Nghiện internet ở giới trẻ - vấn đề sức khoẻ tâm thần

Bài 3: Các chuyên gia chỉ cách đưa người nghiện internet thoát khỏi “cơn mê”

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Khi phát hiện con nghiện internet, vấn đề không phải là các phụ huynh lo lắng hay phó mặc, mà cần tìm cách để đưa con mình trở lại cuộc sống bình thường, tiếp tục mở cánh cửa tương lai cho con trẻ.

Các bác sĩ của Viện Sức Khỏe Tâm thần đưa các thông tin mới nhất về tình trạng nghiện internet và những giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn
Các bác sĩ của Viện Sức Khỏe Tâm thần đưa các thông tin mới nhất về tình trạng nghiện internet và những giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn

Theo TS. Lê Thị Thu Hà – Trưởng phòng M7 Viện Sức Khỏe Tâm thần Bệnh viện Bạch Mai - trong số các bệnh nhân điều trị nội trú ở Viện Sức khoẻ Tâm thần ở độ tuổi 10-24, chiếm tới 43% là do nghiện game.

Trao đổi với VietTimes, TS. Lê Thị Thu Hà cho biết: Giai đoạn dịch, hầu hết trẻ em học online, nên phụ huynh buộc phải giao máy tính cho con. Vì thế, việc sử dụng máy tính, điện thoại nhiều, thời gian sử dụng internet tăng cao, nên tỉ lệ nghiện internet đều tăng sau dịch COVID-19.

Hiện nay, nhiều nơi, nhà trường giao bài qua mạng xã hội, trong khi phụ huynh còn phải đi làm, không thể kiểm soát sát sao việc trẻ lạm dụng thời gian sử dụng máy tính, nên rất lo lắng việc con chơi game nhiều hơn học.

Thực tế, các bệnh nhân đến Viện Sức Khỏe Tâm thần khám và điều trị, đều là sử dụng máy tính không cho mục đích học tập.

VT_ TS Hà.JPG

“Cần quản lý thời gian sử dụng internet của trẻ: Với ngày nghỉ không quá 2 tiếng/ngày còn ngày thường không quá 1 tiếng. Với thanh niên, thời gian tiêu chuẩn sử dụng internet là 3 tiếng/ngày, còn sử dụng trên 3 tiếng mục đích không rõ ràng là có vấn đề bệnh lý” - TS. Hà lưu ý.

BSCK2. Bùi Nguyễn Hồng Bảo Ngọc - Phó trưởng Phòng sử dụng chất và y học hành vi Viện Sức khoẻ tâm thần - cũng tư vấn: Việc sử dụng Internet mang lại nhiều lợi ích cho mọi người, cho cả học sinh trong học tập, nhưng phải kiểm soát, khống chế thời gian sử dụng. Nếu không thể kiểm soát 24/24h thì phải hạn chế các kênh/trang mà con hay truy cập. Gia đình cũng cần liên hệ với nhà trường để biết được thời gian học tập online, đề nghị nhà trường có tin nhắn thông báo cho phụ huynh cùng nội dung học tập để gia đình kiểm soát.

VT_BS Ngoc.JPG
BSCK2. Bùi Nguyễn Hồng Bảo Ngọc

Các bác sĩ đều lưu ý nguy cơ tái nghiện internet vì tỉ lệ tái phát khá cao, khi internet có độ kích thích hứng thú cho giới trẻ. Khi tái nghiện, thì có tác động đến não bộ như người sử dụng chất. Vì thế, sau khi điều trị, cần có sự kết hợp giữa bác sĩ trị liệu và gia đình, nhưng đây là vấn đề còn hạn chế.

TS. Lê Thị Thu Hà nhấn mạnh: Việc quan trọng nhất là biện pháp tâm lý, nhưng ở Việt Nam vấn đề này chưa được coi trọng, nên gia đình không kiên trì để đủ thời gian giúp đỡ bệnh nhân thoát khỏi nghiện internet, nên dẫn dễ đến tái phát, như ca bệnh BS. Nguyễn Thành Long đã trao đổi ở bài 1. Bệnh nhân tiếp tục sử dụng khi có tiền và thời gian.

Trực tiếp điều trị nhiều bệnh nhân trẻ nghiện Internet, Ths. Nguyễn Thành Long cũng khuyến cáo các phụ huynh: Không nên để bệnh nhân sử dụng quá nhiều, tới 11-12h/ngày, mới đưa đến bệnh viện. Khi thấy con sử dụng internet 4h/ngày không cho mục đích học tập, công việc, là cha mẹ cần nghĩ đến có vấn đề về rối loạn tâm thần, vì sử dụng 4h/ngày đã ảnh hưởng rất nhiều đến các mối quan hệ gia đình, xã hội, công việc. Do đó, cần giám sát thời gian sử dụng cũng như mục đích sử dụng interntet.

V T_ Longjpg.jpg
Ths. Nguyễn Thành Long

“Để điều trị nghiện internet, cần tạo môi trường tâm lý tốt nhất với sự hỗ trợ của gia đình và cộng đồng xung quanh. Phải chú trọng cho các bệnh nhân, đặc biệt là trẻ vị thành niên, tham gia các hoạt động thể thao, vui chơi, giải trí, tương tác xã hội để phòng rối loạn sức khoẻ tâm thần” - Ths. Long chia sẻ.

PGS.TS Bùi Quang Huy - Chủ nhiệm Khoa Tâm thần Bệnh viện Quân y 103 - cũng chia sẻ các liệu pháp tâm lý - xã hội trong điều trị nghiện game online:

Nên ngắt hoàn toàn kết nối internet ở nơi người nghiện Internet sống để họ không có điều kiện tái nghiện.

Nếu người nghiện làm việc tại những nơi có tiếp xúc với máy vi tính có kết nối internet, họ sẽ phải chuyển làm việc khác, thậm chí phải bỏ nghề để đảm bảo nguyên tắc không tiếp cận với internet. Đây là quyết định khó khăn bởi với nhiều người họ phải từ bỏ một công việc tốt. Nhưng thực tế, trong thời gian nghiện game, người nghiện cũng không thể làm được gì với công việc của mình.

Người nghiện game phải bắt buộc thực hiện các hoạt động thể thao như đi bộ, đạp xe, chơi cầu lông, đá bóng và bơi lội; các hoạt động văn hoá nghệ thuật; tham quan, hoạt động ngoại để tăng cơ hội giao tiếp với xung quanh, quên đi cảm giác thèm chơi game và tăng khả năng hòa nhập với cuộc sống thực tại. Sẽ rất tốt nếu người nghiện game tìm hiểu các thông tin về bệnh của mình.

Cũng theo PGS.TS Bùi Quang Huy, người nghiện game có thể tham gia vào liệu pháp tâm lý nhận thức-hành vi, tham gia các nhóm trao đổi thông tin về cách thức vượt qua cảm giác thèm chơi game với những người khác.