Ông Nguyễn Đình Hương, nguyên Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương, nguyên Trưởng Ban Bảo vệ chính trị Nội bộ, người có hơn 50 năm làm công tác tổ chức của Đảng đã nói như vậy khi trao đổi với VietTimes.
Những bài học về xây dựng Đảng
- Thưa ông, hơn 50 năm làm công tác tổ chức của Đảng, đối với ông vấn đề gì trong di sản của Bác là quan trọng nhất?
Trước tiên cần phải nói rằng, học tập tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, chúng ta phải thấu hiểu được tâm nguyện của Bác. Tôi về Ban Tổ chức T.Ư năm 1956, nhiều lần được làm việc với Bác. Sau này có dịp tiếp xúc với những đồng chí thân cận với Bác và đặc biệt là ông Vũ Kỳ, tôi càng thấu hiểu điều mà bác quan tâm nhất là công tác cán bộ, bởi cán bộ là gốc rễ của mọi vấn đề.
Không phải ngẫu nhiên mà trong nhiều bài phát biểu và đặc biệt là trước lúc đi xa điều đầu tiên Người luôn nhấn mạnh và căn dặn là về Đảng. Một đảng cầm quyền phải thực sự là Đảng của dân, do dân và vì dân.
- Nhưng nếu muốn thực sự là Đảng của dân, do dân và vì dân thì sau 86 năm tồn tại và cầm quyền, theo ông, thì bài học cụ thể gì Đảng ta cần được đúc kết?
Bài học quan trọng nhất, theo tôi, là đoàn kết trong Đảng. “Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”- Bác đã căn dặn như vậy trước lúc đi xa. Tại sao Bác lại nói đến đoàn kết đầu tiên? Bác đã tiên liệu trước, sau khi giành được chính quyền, nếu công tác tổ chức trong Đảng không được làm khoa học, chặt chẽ, công khai, minh bạch; cán bộ, đặc biệt là cán bộ cấp cao không được tu dưỡng, rèn luyện thì rất dễ nảy sinh sự kèn cựa, tranh giành lẫn nhau chức quyền.
Điều mà Bác lo lắng nhất là sau khi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, trong hàng ngũ của Đảng rất dễ nảy sinh tư tưởng tự mãn, tự kiêu, tự đại dẫn đến chia rẽ nội bộ, tranh giành chức quyền lẫn nhau. Vì vậy, Bác căn dặn là phải giữ cho được đoàn kết nhất trí. Vì nó tối quan trọng nên Bác yêu cầu phải giữ gìn “như giữ gìn con ngươi của mắt mình”. Đoàn kết tạo ra sức mạnh. Một Đảng mạnh là đảng phải đoàn kết.
- Ông có thể đưa ra ví dụ cụ thể về việc Bác chăm lo cho sự đoàn kết của Đảng không?
Sinh thời Bác đã làm mọi cách để gắn kết các thành viên trong Đảng, đặc biệt là trong Bộ Chính trị. Hàng chiều Thứ 7, Bác thường mời cơm các đồng chí trong Bộ Chính trị. Bác hay bảo đại ý là ăn cơm với nhau, có gì khúc mắc với nhau thì cứ nói hết ra để rồi cùng nhau giải quyết. Sau khi thông rồi thì cũng nhau nhìn về một hướng.
Vì thực ra lúc bấy giờ không phải vấn đề gì cũng đều tìm được tiếng nói chung. Ví dụ vấn đề quan trọng nhất thời bấy giờ là đánh Mỹ. Đánh đuổi Mỹ thì ai cũng nhất trí, nhưng đánh như thế nào thì cũng còn có ý kiến khác nhau. Có quan điểm nhấn mạnh “phòng ngự, rồi mới tấn công”, quan điểm khác lại cho rằng “Cách mạng là chỉ có tấn công”. Hoặc “lấy nông thôn bao vây thành thị”, hoặc “Ba vùng giáp công”.
- Thưa ông, thuở sinh thời Bác thường căn dặn “Không phải cứ viết hai từ cộng sản lên trán là dân tin. Muốn dân tin Đảng, đi theo Đảng thì Đảng phải thực sự vì dân”. Vậy làm thế nào để Đảng thực sự là của dân, vì dân?
Điều thứ hai mà tôi muốn nhấn mạnh ở đây là Bác yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là đảng viên có chức, có quyền“phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”. Muốn dân yêu Đảng, tin Đảng và đi theo Đảng thì cán bộ đảng phải tận tụy phục vụ sự nghiệp cách mạng, phục vụ nhân dân; không được tự cao, tự đại, quan liêu, hách dịch với dân. Nhất thiết phải phát huy dân chủ rộng rãi. Mà phát huy dân chủ tức là phải để cho dân nói.
