Ung thư không phải là “ án tử”

Bài 2: Bí ẩn phụ nữ miền Nam bị ung thư cổ tử cung nhiều hơn miền Bắc?

VietTimes  – Mỗi ngày, có tới 7 phụ nữ tử vong vì ung thư cổ tử cung (CTC). Mỗi năm, có thêm hơn trên 5.100 người mắc và khoảng 2.500 trường hợp tử vong vì bệnh này. Cứ 100.000 phụ nữ thì có 20 trường hợp mắc ung thư CTC, trong đó, 11 người chết. Đây là thực trạng rất đáng lo về bệnh ung thư CTC ở phụ nữ Việt Nam.
Tư vấn về ung thư cổ tử cung cho bệnh nhân
Tư vấn về ung thư cổ tử cung cho bệnh nhân

Có thể tăng 25% số người mắc và chết

 Mới đây, một bé gái mới 14 tuổi ở Bình Dương có kinh nguyệt lần đầu song kéo dài nhiều ngày và ngày càng xanh xao, đau bụng, mệt mỏi nhiều hơn. Khi được đưa đến Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, các bác sĩ phát hiện em bị ung thư CTC giai đoạn cuối. Mặc dù được phẫu thuật cấp cứu, nhưng do bệnh phát hiện quá muộn nên ca mổ thất bại.

Theo Bộ Y tế, ung thư CTC là bệnh ác tính, thường gặp từ độ tuổi 30 trở đi. Ở Việt Nam, ung thư CTC là nguyên nhân chính gây tử vong do ung thư và là loại ung thư phổ biến thứ 4 ở phụ nữ, phổ biến thứ 2 ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản.

Ở Hà Nội, tỷ lệ mắc ung thư CTC là 6,5/ 100.000 phụ nữ, trong khi đó  tỷ lệ mắc ở TP. Hồ Chí Minh là 26/100.000 phụ nữ. Tỷ lệ mắc mới ung thư CTC tại Việt Nam chiếm 13,6/100.000 phụ nữ. Con số này đang có xu hướng tăng, đặc biệt tại Cần Thơ vv…

Các chuyên gia hiện không thể giải đáp được vì sao số phụ nữ bị ung thư CTC ở miền Nam cao hơn miền Bắc.

Theo đại diện Vụ Sức khỏe Bà mẹ và Trẻ em (Bộ Y tế), tỉ lệ mắc ung thư CTC ở Việt Nam liên quan chặt chẽ với tỉ lệ mắc HPV và tỉ lệ này ở miền Nam cũng cao hơn miền Bắc.

Một nghiên cứu cho thấy, tỉ lệ hiện mắc HPV ở TP. Hồ Chí Minh cao cấp 4-5 lần tại Hà Nội. Các nghiên cứu đều chỉ ra nhiễm HPV liên quan đến lượng bạn tình và quan hệ tình dục sớm. Thế nhưng, mặc dù ở TP. Hồ Chí Minh có nhiều typ HPV hơn Hà Nội, nhưng typ HPV gây nguy cơ ung thư ở Hà Nội lại nhiều hơn TP. Hồ Chí Minh.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho rằng tỷ lệ phụ nữ mắc ung thư CTC cao là do chưa được khám sàng lọc định kỳ và chưa có hệ thống phát hiện sớm ung thư qua các xét nghiệm dễ tiếp cận. Đã vậy, khi được phát hiện các dấu hiệu ung thư CTC, họ cũng không được điều trị kịp thời.

 “Nếu không được sàng lọc, điều trị kịp thời, 10 năm nữa, tỉ lệ mắc mới và chết do ung thư CTC sẽ tăng thêm 25%” - Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến lo ngại.

Phẫu thuật ung thư cổ tử cung tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội
Phẫu thuật ung thư cổ tử cung tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội

Phụ nữ trình độ cao mắc ung thư nhiều hơn

Một nghiên cứu trên hơn 2.200 phụ nữ của BS Phạm Kỳ Sơn - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình – chỉ ra ung thư CTC có liên quan đến trình độ học vấn, nghề nghiệp: Nhóm phụ nữ có trình độ đại học có tỷ lệ có tế bào ung thư, tiền ung thư cao nhất với 11,9%, cao hơn hẳn nhóm phụ nữ có trình độ thấp hơn và mù chữ.

