ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng:

Ai quyết định cho sư Toàn giữ khối tài sản 300 tỷ đồng sẽ phải chịu trách nhiệm liên đới!

VietTimes -- Ai ra quyết định cho sư Toàn giữ lại khối tài sản lên tới 300 tỷ đồng sau khi hoàn tục, sẽ phải hoàn toàn chịu trách nhiệm. Nếu sau này, sư Toàn bị phanh phui hành vi vi phạm, thì người đó cũng phải có trách nhiệm liên đới, bởi đã đồng lõa, đồng phạm hoặc ít nhất là nhắm mắt làm ngơ, đóng dấu ra quyết định một cách bừa bãi.
ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng cho rằng cần làm rõ nguồn gốc khối tài sản khổng lồ mà Đại đức Thích Thanh Toàn đang nắm giữ làm của riêng.
ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng cho rằng cần làm rõ nguồn gốc khối tài sản khổng lồ mà Đại đức Thích Thanh Toàn đang nắm giữ làm của riêng.

Đó là quan điểm của ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng – Phó Trưởng Ban Dân nguyện của Ủy Ban Thường vụ Quốc hội trong cuộc trao đổi với VietTimes,  khi Đại đức Thích Thanh Toàn (SN 1976, quê ở Quảng Trị), trụ trì chùa Nga Hoàng (Tam Đảo, Vĩnh Phúc) xin giữ lại khối tài sản trị giá 200 - 300 tỷ đồng sau khi xả giới, hoàn tục, trong đó có diện tích lớn đất ruộng của người dân xung quanh chùa Nga Hoàng.

Nhiều dấu hỏi về nguồn gốc tài sản

- Những ngày qua, người dân xôn xao về việc sư Thích Thanh Toàn gửi tờ trình lên Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Vĩnh Phúc xin xả giới, hoàn tục sau vụ bị tố gạ tình nữ phóng viên, nhưng lại xin được giữ khối tài sản lên đến 200 -300 tỷ đồng đứng tên thế tục của sư Toàn. Ông có bình luận gì về việc sư Toàn công bố đang nắm giữ khối tài sản khổng lồ này?

- Nhà nước bảo hộ quyền sở hữu hợp pháp của công dân, với điều kiện đó là tài sản chân chính và công dân đó phải chứng minh được rõ đó là tài sản của mình. Nếu không phải là tài sản chân chính, thì pháp luật không thể bảo hộ được. Đó là mấu chốt của vấn đề. Vì thế, xung quanh việc sư Toàn xin giữ lại tài sản, dư luận có băn khoăn bởi nhiều lẽ.

Thứ nhất, về con đường hình thành khối tài sản đến 300 tỷ, dư luận đang đặt vấn đề sư Toàn có khối tài sản đó bằng cách nào? Đối với một cá nhân bình thường, phấn đấu miệt mài cả đời mới có được một vài tỷ đồng, trong khi sư Toàn sống trong chùa, ở nơi rừng rú, thì tiền ở đâu ra mà có nhiều đến thế? Nhà sư có thể có tài sản trước khi đi tu, vì được hưởng thừa kế chẳng hạn, nhưng cũng phải hợp lý và hợp pháp.

Vấn đề thứ hai, phải làm rõ đây là tài sản gì? Với khối tài sản mà sư Toàn đang xin giữ lại, dư luận băn khoăn rằng có phần nào là của chùa Nga Hoàng không, hay đó là tài sản riêng, công sức của cá nhân sư Toàn. Ngoài ra, cũng cần phải xem xét vì sao địa phương giao đất cho cá nhân sư Toàn để làm trang trại?

Có thể sư Toàn là người đứng ra để vận động xây dựng, tôn tạo và quản lý chùa Nga Hoàng, nhưng chùa không phải là tài sản riêng của sư Toàn, mà là của các phật tử. Các phật tử công đức để xây ngôi chùa và để sửa sang, mở rộng chùa hay để chùa làm từ thiện, chứ không phải cho riêng nhà sư.

