Vì sao ngay chiều 1/5/1975, trong cơn lốc bộn bề công việc của một phóng viên giữa Sài Gòn vừa được giải phóng tức thì, ông lại đánh đi bức điện đó?
Mọi sự thật đơn giản và không có gì là “to tát” cả. Khởi đầu chính là từ chiếc Honda 90 phân khối. Thời điểm đó, trước ngày tiến về Sài Gòn, có một tình huống xảy ra là ô tô của TTXGP quá ít, tôi và phóng viên ảnh Văn Bảo được cử đi trong đoàn do Tổng biên tập VNTTX Đào Tùng dẫn đầu, cùng nhiều cán bộ, phóng viên khác của TTXGP không còn chỗ sắp xếp trên xe. Hai xe u - oát đi từ Hà Nội, 1 chiếc bị hỏng không phụ tùng thay thế phải nằm lại Đức Lập, chiếc còn lại phải trực ở căn cứ để phục vụ Tổng biên tập Đào Tùng. Đi suốt từ Hà Nội vào đây, không lẽ giờ phút lịch sử giải phóng Sài Gòn lại phải nằm lại trên rừng Tây Ninh.
Ngay thời điểm khó khăn ấy, vừa nghe tôi và Văn Bảo báo cáo, Tổng biên tập Đào Tùng đã lập tức đưa ra một quyết định hết sức bất ngờ. Ông nói, đại ý, Mai Hạnh và Văn Bảo đều đi được xe máy, Văn Bảo thì lái được cả ô tô. Tôi sẽ viết giấy bảo lãnh mượn tiền của Trung ương cục miền Nam và các anh TTXGP sẽ sang Campuchia mua cho hai cậu 1 chiếc honda để tiến về Sài Gòn. Ông nói vậy và hành động tức thì.
Sáng sớm 29/4/1975, ông tiễn tôi và Văn Bảo ra tận cửa rừng Lò Gò (Tây Ninh) để cùng đoàn TTXGP tiến về Sài Gòn. Phút chia tay ông chụp với hai chúng tôi một bức ảnh và dặn dò: "Mai Hạnh và Văn Bảo phải bằng mọi cách tới dinh Độc Lập nhanh nhất, có bài và ảnh sớm nhất về giờ phút lịch sử. Gửi được bài và ảnh về Tổng xã rồi, các cậu tìm ngay địa điểm làm trụ sở Phân xã VNTTX tại Sài Gòn, xin xe ô tô làm phương tiện hoạt động của phân xã".
Bức điện tôi đánh đi tại Sài Gòn chiều 1/5/1975 là để báo cáo với Tổng Biên tập Đào Tùng về việc thực hiện nhiệm vụ ông giao.
Ông có thể nói rõ hơn về thời điểm đánh bức điện đó?
Bài tường thuật tôi viết và cuộn phim Văn Bảo chụp về những giờ phút lịch sử diễn ra tại dinh Độc Lập trưa 30/4/1975 đã được chuyển về căn cứ TTXGP trên rừng Tây Ninh và Tổng xã ở Hà Nội ngay chiều tối hôm ấy. Sáng 1/5, trong lúc tôi xin “Giấy công tác đặc biệt” của Ủy ban Quân quản TP Sài Gòn - Gia Định, thì anh Văn Bảo đã kiếm được địa điểm làm trụ sở cho Phân xã Việt Nam Thông tấn xã tại Sài Gòn. Anh cắm cờ Mặt trận vào cổng ngôi nhà đó và kiếm miếng bìa treo lên với dòng chữ viết tay tô đi tô lại rất đậm của anh: “Cơ quan Việt Nam Thông tấn xã tại Sài Gòn”.
