Đối thoại với học giả Nguyễn Trần Bạt về mô hình đặc khu kinh tế

Bài 1: Lựa chọn mô hình phát triển phù hợp

VietTimes-- Chính sách mở cửa, hội nhập đã đưa Việt Nam từ một quốc gia nghèo nàn, lạc hậu trở thành một trong những nước phát triển nhanh ở khu vực. Tuy nhiên, trong quá trình mở cửa cũng đã cho chúng ta những bài học quý báu về công tác quản lý. Nhân dịp các ĐBQH đang thảo luận về mô hình đặc khu kinh tế, chuyên gia Nguyễn Trần Bạt đã có những chia sẻ, trăn trở hết sức tâm huyết. Bài phỏng vấn được thực hiện bởi nhà báo lão thành Xuân Ba.
Tôi không phải đảng viên, tôi không thiên vị ai, làm khoa học thì phải nhìn vào sự thật.
Tôi không phải đảng viên, tôi không thiên vị ai, làm khoa học thì phải nhìn vào sự thật.

Làm khoa học thì phải nhìn vào sự thật

Anh Bạt ạ thời điểm ta ngồi đây, kỳ họp thứ V Quốc hội khóa XIV  đang bàn thảo những chi tiết cuối để thông qua Luật Đặc khu kinh tế (ĐKKT). Nhiều ý kiến đã coi đó là “cú hích”, là “đột phá” của phát triển.  Cử tri Nguyễn Trần Bạt đang muốn nói gì vậy?

Mới đây, nhân 30-4, tôi với anh đã luận về hòa giải, hòa hợp. Khi nghiên cứu kỹ thì tôi thấy những tâm lý đòi hỏi hòa giải này đến từ phương Tây cùng thái độ hằn học của những người thua trận đối với những người cộng sản. Người ta cho rằng hòa giải tức là những người cộng sản phải lùi trở về sự sụp đổ của Liên Xô...

Họ nhầm lẫn sự sụp đổ của Đảng cộng sản Liên Xô với sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản và cho rằng sau sự sụp đổ của Liên Xô thì những người cộng sản buộc phải hòa giải với phương Tây. Tuyên bố gần đây nhất của Tập Cận Bình về chủ nghĩa Marx cho thấy giới trí thức chúng ta nhầm lẫn do chịu ảnh hưởng của tâm lý chiến phương Tây.

Vấn đề đặc khu kinh tế (ĐKKT) mà anh đặt ra cho tôi hôm nay cũng có dính đến tâm lý ấy. Hiện nay có thể thấy trong xã hội đang rộ lên những cuộc thảo luận về đề tài thay đổi thể chế. Tôi không phải đảng viên, tôi không thiên vị ai, nhưng làm khoa học thì phải nhìn vào sự thật.

TP.HCM luôn là đầu tàu kinh tế cả nước
TP.HCM luôn là đầu tàu kinh tế cả nước 

Đừng để đặc khu thành… đặc quyền của nhóm lợi ích

Xin cử tri Nguyễn Trần Bạt với tư cách công dân, ngoài năng lực tự kiềm chế, với vị thế là học giả, xin anh rành rẽ thêm về vấn đề ĐKKT…

Vâng tôi nói ngay đây.  Một số cựu quan chức và chuyên gia như anh Vũ Khoan, anh Đặng Hùng Võ, chị Phạm Chi Lan… cũng đã có nhiều băn khoăn lo ngại về vấn đề này. Còn tôi thì băn khoăn không biết Quốc hội đang xây dựng dự án kinh tế có tên là “đặc khu’ hay xây dựng một hệ thống luật pháp điều chỉnh những đối tượng được gọi là “đặc khu”?

Luật và dự án kinh tế là hai đối tượng khác nhau. Không thể lẫn lộn. Nếu là luật thì phải có tính khái quát, còn nếu là dự án thì phải phân tích các đặc điểm địa- kinh tế rõ ràng. Nếu như các nhà lập pháp thiếu sự khái quát của người làm nghề và sự chín chắn của người hoạt động chính trị thì không khéo vô tình bị vận động cho những mục tiêu mà các nhóm lợi ích nhắm tới.

Chúng ta không thể coi thường những ý kiến cảnh báo của các chuyên gia và quan chức mà tôi đã nhắc tới. Xung quanh chuyện này, tôi thấy chỉ trừ mấy địa phương liên quan tới dự án, còn những ý kiến khác đều có những băn khoăn, lo ngại. Cách đây hơn 20 năm, khi Đà Nẵng mới trở thành thành phố trực thuộc trung ương, tôi có được lãnh đạo Đà Nẵng chuyển cho tập hồ sơ về đặc khu kinh tế Chu Lai. Đọc xong tôi nói với các anh ấy: “Tôi có cảm giác đây là đề án một trại tập trung, vì các anh xây dựng một biên giới rất cứng xung quanh đặc khu ấy. Khi các anh muốn cho đặc khu một độ tự do bên trong thì lập tức các anh phải nghĩ đến chuyện ngăn chặn ảnh hưởng của nó ra bên ngoài”.

