Kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, lãng phí:

Bài 3: Mở rộng dân chủ, nâng cao chất lượng giám sát, phản biện xã hội của nhân dân

VietTimes -- Hiện nay, việc kiểm soát quyền lực còn được tiến hành thông qua mở rộng dân chủ, tăng cường giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội. Việc quan trọng này giúp Đảng có thêm kênh thông tin hữu hiệu khắc phục nhanh chóng những thiếu sót, khiếm khuyết trong xây dựng đường lối, trong quản lý quyền lực chính trị, kinh tế và truyền thông.
MTTQ VN tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện dân chủ, giám sát, phản biện xã hội.
MTTQ VN tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện dân chủ, giám sát, phản biện xã hội.

Kiểm soát quyền lực là giải pháp căn cơ ngăn chặn độc quyền, lạm quyền, giảm thiểu nguy cơ tham nhũng cũng đồng nghĩa với đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội trong cơ quan công quyền Nhà nước từ Trung ương tới địa phương, không cho chúng phát tác.

Hiện nay, việc kiểm soát quyền lực còn được tiến hành thông qua mở rộng dân chủ, tăng cường giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) và các tổ chức chính trị-xã hội. Việc quan trọng này giúp Đảng có thêm kênh thông tin hữu hiệu khắc phục nhanh chóng những thiếu sót, khiếm khuyết trong xây dựng đường lối, trong quản lý quyền lực chính trị, kinh tế và truyền thông.

Kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, lãng phí luôn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Đảng và nhà nước ta.
Kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, lãng phí luôn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Đảng và nhà nước ta.

Giám sát, phản biện xã hội là nhiệm vụ quan trọng của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội đã được quy định cụ thể trong nhiều văn bản của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Điều 9, Hiến pháp năm 2013 khẳng định: “... MTTQ Việt Nam là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội; giám sát, phản biện xã hội; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, hoạt động đối ngoại nhân dân góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

Theo thống kê trong báo cáo trình bày tại Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XIV, kể từ sau Kỳ họp thứ sáu đến thời điểm Quốc hội họp kỳ thứ bảy, đã có 3.518 ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước gửi đến thông qua các Đoàn đại biểu Quốc hội và hệ thống MTTQ Việt Nam các cấp, các tổ chức thành viên. Trong số hơn 3.500 ý kiến gửi đến Quốc hội, ngoài những ý kiến bày tỏ vui mừng, phấn khởi trước những kết quả toàn diện về kinh tế - xã hội của đất nước năm 2018 và những tháng đầu năm 2019 thì cử tri, nhân dân cũng đề xuất, kiến nghị những vấn đề bức xúc.

Nguyễn Thanh Hóa (trái) và Phan Văn Vĩnh là những quan chức thái hóa, biến chất tiếp tay cho giới tội phạm làm tổn hại đến thanh danh của ngành công an.
Nguyễn Thanh Hóa (trái) và Phan Văn Vĩnh là những quan chức thái hóa, biến chất tiếp tay cho giới tội phạm làm tổn hại đến thanh danh của ngành công an.

Nổi bật là việc điều chỉnh giá điện, giá xăng, gian lận thi cử, thu thuế tiêu thụ đặc biệt với các loại tài sản... đã ảnh hưởng ít nhiều đến cuộc sống của người dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh. Cử tri và nhân dân cũng bức xúc về tình hình khiếu nại, tố cáo, xử lý tham nhũng, lãng phí ở các địa phương chậm được giải quyết.

Việc thực hiện giám sát kết luận thanh tra năm 2017 của MTTQ Việt Nam đã giúp hoạt động quản lý nhà nước công khai, minh bạch hơn. Đã có 824 công trình xây dựng phúc lợi xã hội được giám sát; có 1.802 vụ việc cụ thể trong thực hiện Pháp lệnh dân chủ cơ sở, 138 vụ việc xử lý sai sót của cơ quan, đơn vị được giám sát, kiến nghị xử lý.

Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, hoạt động giám sát, phản biện xã hội của MTTQ và các tổ chức chính trị-xã hội ở nước ta vẫn còn hình thức, chưa đi vào thực chất. Nguyên nhân được xác định là do công tác tổ chức còn cồng kềnh, sự phối hợp rất phức tạp và phải tổ chức nhiều cuộc họp dẫn đến mất thời gian.

Bằng chứng là, trong khi Trung ương liên tục phát hiện ra các vụ việc tham nhũng, tiêu cực thì phần lớn các tỉnh, thành phố lại không phát hiện được, mặc dù tốc độ phát triển kinh tế-xã hội và giá trị tổng thu nhập hằng năm không cao và vẫn tồn tại nhiều biểu hiện của các hiện tượng tiêu cực.

Điều này đã cho thấy, vai trò giám sát và phản biện xã hội ở các tỉnh, thành phố còn nhiều hạn chế. Thực tế cho thấy chỉ những việc liên quan trực tiếp đến quyền lợi, nghĩa vụ thì người dân mới có ý kiến còn những việc không liên quan thì rất hiếm thấy có sự giám sát kỹ. Trong khi đó, các chủ trương, chính sách thông qua các dự án, đề án của Quốc hội, Chính phủ không hẳn lúc nào cũng liên quan trực tiếp đến số đông người dân. Đây chính là “lỗ hổng” mà công tác giám sát, phản biện xã hội chưa thể với tới.

Để tăng hiệu lực của công tác giám sát và phản biện xã hội, vấn đề cần nhất hiện nay là phải tổ chức lực lượng tiến hành có tính độc lập hơn, được tập huấn chuyên môn, phương pháp sâu hơn. Các cơ quan, đơn vị, địa phương cần tích cực mở rộng dân chủ, tăng cường đưa thông tin đến người dân một cách chính xác, khách quan, để thông qua đó người dân chủ động bàn, làm và kiểm tra được chặt chẽ.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với các đại biểu Công đoàn Quân đội xuất sắc
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với các đại biểu Công đoàn Quân đội xuất sắc

Có thực tế là, việc xây dựng các quy chế chế dân chủ cơ sở ở cơ quan, đơn vị, địa phương còn nhiều hạn chế. Nhiều nơi chỉ xây dựng quy chế dân chủ để báo cáo cho có thủ tục mà ít tổ chức vận hành và thực hiện theo quy chế đúng với quy định của Đảng. Việc này cũng phần nào gây khó khăn cho công tác giám sát của MTTQ và các tổ chức chính trị-xã hội.

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dạy, dân chủ được hiểu là mọi quyền lực nhà nước đều thuộc về nhân dân, xuất phát từ nhân dân. Quyền lực của Nhà nước là do nhân dân ủy thác, giao phó: “Nhân dân là ông chủ nắm chính quyền. Nhân dân bầu ra đại biểu thay mặt mình thi hành chính quyền ấy”(1) và Người cũng nhấn mạnh: “Muốn cho dân yêu, muốn được lòng dân, việc gì có lợi cho dân ta phải hết sức làm, việc gì hại cho dân phải hết sức tránh”(2). Vì vậy, các hoạt động của Nhà nước phải xuất phát từ lợi ích và nguyện vọng của nhân dân, không được đặc quyền, đặc lợi dù dưới bất ỳ hình thức nào.  

Hiện nay, cơ bản các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước được tiến hành từ trên xuống dưới, từ cấp Trung ương rồi mới đến địa phương và tới nhân dân. Việc này có ưu điểm chính là triển khai được thống nhất và dễ dàng trong công tác quản lý, kiểm tra, sơ kết, tổng kết và điều chỉnh. Tuy nhiên, dưới sự tác động mạnh của kinh tế thị trường và sự chưa hoàn thiện của hệ thống pháp luật cùng với vấn nạn “giấy phép con” nên các chủ trương, chính sách ấy khi đến được với người dân thì còn chậm và cũng rơi vãi đi ít nhiều, nhất là về kinh phí.