Nhờ biết lái ô tô, anh Văn Bảo đánh mấy chiếc ô tô cực xịn vứt bỏ quanh khu vực dinh Độc Lập, trong đó có chiếc xe Zeep mới tinh, màu trắng chuyên làm nhiệm vụ hộ tống Tổng thống Việt Nam Cộng hòa (chính quyền Nguyễn Văn Thiệu) về ngôi biệt thự mà anh vừa kiếm được và nhanh chóng “tuyên bố chủ quyền”. Cũng tại đây, chiều 1/5/1975, tôi đã gửi một bức điện về căn cứ TTXGP trên rừng Tây Ninh báo cáo công việc với Tổng Biên tập Đào Tùng.
Mới 32 tuổi ông đã chứng kiến và viết bài tường thuật đầu tiên về giờ phút lịch sử trưa 30/4/1975 ở dinh Độc Lập, ngay sáng hôm sau đã nghĩ tới việc xin “Giấy công tác đặc biệt” của Ủy ban Quân quản, rồi kiếm trụ sở và ngay chiều 1/5/1975 đã điện đi từ Sài Gòn bức điện cũng rất đặc biệt. Ông có còn lưu và có thể cho biết nội dung bức điện đó?
Bức điện này, anh Phạm Vỵ, cán bộ Phòng thư ký Bộ biên tập Việt Nam Thông tấn xã cùng đi trong đoàn được anh Đào Tùng giao đã lưu giữ suốt 31 năm, và trao lại cho tôi đúng sáng 30/4/2006, tại cuộc gặp mặt cán bộ, phóng viên TTXVN từng tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử do ông Đỗ Phượng, nguyên Tổng Giám đốc TTXVN chủ trì. Bức điện do điện báo viên TTXGP nhận trên căn cứ Tây Ninh, viết tay trên giấy đã ố vàng. Tờ giấy lưu dấu bút tích điện báo viên trong bức điện ngày ấy, mặt ngoài ghi hai chữ “Hỏa tốc”. Mặt trong là nội dung bức điện, kèm theo dòng ghi chú dưới bức điện như sau:
“Hỏa Tốc. Kg Anh Hai Đào.
Nhận lúc 16 giờ, 1/5. Đã gọi điện ngay sang B22 để b/c điện này song không liên lạc được” (Anh Hai Đào tức anh Đào Tùng, theo cách gọi thân mật, gần gũi của các anh, chị TTXGP ngày ấy - TMH).
Nội dung bức điện như sau:
“Điện anh Hai Đào Tùng. Báo cáo anh đã tìm được trụ sở ở 126 Phan Đình Phùng và xin được 3 xe ô tô. Đề nghị anh cho anh Phạm Vỵ (thư ký) và các anh Vĩnh, Sửu (lái xe) xuống ngay, sớm giờ nào hay giờ ấy. Cánh Lâm Hồng Long, Hứa Kiểm... về ở cả đây nên sinh hoạt, kinh phí có nhiều khó khăn. Đề nghị anh cho chỉ thị gấp. Nếu anh không xuống được trong 1, 2 ngày tới thì xin anh có thư trao đổi với anh Năm Xuân. Sài Gòn 1/5/75. Mai Hạnh.
Mấy hôm sau từ căn cứ Tây Ninh xuống Sài Gòn, thấy căn biệt thự 126 Phan Đình Phùng đẹp nhưng diện tích còn khiêm tốn so với những “dự tính tương lai” của hoạt động nghiệp vụ đối nội và cả đối ngoại của Phân xã VNTTX tại Sài Gòn, nên ông Đào Tùng và ông Trần Thanh Xuân, Giám đốc TTXGP lúc đó quyết định chọn biệt thự khác rộng rãi, khang trang và đẹp hơn tại 155 Hiền Vương, nay là 155 Võ Thị Sáu. Còn chiếc xe Zeep thì liên quan đến ngày trở về Tổng xã Hà Nội của tôi.
Chỉ hơn 1 tháng, ngày 6/6/1975 tôi đã tạm biệt Sài Gòn về Hà Nội.