Tôi nghĩ kể cả khi Quốc hội có phê chuẩn Luật ĐKKT, nếu không cẩn thận thì ĐKKT có thể trở thành địa điểm lý tưởng để các nhóm lợi ích dùng làm nơi tập kết những gì mà họ kiếm được từ những khu vực còn lại của đất nước. Cách đây hơn một năm, tôi có viết một bài báo phân tích về ý muốn xây dựng ĐKKT TPHCM (lúc đó ông Đinh La Thăng còn là Bí thư thành phố). Hôm nay, tôi lại nghe có ai đó đặt ra vấn đề muốn đưa đặc khu về Hà Nội và TP HCM. Tôi cho rằng ý tưởng đó là không phù hợp.

Chọn mô hình phát triển phù hợp

Không phù hợp ở lẽ gì vậy?

 Người ta sẵn sàng mở một thành phố, mở một khu để thay thế sự mở cửa quốc gia. Sự mở các khu khác nhau có lẽ phải được xem xét như những bộ phận của cải cách thể chế. Tạo ra một vùng mở ở trong quốc gia có thể được xem như một biện pháp của cải cách. Việc đó có thể những người có trách nhiệm của chúng ta đã nghĩ đến nhưng nói ra thì chắc là chưa. Khuynh hướng tạo ra các đô thị, các vùng mở hay các khu kinh tế mở là một khuynh hướng thay thế việc thực hiện một cuộc cải cách toàn diện và lâu dài, để đáp ứng nhu cầu tạo ra các hành lang, các con đường lưu thông thương mại.

Tự do thương mại là cốt lõi của sự phát triển các quan hệ quốc tế trong giai đoạn hiện nay. Tự do thương mại thể hiện cao nhất trong nội địa là việc xây dựng các thành phố mở. Người Trung Quốc đã mở thành phố Thượng Hải, mở khu phố Đông từ những năm 1980. Từ khi mở khu phố Đông cho đến khi Thượng Hải được xét là thành phố mở mất khoảng 10 năm. Chúng ta chậm hơn họ mất 10 năm.

Dịch vụ cảng biển là một thế mạnh của kinh tế của TP. HCM
Dịch vụ cảng biển là một thế mạnh của kinh tế của TP. HCM

Vậy mà anh không thấy sốt ruột sao ?

-Chúng ta cũng mở ra ở một vài điểm nhưng không có người đến, bởi chúng ta chưa phải là một vùng đất hấp dẫn. Chúng ta nói rất nhiều đến tính hấp dẫn, tiềm năng nhưng không hiểu rằng chúng ta không có một thị trường lao động được đào tạo chuyên nghiệp. Thị trường lao động Việt Nam là một thị trường chưa phát triển, cho nên người ta không thuê được người. Nếu có một thị trường lao động tốt đi nữa thì cũng còn nhiều khó khăn, bởi vì không có những người cai quản tốt.

Bây giờ muốn TPHCM trở thành một thành phố mở thì chúng ta quản lý các thành phố xung quanh nó bằng cách nào hay chúng ta sẽ xây dựng một biên giới cứng ngắc bao vây TPHCM? Và như vậy là khai trừ nó sau khi đã thay đổi các chế độ quản lý thành một thành phố có chất lượng thấp, tức là không thuận lợi cho sự phát triển các quan hệ với các phần còn lại của đất nước.

Chúng ta sẽ thấy ngay mở ra thì nó bộc lộ rất nhiều nhược điểm. Và nữa, liệu TPHCM có cung cấp nổi lực lượng lao động không? Có cung cấp nổi nhân sự cho các chính quyền đã được cải tiến không? Xử lý quan hệ với Đồng bằng Sông Cửu Long như thế nào? Người nông dân sẽ ra phố làm ăn và lúc ấy các canh tác nông nghiệp ở TPHCM như thế nào? Cấu trúc kinh tế và cấu trúc xã hội phía Nam có bị biến dạng không? Chưa có ai đặt ra nghiên cứu và trả lời những câu hỏi như thế.

Nhân anh đang nhắc đến Thượng Hải. Sát nách ta lù lù một ĐKKT Thâm Quyến xôm tụ nhiều năm nay toàn những thành tựu, nó là cái gì vậy thưa anh ?

Thâm Quyến là một cái túi của Hồng Kông, cách Hồng Kông có một dẻo đất cho nên nó hứng được đầu tư của Hồng Kông ở giai đoạn trước đây, không phải bây giờ. TP HCM không giống Thâm Quyến. Báo chí có nhắc đến TP HCM như là Hòn ngọc Viễn Đông. Miền Nam Việt Nam từng là thuộc địa của Pháp cho nên người Pháp tự gọi thành phố của mình là Hòn ngọc Viễn Đông chứ không phải bản thân nó là hòn ngọc Viễn Đông.

Khi người Mỹ chiếm đóng miền Nam Việt Nam, họ tiêu rất nhiều tiền cho nên tất cả các thành phố có quân Mỹ đều khá giả lên một chút về kinh tế, nhưng đấy là năng lực tiêu dùng chứ không phải là phát triển kinh tế. Thời kỳ Mỹ chiếm đóng, Miền Nam chưa phát triển kinh tế mà mới phát triển thương mại tiêu dùng.

Tôi nghĩ chúng ta không nên ám ảnh bởi khái niệm Hòn ngọc Viễn Đông mà cần phải nghiên cứu xem làm thế nào để phát triển TPHCM trong những điều kiện hiện nay và phải cân nhắc các điều kiện phát triển của nó để lựa chọn mô hình phù hợp. Cần thận trọng việc lấy mô hình ĐKKT nào đó để làm "thượng phương bảo kiếm" coi như phép màu để TPHCM thành Hòn ngọc Viễn Đông.