Chuyện thứ ba dư luận băn khoăn là liệu có hay không vấn đề nguồn tiền bất hợp pháp. Hiện nay Việt Nam đã có quy định rất rõ trong Bộ Luật Hình sự về tội phạm rửa tiền. Và nếu đúng như vậy thì sư Toàn không những không được nhận, mà còn bị truy cứu trách nhiệm .

Đây là 3 vấn đề rất mấu chốt!

Sư Toàn nhắc chuyện bị quay cảnh gạ tình nữ phóng viên là do "mắc bẫy", tuyên bố: "Nếu muốn lấy vợ thì vẫn thoải mái, không sợ gì cả. Ăn chơi thoải mái, không sợ gì cả" sau khi xin xả giới.

- Có nhiều ý kiến cho rằng trong khối tài sản được quy đổi thành 300 tỷ đồng kia đa phần là công đức của địa phương và người dân thập phương cúng tiến cho chùa trong thời gian sư Toàn trụ trì, thưa ông?

- Tôi khẳng định lại, người dân khi đến chùa nếu có công đức cho chùa dù chỉ là giọt dầu hay đến hàng trăm tỷ đồng, thì đều được gọi là công đức, với mong muốn đóng góp để xây dựng cơ sở tâm linh, cúng dường dâng Phật, chứ không phải để cho tặng bất cứ cá nhân nhà sư nào.

Tôi ví dụ, một ngôi chùa được xây dựng ở làng quê nào đó từ hàng ngàn năm trước, ban đầu chỉ là tranh tre nứa lá, rồi dân làng công đức, đập đi xây lại và trở thành một ngôi chùa rất lớn thì ngôi chùa đó thuộc về sở hữu chung hợp nhất không thể chia phần theo Luật Dân sự, nghĩa là không thuộc về một cá nhân cụ thể nào.

Ngôi chùa đó là chùa của ngàn đời người dân. Các chùa hầu như đều được xây dựng bằng công sức đóng góp của người dân và trong những giai đoạn cụ thể, có thể có một ông sư đứng lên “phất cờ” huy động tiền xây dựng sửa sang chùa, thì ông ấy chỉ là người cầm cờ đi quyên góp, thu thập công đức của nhân dân. Sau khi xây dựng sửa sang, ngôi chùa cũng không phải của cá nhân nhà sư đó.

Không phải hoàn tục, mà chính xác là bỏ lốt nhà sư

- Với những điều mà sư Toàn trình bày liên quan đến chuyện cá nhân của sư Toàn và khối tài sản sư Toàn đang xin giữ lại, ông có bình luận gì về góc độ đạo đức của vị Đại đức này?

- Xét về khía cạnh đạo đức, luân lý, một nhà sư có bao giờ đi giữ tài sản? Nhà sư bao giờ cũng nguyện đem cuộc đời mình dâng hiến cho Phật, Phật pháp, cho đồng bào, cho nhân loại, thì làm sao có tài sản riêng?

Tôi còn nhớ Đại lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ, Đệ tam Pháp chủ của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, một người không có tài sản trong tay, khi có những người đến cúng dường Đại lão Hòa thượng còn nói: Ở đây không nhận tiền, ở đây không cần tiền và ở đây không giữ tiền.

Nói như vậy để thấy người dân hoàn toàn có lý do để đặt vấn đề về đạo đức của sư Toàn, và người dân có cơ sở để đặt ra những nghi vấn về khối tài sản mà sư Toàn đang xin giữ lại.

- Ông nghĩ sao khi sư Toàn bị một nữ phóng viên tố sàm sỡ, gạ tình, thậm chí có ghi âm và ghi hình những lời nói, hành vi trái với đạo đức người tu hành, ấy thế nhưng sư Toàn vẫn cho rằng “Cái đấy là cạm bẫy. Chưa chắc hôm nay mình tránh được cạm bẫy này, mai sẽ có cạm bẫy khác”…?

