Chiều ngày 6/01/2017, tại Hà Nội, Ban Thường trực Ủy ban TW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQ) phối hợp với Ban Tuyên giáo TW, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Toạ đàm “Phát huy vai trò báo chí trong đấu tranh chống suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống”.
Buổi Tọa đàm tập trung vào các nội dung sau: Phân tích, đánh giá vai trò của báo chí trong đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ theo tinh thần Nghị quyết TW 4 khóa XII; đánh giá thực trạng chất lượng, hiệu quả công tác báo chí với nhiệm vụ chống suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong thời gian qua; làm rõ những ưu điểm, hạn chế; chỉ ra những nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan; đề xuất các giải pháp nhằm phát huy vai trò báo chí trong thông tin, tuyên truyền nhiệm vụ quan trọng này, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống...
Phát biểu tại buổi Tọa đàm, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Chủ tịch Ủy ban TW MTTQ Việt Nam chỉ rõ: Trong việc thực hiện Nghị quyết TW 4 khóa XII, Ủy ban MTTQ Việt Nam, Ban Tuyên giáo TW, Hội Nhà báo Việt Nam và các cơ quan báo chí có vai trò rất quan trọng, gắn bó chặt chẽ với nhau. Đồng thời, báo chí vừa phải truyền tải nội dung chủ yếu của Nghị quyết TW 4, đồng thời cần làm cho người dân, cán bộ quản lý cùng tham gia chống suy thoái, tham nhũng một cách quyết liệt vì đây là sự đe dọa tới tồn vong của đất nước, của chế độ. Suy thoái, tham nhũng sẽ gây biến động trong xã hội, cướp đi cơ hội phát triển của đất nước. Báo chí phải “khuấy động”, hình thành phong trào nhân dân tham gia cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng.
Cũng tại buổi Tọa đàm, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân đề nghị các cơ quan báo chí, trong đó có hệ thống báo chí của Mặt trận cùng vào cuộc đồng hành chống tham nhũng. Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp sẽ phối hợp cùng lãnh đạo các tổ chức chính trị - xã hội, Hội Nhà báo Việt Nam rà soát thông tin báo chí, nhân dân phản ánh để chọn lọc chuyển đến cơ quan chính quyền nếu đủ cơ sở hoặc chuyển đến Ủy ban kiểm tra Đảng. Mặt trận và các tổ chức thành viên, Hội Nhà báo Việt Nam theo định kỳ hàng, quý sẽ rà soát thông tin về tham nhũng, suy thoái qua báo chí và người dân, có sự tham dự của Ban Tuyên giáo TW. Ủy ban MTTQ Việt Nam cam kết sẽ tham gia tích cực trong việc thực hiện chống tham nhũng, suy thoái theo Nghị quyết TW 4 khóa XII.
Phát biểu kết luận buổi Tọa đàm, đồng chí Trưởng Ban Tuyên giáo TW Võ Văn Thưởng đánh giá: Thời gian qua, báo chí với vai trò vũ khí tư tưởng mang tinh thần "phò chính trừ tà" đã đi đầu trong việc phát hiện các biểu hiện, hành vi tham nhũng, lãng phí. Thực tế đã chứng minh nhiều vụ việc tham nhũng được các cơ quan chức năng phát hiện là nhờ vào thông tin, sự vào cuộc tích cực của báo chí. Bên cạnh đó, báo chí còn tham gia vào việc tạo áp lực dư luận, thúc đẩy các cơ quan thanh tra, điều tra, xét xử xử lý các vụ việc nhanh hơn, mang lại hiệu quả thiết thực. Sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng và báo chí trong đấu tranh phòng, chống tiêu cực thời gian qua về cơ bản khá nhịp nhàng, đồng bộ.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, đồng chí Võ Văn Thưởng cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế cần khắc phục đối với báo chí, đó là thông tin tuyên truyền về đấu tranh chống suy thoái chưa hài hòa giữa "xây" và "chống". Việc thông tin tuyên truyền về các nội dung "tốt còn ít, tính đấu tranh không cao, sức lan tỏa không lớn, chưa được thường xuyên, trong khi đưa thông tin "xấu" còn bỏ ngỏ, số vụ việc phát hiện còn ít, tính đấu tranh chưa sắc sảo, thông tin chưa vững chắc, độ dũng cảm kiên định còn bị lung lay, thậm chí bị mua chuộc...