Những khuất tất, rơi vãi kinh phí ấy mà MTTQ các địa phương, các đoàn thể chính trị-xã hội không giám sát được đã làm cho ý nghĩa thiết thực của các đề án, dự án giảm đi. Thế nên, để công tác giám sát của MTTQ và các đoàn thể chính trị-xã hội hiệu quả, vấn đề quan trọng nhất là cần bám chắc vào tiến độ trong kế hoạch triển khai của các cơ quan, đơn vị, địa phương. Nếu làm tốt việc này không những giúp ngăn ngừa tình trạng tham nhũng mà còn giúp cơ quan, đơn vị, chính quyền địa phương có cơ hội và thời cơ để nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý của cán bộ cùng hiệu quả làm việc của công chức, viên chức.

Một dự án liên quan đến Phan Văn Anh Vũ (Vũ “nhôm”) tại khu đất “vàng” đang được thành phố Đà Nẵng chủ trương thu hồi.
Một dự án liên quan đến Phan Văn Anh Vũ (Vũ “nhôm”) tại khu đất “vàng” đang được thành phố Đà Nẵng chủ trương thu hồi.

Để phát huy quyền làm chủ của nhân dân, để tăng hiệu quả của công tác giám sát và đặc biệt là không gây mất thời gian, công sức tổ chức hiệp đông, nhiều chuyên gia đã đề xuất phương án giao cho người dân tự tổ chức và thực hiện các dự án liên quan đến quyền, lợi ích của họ. Người dân sẽ tự bàn bạc, thống nhất phương án, kế hoạch thực hiện và trực tiếp giám sát kế hoạch ấy.

Các cơ quan công quyền, tổ chức liên quan có trách nhiệm theo dõi, kiểm tra, đôn đốc và bổ sung thiếu khuyết để hoàn thiện hơn các công việc. Để không cho tham nhũng có đất sống, không thể bám vào các dự án, đề án mà tồn tại thì cũng nên giao cho người dân quản lý về kinh phí. Khi người dân có lợi, khi họ được làm chu đầu tư thì chắc chắn tiêu cực sẽ xuống mức thấp nhất và hiệu quả từ dự án, đề án sẽ phát huy, thiết thực phục vụ lợi ích chính đáng của người dân.

Một trong những giải pháp quan trọng cần thực hiện ngay trong thời gian tới là thực hiện ngày càng tốt hơn Luật Trưng cầu ý dân năm 2015. Bởi trên thực tế, tuy luật đã được ban hành nhưng do các điều kiện chủ quan và khách quan khác nhau nên việc tổ chức thực hiện chưa được quan tâm đúng mức, hiệu quả chưa cao. Do vậy, cần tiếp tục hoàn thiện, tuyên truyền, phổ biến và triển khai Luật trưng cầu dân ý trong thực tế.

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định:“Đối với những kẻ ngoan cố không chịu sửa đổi thì chính quyền phải dùng phép luật. Phép luật là phép luật của nhân dân, dùng để ngăn cản những hành động có hại cho nhân dân, để bảo vệ lợi ích chung của đại đa số nhân dân”(3). Thế nên, phát huy sức dân, trí tuệ của nhân dân thông qua MTTQ và các đoàn thể chính trị-xã hội vào trong kiểm soát quyền lực là kế sách lâu bền nhất, ngăn chặn triệt để hiện tượng lạm quyền và tham nhũng, lãng phí đang khá nhiêu khê và phức tạp trong xã hội chúng ta hiện nay. 

Chú giải:

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.12, Nxb Chính trịquốc gia, Hà Nội, 2012, tr.263.

(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.4, Nxb Chính trịquốc gia, Hà Nội, 2012, tr.51.

(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.9, Nxb Chính trịquốc gia, Hà Nội, 2012, tr.259.