Trang Deutsche Welle (Tiếng nói nước Đức) ngày 5/3 đã đăng bài của tác giả Peter Hille nhan đề “Chiến tranh Ukraine: Đâu là lối thoát” đưa ý kiến của các chuyên gia, nhà nghiên cứu phân tích về tương lai của cuộc chiến đẫm máu đang diễn ra ở Ukraine.
Bài báo viết: Ông Marcel Rothig, người đứng đầu văn phòng Kiev của “Friedrich Ebert Foundation” (Quỹ Friedrich Ebert) phi lợi nhuận của Đức, cho rằng: "Mọi cuộc chiến đều sẽ đến hồi kết và thông thường một thỏa thuận sẽ đạt được sau các cuộc đàm phán. Tôi tin chắc rằng sớm muộn gì Ukraine và Nga cũng sẽ đạt được một thỏa thuận, và cũng có thể có một thỏa thuận giữa Nga và phương Tây”. Tuy nhiên, ông nói trong một cuộc trả lời phỏng vấn với Deutsche Welle khi trở về Đức: "Nhưng thật không may, tình hình còn lâu mới đến bước này."
Cho đến nay, các phái đoàn Ukraine và Nga đã tổ chức hai vòng đàm phán tại Belarus. Hai bên vừa thống nhất về một "hành lang nhân đạo" cho việc sơ tán dân thường một cách an toàn, nhưng ngay sau đó, điều này đã không diễn ra trong sự cáo buộc lẫn nhau vi phạm thỏa thuận.
Hôm thứ Năm (3/3), Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky một lần nữa công khai bày tỏ thiện chí sẵn sàng đàm phán trực tiếp với Tổng thống Nga Putin. Tuy nhiên, cho đến nay, ông Putin dường như chỉ quan tâm đến việc đàm phán trực tiếp với Tổng thống Mỹ Joe Biden mà thôi.
Tổng thống Nga Putin luôn từ chối gặp gỡ Tổng thống Ukraine Zelensky (Ảnh: Deutsche Welle) |
Liệu Bắc Kinh có đóng vai trò hòa giải?
Ai có thể đưa ông Putin đến bàn đàm phán? Theo ông Marcel Rothig, một cuộc đàm phán như vậy có thể được thúc đẩy và hỗ trợ bởi các bên khác nhau, chẳng hạn như Israel, Thổ Nhĩ Kỳ, Phần Lan, các phái viên của Liên hợp quốc hoặc EU.
Giám đốc chính sách đối ngoại (Ngoại trưởng) của EU Josep Borrell ngày 5 tháng 3 đã nói rõ rằng ông ủng hộ sự hòa giải của Trung Quốc trong cuộc chiến của Nga với Ukraine
Theo quan điểm của ông, Bắc Kinh cũng có thể đóng vai trò hòa giải và tạo ra ảnh hưởng nhất định đối với ông Putin. Ông Josep Borrell chỉ ra rằng: "Trung Quốc không thích thú đối với việc châu Âu bất ổn và thị trường không ổn định. Trung Quốc là đối tác kinh tế lớn duy nhất còn lại của Nga, và ông Putin rất cần sự hỗ trợ của Trung Quốc."
Tuy nhiên, cho đến nay, ông Putin dường như hoàn toàn không quan tâm đến các cuộc đàm phán ở cấp cao nhất. Ông Gustav Gressel, chuyên gia chính sách cấp cao tại văn phòng Berlin của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Châu Âu (ECFR), một tổ chức tư vấn của Châu Âu, nói ông rất lo ngại: “Tôi e rằng ông ấy (Putin) vẫn chưa bị tổn thất đến mức đủ để thay đổi mục tiêu chiến tranh của mình. "
Người đứng đầu cơ quan đối ngoại EU Jossep Borell ủng hộ Trung Quốc đóng vai trò trung gian hòa giải Nga-Ukraine (Ảnh: Deutsche Welle). |
Liệu có khả năng Nga rút quân?
Gustav Gressel nói rằng nếu quân đội Nga tiếp tục khó giành được thế thượng phong, áp lực đối với ông Putin sẽ gia tăng. "Nếu quân đội Ukraine có thể tiếp tục cầm cự trong một tuần hoặc lâu hơn nữa, chúng ta sẽ có cơ hội thấy liệu ông Putin có đồng ý với một trong các phương án thỏa hiệp hay không", ông nói.
Liệu có khả năng người Nga sẽ buộc phải rút lui hoàn toàn? Ông Putin có thể buộc phải làm như vậy nếu các lực lượng Ukraine tiếp tục gây thương vong nặng nề cho quân Nga trên chiến trường.
Gustav Gressel cho rằng các lệnh trừng phạt và sự sụp đổ của nền kinh tế Nga có thể tạo thành một yếu tố khác buộc ông Putin phải xem xét lại các mục tiêu của mình. Ông cũng có thể bị buộc phải rút quân nếu mất sự ủng hộ của một số tầng lớp tinh hoa của Nga, hoặc nếu bất chấp áp lực, ngày càng nhiều người ở Nga tham gia phong trào phản đối chiến tranh.
Giải quyết vấn đề qua đàm phán?
