Năm 2003, Liên hợp quốc đã làm rõ khái niệm "Di sản kỹ thuật số" (Digital Legacy) trong "Hiến chương về bảo tồn Di sản kỹ thuật số". Nói một cách đơn giản, tài sản ảo, tài khoản mạng xã hội, tài khoản game, hồ sơ duyệt web ... tất cả những dấu vết mà con người để lại trên Internet sau khi qua đời được gọi là Di sản kỹ thuật số.
Vào tháng 6/2021, Apple đã đề xuất kế hoạch Digital Legacy tại Hội nghị các nhà phát triển toàn cầu và vào tháng 7, Tencent cũng đã công bố một "bằng sáng chế di sản kỹ thuật số". Làm thế nào để giải quyết với di sản kỹ thuật số của người đã khuất đã trở thành một vấn đề mà hầu như tất cả các nền tảng sẽ phải đối mặt.
Những người trẻ tuổi nghĩ gì về di sản kỹ thuật số? Họ có chú ý đến những yếu tố này không?
QQ đã thu thập một số dữ liệu và tư liệu để hiểu thêm về suy nghĩ của giới trẻ về bản thân từ góc độ di sản kỹ thuật số.
Những người trẻ có thái độ như thế nào đối với di sản kỹ thuật số?
Ảnh: QQ |
Theo "Sách trắng của Ngân hàng Di chúc Trung Quốc (2020)", từ năm 2017 đến năm 2020, số người sinh trong những năm 90 lập di chúc tăng đều đặn hàng năm. Tính đến cuối năm ngoái, tổng cộng có 553 người sinh vào thập niên 90 đã viết di chúc của họ trong Ngân hàng Di chúc Trung Quốc.
21,35% những người sinh sau năm 90 ghi tài khoản mạng xã hội như WeChat, QQ và game vào di chúc của họ.
Trong một cuộc thăm dò của người dùng Weibo về chủ đề "Di sản Internet" vào năm ngoái, hơn 90% người tin rằng Internet không có quyền định đoạt tài khoản của họ; và 83,2% người không muốn các thành viên gia đình xem bí mật riêng tư của họ.
Phóng viên QQ đã phỏng vấn một số người về suy nghĩ của họ về di sản kỹ thuật số, và kết quả là:
Có người muốn viết tài khoản Weibo của họ trong di chúc, trong đó chứa đựng những nỗi lòng thầm kín, những lời mắng nhiếc của sếp, áp lực cuộc sống ...
Cũng có người thề trước khi chết sẽ xóa tất cả các bài đăng và hồ sơ trên tất cả các trang web, cuối cùng là đăng xuất khỏi tài khoản, để người thân không nhìn thấy tính cách khác biệt của họ trên một nền tảng khác.
Từ những dữ liệu và câu trả lời này, chúng ta có thể thấy rằng thái độ của giới trẻ đối với di sản kỹ thuật số là mơ hồ và mâu thuẫn: họ coi trọng di sản kỹ thuật số và hy vọng rằng những dấu vết trong cuộc sống của họ sẽ được lưu giữ mãi mãi, nhưng khi đề cập đến các vấn đề về quyền riêng tư, họ cũng hy vọng rằng những thứ này có thể không bao giờ bị người khác biết đến.
Một người bình thường có thể được tưởng nhớ mãi mãi?
Vào tháng 12/2020, Bilibili đã khởi chạy chức năng "Yêu cầu tưởng nhớ". Trong thông báo, Bilibili viết ra ý định ban đầu khi thành lập chức năng này: "Để tưởng nhớ những người đã từng tồn tại trên cùng một thế giới, từng nhìn thấy cùng một khung cảnh, vui hay buồn vì những điều giống nhau".
Vào đầu năm nay, chủ tài khoản tên Mocha Official qua đời, dẫn đến một sự tưởng nhớ quy mô lớn trên mạng và kéo dài.
Ảnh: Bilibili |
Trên Bilibili, Mocha Official đã đăng tổng cộng 28 video, trước khi mất, anh chỉ có khoảng 200 fan. Sau khi anh qua đời, lượng người hâm mộ của Mocha đạt 1,99 triệu và video được xem nhiều nhất đã được phát hơn 8 triệu lần.
Dựa trên video của Mocha, anh sớm bỏ học và bị cha mẹ bỏ rơi. Anh nghèo khổ và cô lập, và chỉ có công việc bán thời gian.
Không có nhiều fan, anh vẫn thường siêng năng phát sóng trực tiếp trong hai tiếng đồng hồ, chỉ có một số bạn bè xem, nhưng khi có người vào phòng phát sóng trực tiếp, giọng anh ấy lộ rõ vẻ phấn khích.
