Trước mỗi học trò là một bục giảng
Những học sinh trong lớp của bà Hồ Hương Nam, em thì khoèo tay, em khoèo chân, em khiếm thị, khiếm thính, em thì bị động kinh khi thì im lặng nhưng đột nhiên lại lăn ra hò hét, quậy phá... Những lúc như thế, bà Nam lại nhẹ nhàng đến ôm cậu học trò rồi xoa đầu, động viên để cậu tĩnh tâm lại ngồi học cùng chúng ban.
“Bài giảng” hàng ngày trong lớp của bà tùy thộc vào từng học trò, người thì bà dạy viết chữ, người thì bà giao làm bài tập, người thì bà vừa dạy viết chữ vừa xoa bóp chân cho,... Có em học sinh đang học lăn ra ngủ, thậm chí có người còn đi vệ sinh ngay trong lớp.
Học sinh của bà có hoàn cảnh đặc biệt khác nhau. Người cao tuổi nhất đã ngoài 30, người nhỏ nhất mới 8 tuổi. Có người bị liệt, người bị câm điếc hay thiểu năng trí tuệ,…
Một số em có hoàn cảnh rất đáng thương, như một em ở phường Phúc Xá đã vừa câm vừa điếc, bố lại nhiễm HIV, mẹ thì đi lấy chồng khác, em ở với bà ngoại. Một em khác ở phường Yên Phụ thì mồ côi mẹ từ nhỏ mà lại bị liệt nửa người . Em thì đã 38 tuổi vẫn bị liệt tứ chi, chân tay co quắp run rẩy,...
Hoàn cảnh gia đình của các học sinh bà Nam đa phần là nghèo khó. Có em 26 tuổi nhưng theo học ở đây đã lâu, “ra trường” được rồi nhưng vì bố mẹ mất sớm, em ở với anh trai nên 18 năm nay em vẫn đến lớp. Hàng ngày, anh trai đưa em đến đây vui cùng bà Nam và các bạn, hết buổi lại đón về.
Lớp học của bà Nam chủ yếu dạy học viết, đánh vần và những phép tính đơn giản.
|
Hay một em học sinh 10 tuổi, vừa câm vừa điếc, bố mẹ ly hôn, nhà không có điều kiện đến trường nên bà ngoại gửi đến lớp của bà Nam.
Có cậu học trò phải nửa tháng mới nhớ được chữ A, viết tròn trịa chữ O nên “giáo án” của bà Nam cũng vì thế mà linh động theo từng học trò. Lớp học là thế. Lớp học này đâu có thước với bảng. Bà Nam bảo, trước mỗi học trò là một bục giảng!!!
Để dạy cho học sinh câm điếc, bà Nam phải sang một trung tâm ở quận Thanh Xuân để học ngôn ngữ ký hiệu trong 15 ngày. Buổi tối về nhà, bà đọc và nghiên cứu sách về tâm lý của trẻ tự kỷ, khuyết tật.
Có tận mắt cảnh cụ bà mảnh mai, gầy guộc, tóc bạc phơ đang cặm cụi cầm tay một học sinh khuyết tật để luyện cho trò từng nét chữ mới thấy với không ít người chỉ cần sinh ra được là người bình thường thôi cũng đã là một hạnh phúc vô bờ.
“Đánh cược” để có trò!!!
Bà Hồ Hương Nam, sinh năm 1933, ở Đông Ba, Huế. Sau khi lấy chồng bà ra Hà Nội, về dạy ở Trường cấp II An Dương, phường Yên Phụ (Tây Hồ) cho đến lúc nghỉ hưu.
Khi nghỉ hưu, bà Nam tham gia các hoạt động đoàn thể ở địa phương, làm cộng tác viên dân số nên bà thấy ở địa phương có nhiều trẻ bị tật nguyền không được đi học. Sinh ra ở Huế nên bà thấu hiểu “Nón rất Huế mà đời không phải thế” vậy mà sau khi gặp trẻ khuyết tật bao đêm bà vẫn không thể nào ngủ được… Thế rồi lớp học tình thương ra đời. Bà tự mình
đi đến những nhà có trẻ khuyết tật để vận động gia đình họ cho con, em tham gia lớp học miễn phí do bà dạy.
Trong lớp học của bà, có những em 17 năm nay vẫn chỉ dừng ở học đọc, học viết.
|
Bà ki cóp những đồng lương hưu của mình để mua sách vở, bút viết cho các em.
Vậy mà ban đầu đâu có dễ được chấp nhận. Nhiều gia đình có trẻ tật nguyền không thích cho con đi học, vì nghĩ bà thương hại. Thậm chí, nhiều người còn nghi ngờ mục đích của bà nên không ít lần bà bị đuổi ra khỏi cổng. Có người còn nói bà bị “khùng”, “ôm rơm nặng bụng”,...