Ngoài ra, những phụ nữ sử dụng thuốc tránh thai có tỷ lệ tế bào tiền ung thư, ung thư CTC cao hơn phụ nữ không dùng thuốc tránh thai (7,29% so với 4,17%). Số phụ nữ có tiền sử mắc bệnh phụ khoa cũng có tế bào tiền ung thư và ung thư CTC cao hơn so với phụ nữ không có tiền sử mắc bệnh phụ khoa. Phụ nữ là công chức, viên chức cũng có tế bào tiền ung thư, ung thư CTC cao hơn nông dân.

 Theo các chuyên gia, các yếu tố nguy cơ của ung thư CTC là hút thuốc lá, quan hệ tình dục với nhiều người, quan hệ tình dục sớm, sử dụng thuốc tránh thai kéo dài và mắc các bệnh  lây qua đường tình dục.

PGS.TS Nguyễn Thị Hoài Đức, nguyên Viện Trưởng Viện Sức khỏe sinh sản và Gia đình, cho biết, kết quả dự án sàng lọc ung thư CTC ở 5 tỉnh, với các phụ nữ từ 30-50 tuổi, cho thấy đa số đều bị viêm đường sinh dục. Tại Thái Bình và Cần Thơ, tỉ lệ phụ nữ bị viêm nhiễm phụ khoa, chủ yếu là viêm âm đạo và viêm cổ tử cung bất thường lên tới trên 70%.

Tỉ lệ sống 100% nếu phát hiện sớm

Ung thư CTC đang là vấn đề nóng, khi đã cướp đi tính mạng của nhiều phụ nữ Việt Nam và là một trong những căn bệnh có tỷ lệ gia tăng hàng đầu ở nước ta. Tuy nhiên, ung thư CTC có thể chữa khỏi hoàn toàn nếu được phát hiện sớm.

Những dấu hiệu ung thư CTC: 

- Chảy máu bất thường sau giao hợp, giữa các kì kinh hoặc sau mãn kinh.

- Âm đạo tăng tiết dịch bất thường, hoặc có mùi khó chịu.

- Đau vùng chậu không liên quan tới kinh nguyệt.

- Đau khi giao hợp.

- Tăng số lần đi tiểu.

- Đau khi đi tiểu.

Theo PGS.TS. Trịnh Hữu Vách - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Sức khỏe, ung thư CTC gây tử vong cao, song nếu phát hiện sớm thì điều trị hiệu quả cao: Phát hiện ở giai đoạn 0 và điều trị thì tỉ lệ sống 5 năm đến 100%. Nếu phát hiện muộn giai đoạn 4 thì điều trị tỉ lệ sống 5 năm chỉ có 5%. Nếu phụ nữ có tầm soát thì mức độ phát triển ung thư là 0,7% và nếu không tầm soát sẽ là 2,5%. Hơn 10 năm không tầm soát thì nguy cơ ung thư CTC tăng 12 lần.

 PGS.TS. Lê Trung Thọ (Đại học Y Hà Nội) cho biết: Một nghịch lý là trong khi ung thư CTC gần như có thể dự phòng được, thì bệnh này là loại ung thư phổ biến nhất mà phụ nữ Việt Nam phải chịu. Tại Mỹ, nhờ chương trình sàng lọc trên diện rộng nên tỉ lệ mắc bệnh đã giảm mạnh. Ở Anh, tỉ lệ mắc ung thư CTC cũng đã giảm nhờ sàng lọc để phát hiện sớm.

Vì thế, PGS.TS. Lê Trung Thọ đề nghị nên triển khai khám phụ khoa, xét nghiệm tế bào CTC cho toàn bộ phụ nữ, ưu tiên cho nhóm tuổi 30-50 để có thể phát hiện sớm và điều trị kịp thời, nhằm giảm tỷ lệ ung thư CTC.

WHO đánh giá ung thư CTC là một vấn đề y tế công cộng toàn cầu và khuyến nghị đưa vaccine HPV vào chương trình tiêm chủng quốc gia.