Thị trường thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam hiện nay đang là “miếng bánh” tranh giành của 4 hãng, bao gồm Lazada, Shopee, Sendo và Tiki, trong đó Lazada chiếm thị phần nhiều nhất ở hầu hết các lĩnh vực, từ Thời trang, Chăm sóc sắc đẹp, Thực phẩm và Thiết bị Công nghệ. Theo Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam (VECOM), tốc độ tăng trưởng lĩnh vực này năm 2017 của Việt Nam đạt trên 25% và có thể duy trì trong vài năm tới. Còn theo khảo sát của Q@Me được thực hiện trong năm 2017 thì số lượng người mua hàng trực tuyến đã tăng mức 40% trong năm 2016 lên 52% trong năm 2017. Với dân số gần 100 triệu người, Việt Nam được đánh giá là thị trường rất tiềm năng của TMĐT.
Trước khi Amazon “nhảy” vào Việt Nam, 3 đại gia TMĐT lớn trên thế giới đã thâm nhập vào Việt Nam theo những cách thức và chiến thuật khác nhau. Alibaba đã mua lại Lazada, JD.com đổ hàng nghìn tỷ đồng vào Tiki, và Tencent rót 500 triệu USD vào Shopee.
Trở lại chuyện Amazon vào Việt Nam, nhiều người Việt tỏ ra phấn khích trước viễn cảnh có thể mua và bán hàng trực tiếp trên Amazon mà không phải qua khâu trung gian. Một người dùng có nick là Hong Son Dinh nhận xét trên VnExpress: “Amazon mà vào Việt Nam thì ngon rồi, thanh toán tiện lợi, bảo hành sản phẩm cũng dễ hơn, những cam kết của Amazon cũng có giá trị hơn trên lãnh thổ Việt Nam”.
Một người dùng có nick là Duy Khánh nhận xét trên Facebook: “Ngon quá, đỡ phải mua hàng qua trung gian”. Còn nick Quyền Mốt Chín thì nói: “Ngóng anh Amazon này quá lâu rồi. Hy vọng anh mang về Việt Nam nhiều sản phẩm chất lượng với giá cả cạnh tranh”.
Nick Nghiêm Bảo Trung nhận xét: “Amazon mà vào thì bán lẻ online Việt Nam có sóng thần”.
Người dùng có nick Châu Kiệt Lưng viết: “Amazon chỉ hỗ trợ xuất khẩu cho các doanh nghiệp bán hàng ra nước ngoài, ở đây là trên Amazon chứ không phải họ bán hàng tại Việt Nam”.
Cũng có nhiều ý kiến tin tưởng rằng sớm muộn thì Amazon cũng sẽ mở sàn giao dịch TMĐT cho người tiêu dùng Việt. Họ lấy ví dụ từ Ấn Độ. Ban đầu Amazon cũng hợp tác và hỗ trợ các doanh nghiệp địa phương, thậm chí ngay cả các chủ cửa hàng nhỏ lẻ để trở thành kênh trung gian phân phối sản phẩm. Sau đó, Amazon đã thâm nhập một cách mạnh mẽ hơn. Hãng này chi 5 tỷ USD để mở rộng kênh phân phối, nhờ vậy mà thị phần của Amazon tại Ấn Độ đã từ 12% lên 29% trong năm qua, chiếm vị trí thứ hai trên thị trường TMĐT Ấn Độ.
Đối với Việt Nam, kế hoạch của Amazon sẽ chỉ được "bật mí" vào ngày 14/3 tới, khi ông Gijae Seong, Trưởng bộ phận bán hàng toàn cầu tại Singapore chia sẻ tại Diễn đàn Toàn cảnh TMĐT Việt Nam, tổ chức tại Hà Nội.
Theo số liệu từ Bộ Công thương, hiện có khoảng 200 doanh nghiệp Việt Nam đang bán hàng trên Amazon.