Ban hành thông tư xóa nạn 'xin cho' suất hoạt động tại các bến xe

Doanh nghiệp có xe khách vào bến hoạt động sẽ phải được kiểm tra năng lực, đấu thầu công khai, không phải thực hiện "xin cho" với cơ quan quản lý như trước đây.
Doanh nghiệp tự lựa chọn tuyến xe chạy theo quy hoạch. Ảnh minh họa: Đ.Loan
Doanh nghiệp tự lựa chọn tuyến xe chạy theo quy hoạch. Ảnh minh họa: Đ.Loan

Bộ trưởng Giao thông -Vận tải vừa ban hành thông tư 60 chỉnh sửa quy định về quản lý hoạt động kinh doanh vận tải bằng ôtô. Điểm mới là các Sở Giao thông phải công khai quy hoạch luồng tuyến vận tải và công bố doanh nghiệp đăng ký hoạt động vào tuyến xe đó sau khi nhận được đơn đăng ký. Nếu có từ 2 doanh nghiệp đăng ký trở lên thì Sở Giao thông tổ chức đấu thầu công khai.

Trước đây, doanh nghiệp muốn đưa xe hoạt động tại các bến xe phải được sự chấp thuận của Sở Giao thông tại hai đầu bến. Điều này làm phát sinh nạn "xin cho" với cơ quan quản lý. Do chưa có quy hoạch nên cơ quan quản lý được quyền cho phép xe vào bến hay không theo đặc điểm địa phương.

Thông tư cũng nêu rõ, trường hợp đăng ký khai thác tuyến không thành công, Sở Giao thông phải thông báo bằng văn bản cho doanh nghiệp, hợp tác xã và nêu rõ lý do.

Đề cập khả năng có nhiều doanh nghiệp cùng đưa xe vào bến gây lộn xộn, ông Nguyễn Văn Quyền, Phó tổng cục trưởng Đường bộ, cho rằng không lo ngại doanh nghiệp đưa nhiều xe vào làm "vỡ bến", tăng nguy cơ tai nạn giao thông. Bởi Bộ Giao thông đã công khai quy hoạch luồng tuyến vận tải, doanh nghiệp phải bám theo quy hoạch để đăng ký đưa xe vào bến.

Ngoài ra, các Sở Giao thông lựa chọn doanh nghiệp khai thác tuyến theo quy định đấu thầu. Tổng cục Đường bộ đang soạn thảo quy chế lựa chọn đơn vị khai thác theo tiêu chí uy tín, năng lực của doanh nghiệp, chất lượng phương tiện, lái xe. Các tiêu chí này sẽ được hội đồng chuyên môn gồm lãnh đạo Sở Giao thông các tỉnh liên quan, hiệp hội vận tải chấm điểm công khai.

"Các xe theo tuyến cũ sẽ vẫn được hoạt động ổn định, chỉ đấu thầu các tuyến xe mới hoặc tuyến xe kém hiệu quả", ông Quyền nói.

Đề cập việc thông tư mới xóa bỏ cơ chế "xin cho" với doanh nghiệp khi đưa xe khách vào bến, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ôtô Việt Nam đánh giá, không lo ngại doanh nghiệp sẽ đưa xe vào bến lộn xộn vì khi đăng ký vào bến phải dựa theo quy hoạch.

Trước đây, doanh nghiệp thường mua xe trước sau đó đi xin vào bến với sự chấp thuận của lãnh đạo các Sở Giao thông. Có Sở xét duyệt luồng tuyến nghiêm túc song có nơi tiêu cực, nhũng nhiễu với doanh nghiệp, gây nhiều bức xúc. Từ nay, doanh nghiệp được đăng ký hoạt động các tuyến xe mới sau đó mới đầu tư mua xe, được tự quyết định chạy xe tuyến nào dựa theo quy hoạch.

"Sở Giao thông chậm công bố quy hoạch luồng tuyến hoặc chậm công khai việc đăng ký của doanh nghiệp thì doanh nghiệp có quyền khiếu nại. Ngược lại, nếu doanh nghiệp đăng ký mà sau 60 ngày không hoạt động thì sẽ bị phạt. Quy định mới sẽ làm lành mạnh hóa hoạt động vận tải", ông Thanh nói.

Đánh giá về thông tư mới, một lãnh đạo doanh nghiệp cho biết hoàn toàn ủng hộ vì bớt đi một thủ tục không cần thiết khiến đơn vị mất thời gian đi lại, chi phí tốn kém. Doanh nghiệp cũng có thể chủ động nghiên cứu đầu tư mua xe mới mà không lo ngại có được chạy hay không như quy định cũ.

Trước đó, trong cuộc họp giải quyết các kiến nghị của Hiệp hội vận tải ôtô Việt Nam ngày 15/10, Bộ trưởng Giao thông Đinh La Thăng phát biểu: “Có người nói với tôi, xin một lốt xe vào bến Mỹ Đình mất đến 500-600 triệu đồng”, làm dấy lên những nghi ngờ việc mua bán suất hoạt động tại các bến xe Hà Nội.

Sau khi nhận được thông tin "xin suất chạy xe" của Bộ trưởng, lãnh đạo Sở Giao thông Hà Nội đã kiểm tra song không phát hiện tiêu cực trong cơ quan quản lý nhà nước. Tuy nhiên, Sở Giao thông đã đồng tình xóa bỏ việc chấp thuận tuyến giữa cơ quan quản lý giữa hai đầu bến để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp vận tải.

Theo Vnexpress