Apple vào Việt Nam: Điều gì sẽ thay đổi?

Mới đây, Tập đoàn Apple đã chính thức thành lập Công ty TNHH Apple Việt Nam (tên tiếng Anh là APPLE VIETNAM LLC), với vốn điều lệ là 15 tỷ đồng, theo thông tin từ trang web của Tổng cục Thuế.
Apple vào Việt Nam: Điều gì sẽ thay đổi?

Như vậy là Apple đã chính thức đặt chân vào thị trường Việt Nam.

Theo giấy phép đăng ký kinh doanh của Apple Việt Nam, ban đầu hãng sẽ chú trọng vào việc phân phối sản phẩm và chế độ hậu mãi ở thị trường này. Đây là một thay đổi lớn, bởi từ trước đến nay thị trường Việt Nam luôn được xếp ở nhóm ít quan trọng trong chiến lược phát triển kinh doanh của hãng công nghệ này.

Vì sao Apple chọn Việt Nam?

Có 2 lý do giải thích cho vấn đề này. Thứ nhất, Apple đang chuyển dịch hướng tập trung sang các thị trường mới nổi tại châu Á với minh chứng rõ ràng nhất là sự tăng trưởng vượt bậc của thị trường Trung Quốc trong thời gian qua. Khi mà các thị trường truyền thống như châu Âu và Mỹ đã "bội thực" smartphone, châu Á sẽ là thị trường đầy tiềm năng cho Apple.

Thứ hai, bản thân thị trường di động Việt Nam đang hấp dẫn rất nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước. Các nhà sản xuất lớn trên thế giới như Samsung hay LG đã có mặt tại thị trường Việt Nam từ rất lâu. Việc Apple tiến vào Việt Nam như một điều không thể khác.

Thêm vào đó, theo những báo cáo vào cuối năm ngoái, ban quản trị của Apple cũng từng đề cập tới Việt Nam như một thị trường hết sức tiềm năng và trọng điểm tại châu Á.

Những chỉ trích từ khách hàng Việt Nam như "hút máu người dùng" hay bán ra các sản phẩm quá đắt đỏ không thể làm kém đi sức hấp dẫn của thị trường này đối với Apple, khi mức tăng trưởng của thị trường smartphone lên tới 135%.

Bản thân các báo cáo từ Apple đã chỉ rõ, lợi nhuận và doanh số bán hàng của các sản phẩm như iPhone, iPad tại Việt Nam sẽ còn tăng cao hơn nhiều lần. Bởi đa số người tiêu dùng Việt Nam có tuổi đời còn khá trẻ và quan tâm nhiều đến công nghệ. Đặc biệt, số lượng người sử dụng internet và smarpthone tại đây đang tăng đột biến, dự báo con số này sẽ tăng gấp đôi vào năm 2020.

Người tiêu dùng được gì?

Lợi ích đầu tiên đối với người dùng "quả táo khuyết" chính ở khâu bảo hành sản phẩm. Trước nay, các sản phẩm Apple bị trục trặc hoặc cần phải bảo hành được gửi từ Việt Nam sang Singapore - nơi có trung tâm bảo hành gần Việt Nam nhất.

Nay, với việc đặt văn phòng tại Việt Nam, Apple ngoài chuyện sẽ có những chính sách và chế độ hậu mãi tốt dành cho hàng chính hãng, việc bảo hành cũng sẽ thuận tiện hơn rất nhiều, người tiêu dùng sẽ không còn phải chờ đợi nữa, cũng được trực tiếp phản ảnh các thắc mắc của mình đến nhà sản xuất.

Vẫn còn một thực tế nữa tác động theo chiều hướng có lợi cho người "hâm mộ" Apple là họ sẽ không còn vừa háo hức vừa nơm nớp với "hàng xách tay" nữa. Lâu nay, những sản phẩm Apple được mua trực tiếp từ thị trường Mỹ mang về Việt Nam, ngoài chuyện giá rẻ hơn còn được xem là hàng "có độ tin cậy cao". Nhưng những người dùng loại "hàng xách tay" này thường là những người chấp nhận "không hậu mãi". Thiệt thòi ấy sẽ được loại bỏ khi người dùng có thể trực tiếp mua sản phẩm chính hãng ngay tại Việt Nam, với đầy đủ chính sách và chế độ hậu mãi cũng chính hãng mà không còn phải đi đâu xa.

Nhà phân phối Apple hiện nay được - mất?

Theo quy trình thông thường, các sản phẩm Apple được sản xuất từ nhà máy tại Trung Quốc sau đó chuyến sang kho chứa (ware house) tại Singapore rồi được các công ty Việt Nam nhập về.

Nếu Apple mở kho hàng tại Việt Nam, các đại lý có thể nhập iPhone, iPad... trực tiếp từ Apple Việt Nam mà không cần phải thông qua Apple Singapore nữa. Đây có thể xem là một thuận lợi đối với các nhà phân phối sản phẩm Apple tại Việt Nam.

Tuy nhiên, vi việc thành lập công ty để vận hành các hoạt động của hãng tại Việt Nam, nhiều khả năng Apple sẽ mở Apple Store (cửa hàng Apple) ngay tại Việt Nam.

Các store này sẽ là nơi trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm, tiếp nhận phản hồi của khách hàng... Hiện nay khu vực châu Á mới đang có Nhật, Trung Quốc, Hong Kong là có Apple Store. Nếu vậy thì việc có hay không tình trạng các Apple Store sẽ dần thay thế các đại lý, cửa hàng bán lẻ của các nhà phân phối hiện nay là một câu hỏi còn bỏ ngỏ.

Ngoài ra, cho dù chưa đến lúc bị nhà sản xuất cho "out" hoàn toàn khỏi khâu phân phối thì các nhà phân phối hiện nay cũng phải sẵn sàng để cạnh tranh với những Apple store chính hãng trong việc thực hiện cho đủ và đúng các tiêu chuẩn khắt khe về sự chuyên nghiệp của thương hiệu này trong khâu đưa sản phẩm Apple đến tay người dùng.

Tác động ra sao đến nền kinh tế?

Tiềm năng tăng trưởng trong thị trường smartphone Việt Nam cùng những chính sách ưu đãi đầu tư nước ngoài khiến nhiều người hy vọng Apple sẽ chuyển hướng sản xuất một số linh kiện nhỏ như tai nghe, cáp sạc… tại đây. Nếu điều đó xảy ra, đây quả là một cơ hội cho nền sản xuất công nghệ cao ở Việt Nam.

Tuy nhiên, song song đó có một vấn đề rất đáng quan tâm và cần thiết phải có sự chuẩn bị rốt ráo là trình độ kỹ thuật của nhân công để đáp ứng yêu cầu từ nhà sản xuất.

Về tổng thể, việc Apple vào Việt Nam là một tín hiệu tốt. Nắm bắt được cơ hội và vượt qua được những thách thức sẽ khiến cho không chỉ ngành công nghệ mà cả hệ thống đào tạo nghề của Việt Nam thay đổi theo chiều hướng ngày càng chuyên nghiệp và hoàn thiện hơn.

Theo DNSG