Đây là thông tin vừa được công bố ngày 13/1 tại Báo cáo “Toàn cảnh Đổi mới sáng tạo mở Việt Nam 2021” phiên bản thứ nhất (v1.0), do Nền tảng kết nối Đổi mới sáng tạo BambuUP thực hiện, dưới sự bảo trợ của Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo Quốc gia (NSSC).
0,25% cơ sở y tế công lập có bệnh án điện tử
Trong nội dung về ngành công nghệ y tế và sức khỏe (Health Tech), báo cáo đánh giá, nguồn dữ liệu lớn xuất phát từ các bệnh viện, phòng khám rất đa dạng, bao gồm dữ liệu cá nhân, các thông số bệnh tật, ghi chú lâm sàng, hình ảnh chẩn đoán, dữ liệu dịch tễ học và hành vi người bệnh...
Tuy nhiên, “hệ thống thông tin ở Việt Nam vẫn còn phân tán, tách rời và chưa tích hợp. Các hệ thống này không tuân theo bất kỳ tiêu chuẩn kết nối nào gây khó khăn cho việc tích hợp và liên kết dữ liệu y tế. Hơn nữa, việc thiếu các tài liệu cụ thể về kỹ thuật liên quan đến các tiêu chuẩn mã hóa dữ liệu và trao đổi dữ liệu đã gây khó khăn cho các phương pháp kết nối giữa các hệ thống thông tin y tế” – báo cáo của Nền tảng kết nối Đổi mới sáng tạo BambuUP nêu rõ.
Tính đến hết năm 2019, 100% bệnh viện đã triển khai tin học hóa, số hóa dịch vụ khám chữa bệnh và quản lý bệnh viện, 99,5% cơ sở y tế trên toàn quốc đã kết nối liên thông với hệ thống giám định của bảo hiểm xã hội. Tuy nhiên, chỉ có chưa đến 30 bệnh viện trên tổng số hơn 12.000 cơ sở y tế công lập trên toàn quốc có bệnh án điện tử. Các bệnh viện, các hệ thống công nghệ thông tin y tế vẫn chưa thể chia sẻ dữ liệu với nhau, vì lý do liên quan đến vấn đề bảo mật thông tin, hồ sơ sức khỏe cũng như việc sử dụng những giải pháp, phần mềm khác nhau.
Hội chẩn trực tuyến - số hóa chẩn bệnh cứu người từ xa tại BV Đại học Y Dược TP.HCM (Ảnh: Hòa Bình) |
Chính vì vậy, vẫn còn nhiều khoảng trống trong việc xây dựng các mô hình, nền tảng kết nối, chia sẻ dữ liệu theo chiều ngang (giữa các cơ sở y tế các địa phương) và chiều dọc (cơ sở y tế với Bộ Y tế) để toàn bộ nguồn dữ liệu từ các bệnh viện, trung tâm xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, trạm y tế, nhà thuốc, các cơ sở y tế tư nhân,... có thể được xâu chuỗi và chuẩn hóa về một nguồn.
Dữ liệu bị phân mảnh, rủi ro bảo mật rất lớn
Trong khi thị trường công nghệ y tế được định giá 43,6 tỉ USD vào năm 2019 với tốc độ tăng trưởng 16.2% từ 2020 - 2027, số lượng startup trong lĩnh vực này ở Việt Nam chỉ chiếm chưa đến 2% toàn châu Á. Ngành chăm sóc sức khỏe tại Việt Nam đứng trước triển vọng lạc quan nhờ 3 xu hướng thay đổi trên phương diện kinh tế, xã hội như là: Kinh tế phát triển tầng lớp trung lưu tăng nhanh, tình trạng già hóa dân số và sự mở rộng của hệ thống bảo hiểm y tế và bệnh viện. Cụ thể, quy mô thị trường đạt 15,6 tỉ USD, chiếm 6,5% cơ cấu GDP, CAGR là 11,2% (Global Spending on Health 2019 - WHO).
Tuy nhiên, tại Việt Nam các xu hướng công nghệ áp dụng trong y tế, chăm sóc sức khỏe vẫn còn chưa bắt kịp so với những thay đổi nhanh chóng trên thế giới. Công nghệ được áp dụng trong y tế tại Việt Nam được chia ra làm 2 mảng chính: Công nghệ ứng dụng trong y tế và Công nghệ thông tin quản lý dữ liệu y tế. Trong đó, các xu hướng công nghệ hiện nay tại Việt Nam hầu hết thuộc phạm trù thứ hai.
Cũng theo báo cáo “Toàn cảnh Đổi mới sáng tạo mở Việt Nam 2021”, trong lĩnh vực y tế, rủi ro bảo mật là rất lớn, vì dữ liệu bị phân mảnh, dẫn đến khó xác định chắc chắn vị trí của dữ liệu và ai có quyền truy cập. Do đó, cần có một cách tiếp cận thống nhất đối với dữ liệu chăm sóc sức khỏe. Bất kể dữ liệu nằm ở đâu thì phải đảm bảo một mức độ kiểm soát kỹ thuật nhất định dựa trên đối tượng cần quyền truy cập.
Báo cáo cũng đánh giá, bệnh nhân ở Việt Nam ngày càng cởi mở hơn và có xu hướng lựa chọn những sản phẩm và dịch vụ y tế thuận tiện như đặt lịch khám online, mua thuốc từ xa. Xu hướng này đặc biệt nổi lên trong khoảng thời gian dịch COVID-19 và đã tạo ra cơ hội tăng trưởng mạnh mẽ cho lĩnh vực y tế số nhờ vào việc thu hút thêm khách hàng mới.
Tuy vậy, báo cáo cũng đánh giá, vấn đề trình độ kỹ thuật số và tính tin cậy cũng là một trong những trở ngại lớn. Đặc biệt với những người lớn tuổi, người ở vùng nông thôn vẫn nghi ngờ về tính chính thống của thông tin được cung cấp trên các nền tảng y tế.
“Một lý do nữa khiến họ bận tâm là việc bảo mật thông tin và quyền sở hữu thông tin y tế. Do dữ liệu sức khoẻ thường rất nhạy cảm và cá nhân hóa, bệnh nhân thường quan tâm nhiều đến cách dữ liệu của họ được thu thập, xử lý và phân tích bởi nhà cung cấp dịch vụ hoặc bên thứ ba” – báo cáo của BambuUP nhấn mạnh.
Cũng theo báo cáo “Toàn cảnh Đổi mới sáng tạo mở Việt Nam 2021” phiên bản thứ nhất (v1.0), chăm sóc sức khỏe là một trong những ngành có tốc độ tăng trưởng và chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu GDP của các nước phát triển.
Theo S&P Global Market Intelligence, chăm sóc sức khỏe là ngành thu hút đầu tư lớn thứ ba trên thế giới với 60,72 tỉ USD trong năm 2020. Trong đó, các lĩnh vực chăm sóc sức khỏe thu hút đầu tư lớn nhất đều liên quan đến công nghệ y tế.