“Người dân muốn nói mà lại bịt mồm người ta thì ai nói được”- Bác thường căn dặn những người làm công tác tổ chức chúng tôi. Cán bộ mà làm sai thì phải xin lỗi dân, hứa với dân sẽ sửa chữa. Sau những sai lầm trong cải cách ruộng đất Bác rất đau lòng. Lúc bấy giờ Bác nói với các đồng chí trong Bộ Chính trị, các đồng chí Trung ương: “Các chú phải xuống xin dân tha thứ vì những lỗi lầm của Đảng”.
- Còn một vấn đề cũng rất được Bác chú tâm giáo dục cán bộ, đảng viên đó là phải liêm chính, chí công vô tư; luôn phê bình và tự phê bình để tự soi rọi lại mình để thực sự là công bố của dân…
Bác cũng thường căn dặn cán bộ là phải “Thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư”. Bác rất lo ngại là một khi Đảng nắm được quyền lãnh đạo tuyệt đối, nếu nội bộ đảng không đoàn kết, cán bộ, nhất là cán bộ cấp cao không chí công vô tư; không cần kiệm, liêm chính thì rất dễ bị tha hóa, biến chất, tham ô, hủ bại dẫn đến phai nhạt lý tưởng, xa rời dân và như vậy sẽ là nguy cơ cho Đảng.
Một điều cũng cực kỳ quan trọng mà Bác quan tâm là công tác chỉnh đốn Đảng. Một đảng mốn phát triển và lớn mạnh là phải không ngừng chỉnh đốn mình. Phải tự phê bình nghiêm khắc, xử lý nghiêm những phần tử thoái hóa, biến chất, không còn đủ tư cách để đứng trong hàng ngũ của Đảng. Phải biết nghe dân phê bình, biết tiếp thu để chỉnh đống Đảng.
Tuy nhiên, để phê bình và tự phê bình không trở thành “cuộc đấu đá nội bộ, bè phái”, lợi dụng chỉnh đốn Đảng để loại trừ những người không cùng phe nhóm… thì “trong Đảng phải thực hành dân chủ rộng rãi” và đặc biệt Bác nhấn mạnh trong Di chúc: “Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”.
Nguy cơ và thách thức
- Thưa ông, theo ông thì hiện nay Đảng đang đứng trước những thách thức nào?
Kiểm điểm lại thì tôi thấy trong công tác xây dựng Đảng đang đứng trước nguy cơ “3 hóa”.
Cái “hóa” thứ nhất là “tự tha hóa”. Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” đã chỉ rõ: “Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc...”.
Cái “hóa” thứ hai là, phân hóa giàu nghèo. Sự phân hóa về giàu nghèo ở nước ta đang ngày càng nghiêm trọng và ai cũng nhận ra trong cuộc sống hàng ngày. Làm giàu đúng nghĩa thì xứng đáng được hưởng thành quả làm ăn của mình, không ai trách cứ gì được. Tuy nhiên có một thực tế ở nước ta là người làm ăn mà có quyền lực thường không phải đối diện với rủi ro nhờ biết cách len lỏi vào kẽ hở của luật pháp, cũng như không bị sự điều tiết rủi ro của hệ thống, thế là ngày càng trở nên giàu có. Lỗi không phải ở họ mà ở hệ thống. Làm ăn vừa được đứng ở chỗ cao không ai với tới, vừa tách biệt trong một không gian riêng để mặc sức làm giàu thế là không công bằng.
- Vậy, còn cái “hóa” thứ 3 mà ông muốn nói tới là….
Cái hóa thứ 3 là “chuyển hóa”. Đó là sự quan liêu mất dân chủ đang trở thành nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng. Có những cán bộ lãnh đạo quan liêu, gia trưởng, độc đoán, đặt mình lên trên tập thể, không chịu sự kiểm soát của tổ chức. Một số lãnh đạo sau khi nắm quyền lực lại “dị ứng” với mở rộng dân chủ, sợ rằng sẽ hạn chế uy quyền của mình dẫn đến dễ lạm quyền, lộng quyền.
Trong khi đó, nhiều đảng viên và cán bộ cấp dưới không dám thẳng thắn sử dụng quyền dân chủ mà Điều lệ Đảng đã trao cho, làm trái ý cấp trên, sợ bị thành kiến, không được lên chức, lên lương, ảnh hưởng đến mình, thậm chí có thái độ xu nịnh, cơ hội; sự cách biệt trong mức sống, lối sống, cách nghĩ giữa người có chức có quyền và người dưới quyền ngày càng rõ nét.
- Để khắc phục những nguy cơ này thì cần phải làm gì, thưa ông?
Cấp thiết và quan trọng nhất là phải thực hiện cho đúng, cho thật tốt lời dạy của Bác, mà những vấn đề tôi vừa nêu ở trên là những giải pháp hữu hiệu.
-Xin cám ơn ông!
L.G.B(Thực hiện)