Hơn nữa, từ nay cũng chỉ có 3 cơ quan gồm Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ mới có quyền ban hành các quy định về điều kiện kinh doanh. Doanh nghiệp coi điều này như là được cởi trói, có điều kiện kinh doanh thông thoáng hơn, tạo thêm nhiều công ăn, việc làm cho người lao động.
“Giấy phép con” hết thời hoành hành?
Bà Nguyễn Minh Thảo - Phó Trưởng ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) - đưa ra con số giật mình: Trong số 267 ngành nghề kinh doanh có điều kiện, có 98 ngành nghề yêu cầu phải có giấy phép kinh doanh, giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh; 69 loại ngành nghề cần có chứng chỉ hoặc thẻ hành nghề; 31 ngành nghề yêu cầu vốn pháp định, tiền ký quỹ. Tương ứng là 6.475 điều kiện kinh doanh thuộc các cấp độ khác nhau, trong đó 3.299 điều kiện hiện đang quy định tại 170 thông tư, quyết định của các bộ. “Với rất nhiều điều kiện kinh doanh như vậy, liệu có làm thui chột hàng nghìn ý định kinh doanh?” - bà Thảo đặt câu hỏi.
Trên thực tế, đi kèm với các loại “giấy phép con” là rất nhiều điều kiện khắt khe đối với DN trở thành miếng đất màu mỡ để gây phiền hà cho doanh nghiệp, kiếm thêm thu nhập cho một số bộ, ngành. Đơn cử như các điều kiện kinh doanh thiếu hợp lý, không cần thiết như giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh; văn bản công nhận, xác nhận đủ điều kiện...; các điều kiện áp đặt về phương thức kinh doanh, mức trần sản lượng sản xuất... mà về hình thức không khác gì “giấy phép của giấy phép”. Ngoài ra là rất nhiều các quy định không rõ ràng, muốn hiểu sao cũng được gây khó khăn, phiền hà cho DN, hay vì nhiều lý do khác như hạn chế kinh doanh để bảo hộ cho một số ngành, hoặc chỉ đơn thuần là do khó quản lý nên phải cấm...
Doanh nghiệp lạc quan
Ông Nguyễn Văn Cần - Trưởng phòng Nghiên cứu và Phát triển, Cty TNHH MTV TCty 28 (TPHCM) - cho rằng, Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư mới thực sự đi vào cuộc sống sẽ tạo cú hích cho DN phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) và thu hút được làn sóng đầu tư cả trong và ngoài nước. Theo ông Cần, khi điều kiện đầu tư, kinh doanh rõ ràng và được quy định cụ thể trong Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư, tức không còn những loại văn bản hành chính hay “giấy phép con” ngăn cản, các DN sẽ chủ động được thời gian, giảm chi phí ẩn… Khi đó, chắc chắn hiệu quả SXKD sẽ cao, lợi nhuận tăng. DN tăng lợi nhuận, NLĐ cũng được hưởng lợi, lương thưởng của họ sẽ ổn định, tăng cao hơn hiện nay.
Cùng quan điểm với ông Cần, ông Đỗ Hà Nam - TGĐ Cty CP Tập đoàn Intimex - cho biết, khi DN không còn phải chi phí tiền bạc hay mất nhiều thời gian cho những loại giấy tờ “hành là chính”, sẽ chuyên tâm hơn trong việc mở rộng SXKD để tăng lợi nhuận. Lợi nhuận của DN tăng, họ sẽ nộp thuế cho Nhà nước cao hơn. Lương thưởng của NLĐ cũng sẽ tăng theo lợi nhuận của DN và khi đời sống NLĐ ổn định họ sẽ gắn bó hơn với DN. Tuy nhiên, ông Nam cũng cảnh báo, khi xóa bỏ một loạt các loại văn bản, giấy phép trong cùng một thời điểm cũng sẽ có mặt trái của nó. Bởi lẽ, các cơ quan quản lý của Nhà nước ban hành ra các loại văn bản, “giấy phép con” nhằm mục đích ngăn chặn những hành vi gian lận của một số DN làm ăn không đúng chức năng hay nói cách khác là lợi dụng kẽ hở của luật pháp để trục lợi hay lừa đảo các DN khác. Vì vậy, khi bỏ các “giấy phép con”, các cơ quan chức năng cần phải có những biện pháp chế tài và quyết liệt hơn trong việc ngăn chặn những hành vi vi phạm pháp luật của các DN làm ăn chộp giật.
Kêu trời vì giấy phép con
Thực tế hiện nay các doanh nghiệp chỉ biết “kêu trời” vì càng “đẻ” ra nhiều giấy phép con, doanh nghiệp càng tốn chi phí ẩn để chạy nếu không muốn giấy phép cứ ỳ ạch mãi không được duyệt. Chị H có căn hộ tại khu chung cư cao cấp cho người nước ngoài thuê. Nếu theo đúng quy định rườm rà như hiện nay, chủ nhà phải thực hiện đủ các thủ tục như đăng ký mã số thuế, làm giấy chứng nhận phòng cháy chữa cháy (PCCC)… Khi chị H thắc mắc, căn hộ của chị nằm trong tổng thể khu chung cư, vì vậy phương án PCCC là của chung tòa nhà nên việc này có thể đòi hỏi chủ đầu tư, sao lại yêu cầu cư dân chịu, đại diện công an PCCC phụ trách địa bàn chỉ giải thích chung chung rằng: “Việc nó cứ phải như vậy, chị ạ!”.
Tương tự đối với việc kinh doanh khách sạn, được coi là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, chủ DN phải có một loạt giấy phép con như giấy phép đăng ký kinh doanh, giấy phép an ninh trật tự, giấy chứng nhận PCCC, giấy chứng nhận VSATTP... tốn kém cả tiền bạc lẫn công sức. Đã từng xảy ra trường hợp “dở khóc, dở cười” khi chị M - một nhà đầu tư làm thủ tục mua lại một khách sạn. Khách sạn vẫn giữ nguyên hiện trạng, vẫn cùng Cty quản lý, chỉ thay mỗi tên Giám đốc Cty. Thế nhưng chị M phải làm lại toàn bộ các giấy phép con. “Chi phí ẩn vụ này là 4.000USD” - chị M cho biết.
Thủ tướng Chính phủ: Loại bỏ hết những thủ tục không phù hợp
Tại phiên họp Chính phủ tháng 6.2015, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chưa hài lòng khi mới có hơn 20 bộ, ngành, địa phương có kế hoạch triển khai Nghị quyết số 19/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Với một số bộ, ngành, địa phương chưa có kế hoạch hành động đối với Nghị quyết 19, Thủ tướng nhấn mạnh, tập trung sức chỉ đạo để cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao cạnh tranh quốc gia. Đầu tiên là rà soát, loại bỏ những thủ tục không phù hợp; đề cao trách nhiệm không chỉ quy định trên giấy. “Đưa ngay CNTT vào quản lý, đề cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, nhất là người đứng đầu, có kế hoạch, lộ trình cụ thể. Trong hoạt động điều hành vấn đề gì còn hạn chế, yếu kém cần tập trung làm rõ, không nói chung chung mà phải khắc phục cho được” - Thủ tướng chỉ đạo.
Theo Lao động