Với điều này, nếu ông Putin tiếp tục không thể kiểm soát toàn bộ Ukraine, và quân đội Ukraine cũng không thể đánh đuổi quân đội Nga, thì sẽ xuất hiện kiểu thỏa hiệp nào?
Ông Marcel Rothig nói, nếu đạt được một thỏa thuận, nó có thể quy định thực hiện chế độ liên bang trong tương lai ở Ukraine, với quy chế đặc biệt cho Donetsk và Luhansk - những vùng đất đã nằm dưới sự kiểm soát của lực lượng ly khai do Nga hậu thuẫn kể từ năm 2014.
Chuyên gia Marcell Rothig: sớm muộn gì Nga và Ukraine cũng đạt được thỏa thuận qua đàm phán (Ảnh: UA). |
Roticg lưu ý: “Cũng có thể Ukraine sẵn sàng từ bỏ một phần lãnh thổ của mình, chẳng hạn như vùng Donetsk và Luhansk hay Crimea. Tuy nhiên, Kiev sẽ rất khó chấp nhận mất đi sự hoàn chỉnh của lãnh thổ quốc gia”.
Ông cho rằng sự trung lập của Ukraine có thể là một lựa chọn khác. Ông nói: “Tôi tin rằng Ukraine sẽ buộc phải từ bỏ giấc mơ gia nhập NATO và loại bỏ mục tiêu trở thành thành viên NATO trong tương lai ra khỏi hiến pháp.”
Nếu chính phủ Ukraine đưa ra nhượng bộ lớn như vậy, ông Putin sẽ chấp nhận, nhưng liệu người dân Ukraine có chấp nhận không? Về vấn đề này, Marcel Rothig cho rằng Tổng thống Ukraine Zelensky hiện đang rất được lòng dân và được người dân chờ đợi. “Vì vậy, hiện giờ ông ấy có thể khiến người dân Ukraine chấp nhận thỏa hiệp”.
Tuy nhiên, Rothig đã nhắc lại lịch sử châu Âu và đưa ra lời khuyên thận trọng. Ông chỉ ra rằng sau Chiến tranh thế giới thứ nhất (1914-1918), Hiệp ước Versailles đã khiến nước Đức bị đánh bại cảm thấy nhục nhã. Ông nói: "Hiện tại, người Ukraine nghĩ rằng họ có thể giành chiến thắng, nhưng đó là suy nghĩ viển vông vì về lâu dài họ sẽ thua trong cuộc chiến này". Ông cảnh báo rằng: "Khi đó, một số người có thể cho rằng do Zelensky đã phản bội đất nước, vốn ra người Nga sẽ bị đánh bại."
Tác giả bài báo cho rằng, tuy nhiên, tiền đề của một giải pháp thương lượng cho cuộc xung đột được đặt ra là Putin quay trở lại lý trí. Rothig nói: “Chúng ta luôn nghĩ ông Putin là người rất lý trí, nhưng, cuối cùng, hành vi của ông ấy hoàn toàn là cảm tính, điều này khiến ông ấy trở nên không thể đoán trước được. Tôi gửi gắm hy vọng vào những người ở bên cạnh ông Putin, những cố vấn trực tiếp của ông ấy, nhưng chúng ta không biết ông ấy có thực sự sự muốn nghe ý kiến của bao nhiêu người trong số họ và thực tế những người đó nói gì với ông."
Chiến tranh đang tàn phá Ukraine khiến hàng triệu người dân phải bỏ đất nước ra đi (Ảnh: AP). |
Một cuộc đảo chính ở Điện Kremlin?
Cuộc đưa quân vào Ukraine vẫn được coi là "cuộc chiến của ông Putin". Vậy điều gì sẽ xảy ra nếu ông Putin bị lật đổ?
Ông Sergey Medvedev của "Dekabristen" (Những người Tháng 12) ở Berlin, một tổ chức phi chính phủ hỗ trợ các nhà hoạt động dân chủ ở các nước thuộc Liên Xô trước đây, không loại trừ khả năng điều này xảy ra. Ông cho rằng: "Nếu những thi thể đầu tiên được trở về Nga bây giờ và trong vài ngày tới, ngay cả những người trung thành nhất (với nhà cầm quyền) cũng sẽ tự hỏi: Liệu cuộc chiến này có thực sự cần thiết? Chính quyền này có thực sự cần thiết không?"
Nhưng Marcel Rothig của Friedrich Ebert Foundation thì kém lạc quan hơn. Ông cảnh báo những người phương Tây không nên quá nuôi hy vọng: "Bởi vì, chúng ta không biết một sự thay đổi chế độ sẽ dẫn đến điều gì và nó sẽ có ý nghĩa bất ổn như thế nào đối với chúng ta."
Bài báo kết luận: “Xem xét tình hình hiện tại, nhiều khả năng quân đội Nga sẽ chinh phục phần lớn lãnh thổ Ukraine bằng một cuộc chiến đẫm máu. Dù vậy, cuối cùng sẽ có một ngày hòa bình trở lại, nhưng là hòa bình trong điều kiện của Moscow. Nhiều nhà quan sát tin rằng một nền hòa bình như vậy sẽ rất mong manh và có thể dẫn đến một cuộc chiến tranh du kích kéo dài – giống như Liên Xô trước đây đã trải qua ở Afghanistan”.