo lắng. Do vậy, để bảo đảm quyền thụ hưởng lâu dài của người lao động, nhà nước phải có trách nhiệm quản lý việc sử dụng nguồn quỹ đúng mục đích, công khai và lựa chọn các hình thức đầu tư tăng trưởng an toàn nhất và phải có cơ chế bảo lãnh để tránh rủi ro do tổ chức tín dụng không có khả năng thanh toán. Hội đồng quản lý quỹ phải tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ và BHXH Việt Nam nên hình thành một tổ chức độc lập để quản lý và nghiên cứu các hình thức đầu tư có hiệu quả.
K.An ghi
Theo NLĐ