Bạn trẻ làm video để “yêu đẹp” phụ nữ và trẻ em gái

VietTimes -- Cuộc thi “Yêu đẹp” – “An toàn cho phụ nữ” nhằm thu hút sự quan tâm của công chúng, đặc biệt là thanh niên về chủ đề bạo lực tình dục với phụ nữ và trẻ em gái, khuyến khích khả năng sáng tạo nội dung. Qua đó, nâng cao nhận thức của cộng đồng về bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái khỏi các hành động bạo lực. 
Cuộc thi hướng tới lan truyền những thông điệp ý nghĩa, nâng cao ý thức cộng đồng về bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái khỏi các hành động bạo lực, đặc biệt là bạo lực tình dục.
Cuộc thi hướng tới lan truyền những thông điệp ý nghĩa, nâng cao ý thức cộng đồng về bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái khỏi các hành động bạo lực, đặc biệt là bạo lực tình dục.

Cuộc thi được tổ chức nhân Tháng hành động Quốc gia về bình đẳng giới và chấm dứt bạo lực trên cơ sở giới, do Trung tâm Nghiên cứu & Ứng dụng khoa học về Giới - Gia đình - Phụ nữ và vị thành niên (CSAGA) phối hợp cùng TikTok Việt Nam tổ chức.

Bà Nguyễn Vân Anh - Giám đốc điều hành CSAGA chia sẻ: "Phụ nữ và trẻ em gái tiếp tục là nạn nhân chính trong các vụ tấn công và quấy rối tình dục. Một số hình thức bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái chưa được quy định trong khuôn khổ pháp luật.

Đặc biệt, hành vi bạo lực tình dục như quấy rối tình dục ở nơi công cộng, bạo lực tình dục giữa vợ (chồng), bạn tình và lạm dụng tình dục đối với phụ nữ và trẻ em gái chưa được nhìn nhận và giải quyết, để đảm bảo sự can thiệp và hỗ trợ kịp thời".

Theo Ban Tổ chức, “yêu đẹp” là có hành vi, lời nói thanh lịch, và tôn trọng. “Yêu đẹp” là thể hiện văn minh, có văn hóa và đúng mực. “Yêu đẹp” là tạo ra cảm giác an toàn, là yếu tố quan trọng trong các mối quan hệ cá nhân và xã hội, góp phần xây dựng xã hội bình đẳng và an toàn cho tất cả mọi người, trong đó có phụ nữ và trẻ em gái.

Mặc dù số liệu chính thức về quấy rối tình dục không có sẵn, các báo cáo và nghiên cứu gần đây cho thấy quấy rối tình dục lan rộng cả ở nơi làm việc và ở nơi công cộng: 87% phụ nữ và trẻ em gái bị quấy rối tình dục ở nơi công cộng; 10% phụ nữ đã kết hôn ở Việt Nam đã bị vợ (chồng) của họ tấn công tình dục. 

Là một trong các cơ quan tài trợ cho cuộc thi, Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) tại Việt Nam hy vọng cuộc thi này sẽ giúp nâng cao hơn nữa nhận thức của cộng đồng trong việc chung tay chấm dứt bạo lực, đặc biệt là bạo lực tình dục đối với phụ nữ và trẻ em gái.  

Dự kiến, 50 video có lượt tương tác cao nhất sẽ được lọt vào vòng chung kết và đều nhận được một phần quà từ nhà tài trợ. Ban tổ chức sẽ trao giải thưởng cho các video xuất sắc, với tổng giải thưởng lên đến 70 triệu, trong đó giải nhất là 10 triệu đồng.