Tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, các đại biểu (ĐB) đã đóng góp ý kiến cho dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), ĐB Nguyễn Thị Mai Thoa - Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương - nhất trí với sự cần thiết, mục tiêu, quan điểm và nội dung chính sách cần được sửa đổi theo Tờ trình của Chính phủ về việc ban hành Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi.
Theo ĐB Thoa, dự án Luật được xây dựng đã đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp trên tinh thần thể chế hoá quan điểm của Đảng và giải quyết các vấn đề phát sinh trong thực tiễn liên quan đến công tác khám bệnh, chữa bệnh.
Về chính sách nâng cao chất lượng của cơ sở khám, chữa bệnh mới được cụ thể hoá trong các điều luật cụ thể với quy định yêu cầu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải có hạ tầng công nghệ thông tin bảo đảm kết nối với hệ thống thông tin về quản lý hoạt động khám bệnh, chữa bệnh do Bộ Y tế tổ chức, quản lý và quy định; giao cho Bộ ban hành tiêu chí đánh giá chất lượng. ĐB Nguyễn Thị Mai Thoa cho rằng, những quy định như vậy chưa bảo đảm đủ các điều kiện để nâng cao chất lượng của cơ sở khám, chữa bệnh, cần nghiên cứu bổ sung cụ thể hơn.
"Về quản lý người hành nghề, chúng tôi rất băn khoăn về việc quy định 'người hành nghề là người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài đăng ký hành nghề khám bệnh, chữa bệnh tại Việt Nam phải biết tiếng Việt thành thạo" - ĐB Nguyễn Thị Mai Thoa nói và phản biện rằng, đây chỉ nên là điều kiện khuyến khích.
Theo ĐB Thoa, sở dĩ không nên là điều kiện bắt buộc vì hiện nay, nhiều cơ sở y tế Việt Nam mời các chuyên gia nổi tiếng thế giới, khu vực đến khám bệnh, chữa bệnh tại Việt Nam, khám chữa bệnh có thu tiền, không chỉ là khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo, đào tạo thực hành về khám bệnh, chữa bệnh và chuyển giao kỹ thuật chuyên môn về khám bệnh, chữa bệnh.
Đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa - Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương. |
"Nếu quy định như vậy sẽ hạn chế cơ hội để các bác sĩ Việt Nam được thảo luận, học hỏi về chuyên môn, kỹ thuật y tế tiên tiến của thế giới và người bệnh Việt Nam được chữa trị bởi các thầy thuốc giỏi. Bên cạnh đó, trong điều kiện hiện nay, số lượng người nước ngoài sinh sống và làm việc ở Việt Nam khá lớn, các phòng khám, bệnh viện quốc tế đang hoạt động cũng nhiều" - ĐB Thoa nêu thực tế.
Trong nhiều trường hợp, tiếng Anh không phải tiếng mẹ đẻ nhưng là ngôn ngữ sử dụng chung, nên quy định “người hành nghề nước ngoài chỉ đăng ký khám bệnh, chữa bệnh cho người có cùng ngôn ngữ mẹ đẻ” cũng chưa thực sự phù hợp. Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc, nghiên cứu thêm để quy định có tính khả thi cao hơn.
Cũng liên quan đến nội dung này, ĐB Nguyễn Thị Mai Thoa nhất trí với ý kiến của Ủy ban thẩm tra về việc đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định sử dụng ngôn ngữ trong khám chữa bệnh cho người dân tộc thiểu số và người hành nghề khám chữa bệnh là người dân tộc thiểu số.
Trong nguyên tắc trong hành nghề khám bệnh, chữa bệnh, cụ thể về các trường hợp được ưu tiên khám bệnh chữa bệnh, ngoài nhóm “trẻ em dưới 6 tuổi”, ĐB Nguyễn Thị Mai Thoa đề nghị bổ sung nhóm đối tượng trẻ em bị bạo lực, xâm hại, đặc biệt là trẻ em bị xâm hại tình dục, vì đây là nhóm đang trong tình trạng nguy hiểm, bị đe doạ đến tính mạng, sức khoẻ, cả về thể chất và tinh thần, cần phải có sự can thiệp, cứu chữa ngay để bảo vệ các em.
Cũng liên quan đến nội dung về chăm sóc và bảo vệ trẻ em, Dự thảo Luật đang quy định: Trường hợp người bệnh là nạn nhân bạo lực gia đình, trẻ em bị xâm hại tình dục, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có trách nhiệm thông báo cơ quan công an trên địa bàn để phối hợp triển khai các biện pháp bảo vệ nạn nhân, ĐB Thoa góp ý rằng quy định này cần nghiên cứu thêm để phù hợp với Luật Phòng, chống bạo lực gia đình và Luật Trẻ em về các địa chỉ tiếp nhận thông tin về bạo lực, xâm hại đối với phụ nữ, trẻ em. Đồng thời, Luật cũng cần quy định tổng quát về các trường hợp bạo lực trẻ em nói chung, không chỉ bạo lực gia đình, mà còn cả các trường hợp trẻ bị bạo lực ở nhà trường và ngoài xã hội.