Thế là bà phải “đánh cược” với họ để có hai học trò đầu tiên cho lớp học tình thương.
Lớp học đầu tiên của bà chỉ có hai học sinh. Vậy mà bà vẫn dạy không nghỉ buổi nào. Thế rồi các em học về biết đọc - biết viết, biết đúng - biết sai..Lâu dần, học sinh đến với lớp của bà cứ tăng dần. Ngày lên lớp, đêm đến bà lại đi vận động, thấy bà thành tâm và những đứa trẻ học bà dạy rất tiến bộ nên nhiều gia đình trước đây xua đuổi bà đã đến xin lỗi và xin cho con đến lớp. Đến bây giờ, lớp học của bà đã có gần 100 trẻ khuyết tật.
“Mới đầu đi vận động từng nhà cho các cháu theo học, tôi bị xua đuổi nhiều lắm. Nhiều người không hiểu, lại mặc cảm cho rằng tôi khơi lại nỗi đau”, bà Nam tâm sự.
“Yêu trường không phải trường to…”
Những ngày đầu “khai giảng”, lớp học chỉ có ba cô trò, chỗ học không có, phải lót từng tầm ván để ngồi. Nhiều cụ già ở phường ví von như “lớp binh dân học vụ”.
“Nhiều đêm trằn trọc không ngủ tìm nơi dạy học, không ít lần tôi khóc, lo sợ chuyện dạy học đứt gánh giữa đường”, bà Nam tâm sự.
Bà giáo Hồ Hương Nam hướng dẫn một học sinh có đến ngót 20 năm gắn bó với lớp.
|
Rồi bà mượn được trụ sở tuần tra của cụm dân cư số 6, phường Yên Phụ để làm nơi dạy học. Thế nhưng, được 2 năm thì bà phải trả lại để xây dựng nhà văn hóa phường. Thấy nhà trẻ gần đấy có một phòng còn trống, bà lại dọn dẹp sạch sẽ, chỉn chu cho các cháu vào học . Sau nhiều lần, bà lên tận Phòng Giáo dục quận Tây Hồ để xin nơi dạy học.
Cảm nhận được sự thành tâm của bà, cô Trần Thị Vân, Hiệu trưởng Trường THCS An Dương đã đồng ý cho bà dạy tại trường.
Cứ đến thứ Sáu hàng tuần, bà thường trích một khoản từ lương hưu của mình mua bánh mì, bim bim, kẹo,... để thưởng cho các em. Học sinh của bà ai cũng háo hức, vui vẻ đón nhận. Nhiều học trò của bà nhớ trường, nhớ lớp đến mức nghỉ học là không chịu được, như em Nguyễn Thanh Thúy, bị liệt nửa người, bị bố ngăn cản, song hằng ngày em vẫn tìm cách trốn nhà đến lớp.
Giờ đây, không chỉ người dân ở trong phường An Dương gửi con em khuyết tật đến học chỗ bà mà những gia đình khó khăn ở phường Nhật Tân, Phú Thượng, phường Xuân Đỉnh (quận Tây Hồ) hay từ tận quận Hai Bà Trưng cũng đưa con cháu đến xin học.
Sau một thời gian theo học với bà giáo Nam, nhiều gia đình nhận thấy con mình có nhiều tiến bộ như biết đọc, biết viết, đi học về biết chào hỏi nên vô cùng phấn khởi. Tiếng lành đồn xa, ngày càng nhiều học sinh đến gõ cửa xin bà dạy chữ.
Nhờ có con chữ do bà Nam dày công luyện rèn nên nhiều em khuyết tật đã tìm được bến đỗ hạnh phúc, lấy chồng, lấy vợ, có công ăn việc làm ổn định. Tính đến nay học trò của bà đến cả trăm người.
Nhiều em tưởng như cuộc sống chỉ tẻ nhạt suốt đời nhưng bây giờ đã đọc được báo, truyện tranh, biết giao tiếp, chào hỏi mọi người,... Dù đã ngoài 80 tuổi nhưng bà vẫn đều đặn 5 buổi/tuần lên lớp dạy học và suốt gần 20 năm qua bà chưa bao giờ nhận một đồng tiền thù lao nào.
Những ngày gần đến ngày Nhà giáo Việt Nam, lớp học của bà Hương Nam càng rộn ràng vui vẻ…Tiếng cười của trẻ làm bà thêm khỏe, thêm vui. Với bà đó là phần thưởng cao quý nhất.
Nghe các cụ già ở phường nói về lớp học bà Nam, tôi nhớ đến mấy câu thơ khi về thăm trường cũ: “Yêu trường không phải trường to/ Mà vì cái chữ làm cho ấm lòng/ Kính thầy đâu phải nhiều bằng/ Kính thầy ở chính tấm lòng sáng trong”!