Sau tháng 6 năm ngoái, anh ấy buồn bã thông báo mình có u não sau đó anh ấy bị đau dạ dày, ngất xỉu và cuối cùng phải nhập viện. Vì nghèo nên anh phải cố mua từng đồng thuốc, sau khi phẫu thuật, Mocha vẫn còn nợ bệnh viện 2000 NDT.
Vào mùa đông trước khi qua đời, Mocha muốn ăn dâu tây, nhưng lại chần chừ không mua vì nó quá đắt ...
Ở một mức độ nào đó, hầu hết những người tham gia chức năng tưởng niệm này đều suy nghĩ: Dù họ có là người bình thường, họ vẫn có quyền được yêu thương mãi mãi.
Điều này đã lật ngược quan niệm truyền thống rằng chỉ một số người mới có đặc quyền được tưởng niệm và tưởng nhớ sau khi chết.
Danh họa người Mỹ Andy Warhol từng nói vào những năm 1970: "Trong tương lai, ai cũng có thể là người nổi tiếng trong mười lăm phút". Trong thời đại kỹ thuật số, dự đoán này đã ứng nghiệm thành công. Trong không gian ảo của Internet, một cuộc sống bình thường và đầy sai sót cũng có thể được theo dõi và quan tâm mãi mãi.
Năm ngoái, một người dùng Weibo đã khởi xướng một cuộc bỏ phiếu về chủ đề "Di sản Internet". Sau khi bỏ phiếu cho câu hỏi "Di sản trực tuyến có nên được bảo tồn vĩnh viễn hay bị xóa ngay lập tức", hơn một nửa số người hy vọng rằng di sản trực tuyến của họ sẽ được bảo tồn mãi mãi.
Loại hoài niệm thường trực này không kém phần quan trọng đối với gia đình của những người đã khuất.
Đối với người ngoài cuộc, có thể có hàng nghìn người bình thường mỗi ngày tạm biệt thế giới này, nhưng đối với người thân, họ là cha, mẹ, con, bạn đời ... duy nhất có sức mạnh không thể thay thế.
Nỗi ám ảnh khi di sản kỹ thuật số bị phơi bày
Mặc dù di sản kỹ thuật số (chủ yếu đề cập đến những bức ảnh và dữ liệu chưa từng được công bố trong cuộc sống thực) có thể giúp những người sống hiểu biết toàn diện hơn về cuộc sống của người đã khuất và trạng thái tâm lý trước khi mất của họ, nhưng ở một mức độ nào đó, nó cũng chỉ ra một vấn đề khác - quyền riêng tư của người đã khuất.
Trên thực tế, khi nhiều người nghĩ rằng sau khi họ mất, việc họ thường xuyên cà trớn, phô diễn bản thân trên nhiều nền tảng xã hội khác nhau có thể bị phơi bày trước người thân, họ sẽ cảm thấy xấu hổ như chết lần thứ hai.
Đặc biệt là với thông tin cá nhân nhạy cảm hơn như phần mềm xã hội hẹn hè, lịch sử Weibo, lịch sử duyệt web ...
Năm nay, Sellcell đã thực hiện một cuộc khảo sát bằng bảng câu hỏi về người dùng iPhone / iPad và kết quả cho thấy sau khi mất, lịch sử duyệt web là dữ liệu cuối cùng mà mọi người không muốn công chúng hoặc người thân của họ nhìn thấy nhất.
So với các phần mềm xã hội hàng ngày, lịch sử duyệt web là một cách bí mật hơn đến trái tim của người đã khuất.
Mọi người có thể quản lý hình ảnh bản thân của họ trên phần mềm xã hội, chẳng hạn như những bức ảnh đã được chỉnh sửa và những ý kiến và nhận xét sau khi suy nghĩ nhiều lần. Nhưng lịch sử duyệt web thể hiện một cách chân thật cuộc sống nội tâm của bạn.
Ông John Troyer, Giám đốc Trung tâm Cái chết và Xã hội Mỹ từng hỏi các học trò của mình rằng: Nếu ngày mai bạn qua đời, bố mẹ bạn có thể xem mọi thứ trên máy tính xách tay, xem mọi thứ trong tài khoản mạng xã hội, bạn sẽ cảm thấy thế nào?
Xu hướng chung từ các câu trả lời của học sinh là cảm thấy mâu thuẫn và khó chấp nhận. Hầu hết học sinh có cảm giác khó chịu khi gia đình hoặc bạn bè có thể truy cập và đọc thông tin lịch sử của họ.