Phân xã Việt Nam Thông tấn xã tại Sài Gòn được thành lập ngay sau ngày giải phóng. Anh Phạm Vỵ cùng đi trong đoàn anh Đào Tùng với tôi được cử làm Trưởng phân xã. Tôi và Trần Mai Hưởng, em ruột, cùng là phóng viên Việt Nam Thông tấn xã, cùng tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh, cùng có mặt tại dinh Độc Lập trưa 30/4/1975 nên Bộ biên tập quyết định Trần Mai Hưởng khi đó mới 24 tuổi, chưa lập gia đình, ở lại làm phóng viên Phân xã VNTTX tại Sài Gòn, còn tôi ra nhận nhiệm vụ mới ở Tổng xã Hà Nội.
Ông trở ra Hà Nội bằng đường không hay đường bộ? Chuyến đi có gì đáng nhớ?
Không, tôi trở ra bằng đường biển, trên tàu Đồng Nai, và đó là chuyến tàu biển đầu tiên chạy từ cảng Sài Gòn ra cảng Hải Phòng. Sở dĩ ra đường biển vì khi đó Tổng biên tập Đào Tùng muốn mang chiếc xe Zeep màu trắng, mới tinh của phủ “Tổng thống” ngụy mà anh Văn Bảo thu được về Hà Nội vừa để phục vụ cơ quan vừa lưu lại một kỷ vật đáng nhớ của chiến dịch lịch sử này.
Mọi thủ tục an ninh và hải quan tại Thương cảng Sài Gòn đã hoàn tất, chỉ còn chờ bốc xếp chiếc xe Zeep xuống tàu thì phút cuối có lệnh để chiếc xe Zeep đó lại. Vì vậy, văn bản cuối cùng xác nhận những thiết bị, phương tiện tôi được phép mang theo do Phó Chánh Văn phòng Ủy ban Quân quản thành phố Sài Gòn - Gia Định Phạm Kim Thảo ký ngày 30/5/1975, chiếc xe Zeep lúc đầu được phép mang theo, tới lúc đó bị gạch khỏi danh mục.
Những giấy tờ liên quan ngày ấy đến câu chuyện này, hiện tôi vẫn lưu giữ. Trong bản kê khai hải quan đồ dùng cá nhân của tôi ngày ấy ghi rõ và chi tiết đến mức: “1 đài bán dẫn Hitachi, 1 máy ghi âm Sony, 1 máy chữ xách tay Royal, 2 áo trẻ con, 4 quần lót phụ nữ...”. Hồ sơ, tài liệu thu thập được trong chiến dịch đầy chặt một ba lô.
Ông có thể nói thêm về chiếc máy chữ và tài liệu thu thập được trong chiến dịch?
Đó là chiếc máy chữ xách tay xinh xắn còn mới nguyên, hiệu Royal của Mỹ tại Văn phòng Bộ Tổng tham mưu quân đội Sài Gòn tôi đã dùng để đánh máy tin, bài và những tài liệu nguyên bản tuyệt mật về cuộc chiến ta thu được của phía bên kia (phía chính quyền Sài Gòn và phía Hoa Kỳ). Ngày ấy, máy chữ xách tay cực hiếm và là mơ ước của những người làm báo, viết văn. Giấy chứng nhận của Bộ biên tập VNTTX cho phép tôi mang ra Hà Nội và sử dụng chiếc máy chữ Royal, số máy NC 8053843 tôi còn giữ, nhưng máy chữ hiện không còn.
Nguyên do năm 1981, do hàng xóm bất cẩn làm can xăng hơn 20 lít bốc cháy, hỏa hoạn thiêu rụi nhà tôi, đồ đạc cháy sạch, trong đó có rất nhiều tài liệu tôi đã ghi chép, sưu tầm được trong Chiến dịch Hồ Chí Minh và cả bản thảo tôi viết tay bài tường thuật đầu tiên hoàn thành lúc 14 giờ chiều 30/4/1975 phút chốc trở thành tro bụi. Họa vô đơn chí, đúng lúc ấy vợ chồng tôi mất cắp cả 2 chiếc xe đạp, tôi đành bán chiếc máy chữ Royal kỷ vật của mình mà chỉ đủ tiền mua một chiếc xe đạp Thống Nhất...
Theo Lê Sơn (Báo Tin Tức)