Về nhiệm vụ trong thời gian tới, đồng chí Võ Văn Thưởng đề nghị cần tập trung một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
Một là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục tư tưởng chính trị, văn hóa, đạo đức, lối sống nhằm nâng cao nhận thức, tinh thần trách nhiệm, quyết tâm đấu tranh ngăn chặn, từng bước đẩy lùi nguy cơ “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của mỗi người làm báo. Trong cuộc đấu tranh chống suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, không chỉ là phê bình và tự phê bình mà phải bằng nhiều hình thức, biện pháp từ biện pháp tổ chức cho tới biện pháp pháp luật.
Hai là, tăng cường công tác chỉ đạo, định hướng và cung cấp thông tin phải thống nhất, thông suốt, thường xuyên, kịp thời tới các cơ quan báo chí, nhất là đối với những vấn đề, sự kiện tác động lớn đến dư luận xã hội. Trong chỉ đạo, định hướng cần đề cao tính chủ động, thuyết phục và hiệu quả. Trước mắt, các đơn vị chức năng của Ban Tuyên giáo TW phối hợp với Bộ TT&TT, Hội Nhà báo Việt Nam và các cơ quan liên quan tập trung tham mưu để Ban Bí thư sớm ban hành Quy định về chỉ đạo, định hướng và cung cấp thông tin, tuyên truyền về phòng, chống tham nhũng. Các cơ quan quản lý nhà nước cần tiếp tục bổ sung, hoàn thiện các qui định nhằm xác định rõ trách nhiệm pháp luật của cơ quan báo chí, nhà báo về việc công bố các thông tin làm cơ sở xử lý nghiêm minh các trường hợp sai phạm.
Ba là, tăng cường sự chỉ đạo định hướng của Đảng, sự quản lý của Nhà nước đối với hoạt động báo chí; tăng cường kỷ luật Đảng đối với đảng viên hoạt động trong lĩnh vực báo chí; nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở đảng, chất lượng sinh hoạt đảng trong cơ quan báo chí; rà soát chất lượng đảng viên hoạt động trong các cơ quan báo chí, phát hiện, làm rõ, xử lý nghiêm minh những phần tử có biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
Khen thưởng kịp thời những tập thể, cá nhân có thành tích; xử lý nghiêm những tập thể, cá nhân vi phạm quy định về thông tin, báo chí, tuyên truyền. Các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí cần phân tích, đánh giá sâu sắc, tổng kết những bài học kinh nghiệm trong thực tiễn chỉ đạo và quản lý báo chí, từ đó có các giải pháp đổi mới tư duy chỉ đạo, quản lý báo chí cho phù hợp với bối cảnh xã hội bùng nổ thông tin như hiện nay, vừa tạo điều kiện để báo chí phát huy tốt nhất chức năng, vai trò, trách nhiệm của mình trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng, vừa bảo đảm cho việc thu hút độc giả, cạnh tranh được với truyền thông xã hội.
Bốn là, phát huy vai trò, nêu cao trách nhiệm của các cơ quan báo chí, cơ quan chủ quản báo chí trong công tác đấu tranh phòng, chống suy thoái, quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, bảo đảm giữa tự do ngôn luận, tự do báo chí với việc bảo đảm thực hiện đúng tôn chỉ mục đích của các tờ báo, trách nhiệm xã hội, trách nhiệm công dân của mỗi nhà báo.
Năm là, đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho báo chí; tích cực thu hút, tăng cường sự tham gia của các chuyên gia, các nhà lý luận có các bài viết sâu sắc về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Hội Nhà báo Việt Nam cần đẩy nhanh việc biên soạn, hoàn thiện, ban hành và hướng dẫn triển khai Quy định về đạo đức nghề ngiệp của người làm báo vừa được thông qua, bổ sung những vấn đề mới trong điều kiện hiện nay đối với các hội viên như vấn đề phát ngôn trên mạng xã hội, quy định về trách nhiệm xã hội của người làm báo… Trên cơ sở đó, các cơ quan báo chí cũng cần xây dựng các quy định cụ thể liên quan đến trách nhiệm của người làm báo trong cơ quan, đơn vị mình...
Theo MIC.gov.vn