Văn hóa truyền thống đôi khi làm lãng mạn hóa sự ra đi của một người. Nhưng các e-mail, hồ sơ duyệt web, hồ sơ trò chuyện, ... giống như lột bỏ lớp quần áo che chắn cuối cùng của người quá cố.
Trong bộ phim tài liệu "I Love Alaska", lịch sử tìm kiếm của một người dùng quá cố mã 711391 được trình bày dưới dạng một bộ phim tài liệu:
Ngày 21/4/2006: "Đau lưng" ... "Làm thế nào để tạo ấn tượng tốt cho đối phương khi bạn lần đầu tiên gặp gỡ một người bạn qua mạng" ...
Ngày 22/4/2006: "Playboy là gì?"..."Khoái cảm từ ngực"...
Ngày 23/4/2006: "Làm thế nào để thoát khỏi căng thẳng trong những cuộc hẹn hò blind date?" ... "Làm thế nào để biết người trên mạng đang nói dối";
Ngày 24/4/2006: "Các triệu chứng của một cơn đau tim" ... "Tràn khí màng phổi" ... "Đừng bao giờ thừa nhận mình đã ngoại tình".
Đau đớn, khao khát, buồn bã, xót xa, mong đợi ... cuộc sống nội tâm phức tạp với những khao khát không bao giờ thành hiện thực.
Chỉ thông qua các hồ sơ tìm kiếm phân mảnh, người ta có thể vẽ ra hình ảnh của một người phụ nữ nội trợ. Cô ấy ước mơ về một người người bạn đời, thoát khỏi bệnh béo phì, thất vọng tình dục và các vấn đề về tim mạch.
Nhưng người đã khuất không thể kiểm soát hay phản bác lại mọi bình luận từ thế giới bên ngoài. Trong môi trường trực tuyến, các nhóm người rảnh rỗi có thể sử dụng các bản ghi trò chuyện một chiều để đưa ra các cuộc thảo luận tự cho mình là trung tâm về cuộc sống của người đã khuất.
Mọi người có thể không ác ý, nhưng trải nghiệm cá nhân của người đã khuất đã trở thành bức màn để người khác phóng chiếu giá trị của chính họ, được sơn bằng nhiều màu sắc, diễn giải khác nhau và thậm chí là bóp méo.
Trong bộ phim "COCO", người ta nói rằng cái chết cuối cùng của một người là bị lãng quên.
COCO kể về chuyến phiên lưu đến thế giới người chết với những phân cảnh xúc động. |
Trong thời đại kỹ thuật số, cái chết của một người cũng được định nghĩa theo nhiều cách - ngoài cái chết về thể xác và chấm dứt các mối quan hệ xã hội, nó còn bao gồm cả sự kết thúc của dấu vết kỹ thuật số trên Internet.
Nếu dấu vết của người đã khuất trên Internet vẫn chưa được xóa sạch hoàn toàn, ảnh hồ sơ nhấp nháy, ảnh chưa xóa, lịch sử trò chuyện vẫn còn ... một ngày nào đó trong tương lai, ai đó sẽ tìm kiếm điều này, và một hình ảnh sống động và toàn diện về người quá cố sẽ bị tiết lộ.
Thế giới ảo gần như đã thay đổi cách con người nhìn nhận cái chết và thể hiện nỗi nhớ ở một mức độ nhất định.
Nhà xã hội học Tony Walter giải thích rằng trong các nền văn hóa Đông Á và Nam Á, nhiều người tin rằng người chết vẫn tồn tại ở một cõi tâm linh nào đó, và họ vẫn cần chúng ta chăm sóc họ theo cách của họ. Sự tồn tại của mạng ảo đáp ứng rất tốt tâm lý này.
Thời đại kỹ thuật số đã tạo ra một thế giới khác, và thông tin dường như khiến con người sống mãi với thời gian. Nhưng tương ứng với điều này, thông tin tiêu tan đồng nghĩa với một cái chết khác.
Một người phỏng vấn bày tỏ sự lo sợ về sự biến mất của những dữ liệu này: "Đối với một số người, những thứ này có vẻ không đáng giá, nhưng với tôi đây là tất cả, là thứ cuối cùng tôi có liên quan đến anh ấy. Nếu tôi mất những tư liệu này, chẳng khác nào mất anh ấy một lần nữa".
"Bạn gần như có thể cảm thấy bàn tay của họ đang tuột khỏi tay bạn, và họ lại rời bỏ bạn một lần nữa".
Theo QQ