- Đây không phải một ông sư chân chính! Sư Toàn là người đội lốt nhà sư để thỏa mãn những vấn đề cá nhân, trong đó không chỉ có vấn đề về mặt tình dục, mà có cả vấn đề về mặt tài sản, tìm cách kiếm tiền để làm giàu.

Riêng về việc ông Toàn xin hoàn tục, tôi cho rằng nói như vậy không đúng với bản chất. Không phải hoàn tục mà chính xác là ông Toàn trở lại nguyên hình, cởi bỏ lốt nhà sư. Với những gì đã thể hiện, chưa bao giờ ông ấy là một nhà sư chân chính. Ông ấy chỉ là người khoác áo nhà sư nhưng làm hổ danh người tu hành. Một người đi theo giáo lý nhà Phật, một người đi tu phải người làm gương cho người khác noi theo để hướng Phật, thấm nhuần đạo lý nhà Phật. Những người như ông Toàn chỉ làm hổ danh Giáo hội mà thôi!

Tờ trình xin xả giới hoàn tục của Đại đức Thích Thanh Toàn. Ảnh: Giáo hội Phật giáo VN tỉnh Vĩnh Phúc

Tờ trình xin xả giới hoàn tục của Đại đức Thích Thanh Toàn. Ảnh: Giáo hội Phật giáo VN tỉnh Vĩnh Phúc


- Liên quan đến khối tài sản 300 tỷ đồng sư Toàn xin giữ lại, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Vĩnh Phúc đã đồng ý về mặt chủ trương. Ông có đồng tình với các xử lý này không?

- Tôi không đồng tình với quan điểm của Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Vĩnh Phúc hay bất cứ ai chấp nhận cho sư Toàn giữ lại khối tài sản này.

Tôi cho rằng điều này phải xem xét rất kỹ và người quyết định cho sư Toàn giữ lại khối tài sản trên phải chịu trách nhiệm, bởi nếu không cẩn thận thì đó chính là người đóng dấu xác nhận cho hành vi sai phạm. Nếu giả sử phát hiện sư Toàn từng có hành vi sai phạm, có hành vi ăn cắp để có được khối tài sản đó thì sao? Nếu phát hiện sư Toàn từng có hành vi lừa đảo hay lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản của người khác để có khối tài sản đó thì sao? Những điều này phải cân nhắc rất kĩ.

Chính vì thế, tôi cho rằng ai quyết định cho phép sư Toàn giữ khối tài sản đó thì phải hoàn toàn chịu trách nhiệm và nếu sau này sư Toàn bị phanh phui hành vi vi phạm thì người đó cũng phải có trách nhiệm liên đới bởi đã đồng lõa, đồng phạm hoặc ít nhất là đã nhắm mắt làm ngơ, đóng dấu ra quyết định một cách bừa bãi.

Thực tế, người ra quyết định ấy có biết rõ nguồn gốc của khối tài sản khổng lồ kia không, bởi sau khi sư Toàn hoàn tục, khối tài sản đó sẽ được đem đi giao dịch, sẽ được đặt trong mối quan hệ giữa ông Toàn với xã hội chứ không chỉ đơn thuần mối quan hệ trong phạm vi của Giáo hội nữa.

Tiền lệ giả danh nhà sư đi làm kinh tế?

- Cho đến nay, mặc dù nhà sư xin hoàn tục không hiếm, nhưng việc sư xin giữ lại khối tài sản đứng tên theo thế danh sau khi hoàn tục gần như chưa từng có. Điều này liệu có tạo tiền lệ cho những người giả danh nhà sư đi làm kinh tế không, thưa ông?

- Trước hết là pháp luật không can thiệp vào đời sống riêng tư của mỗi công dân. Trước đây thích đi tu bây giờ lại xin hoàn tục, đó là câu chuyện, là nguyện vọng của cá nhân mỗi người. Luật không quy định việc ấy. Thực tế, chuyện xin hoàn tục cũng có thể vì nhiều lý do, vì không thể tu được nữa, vì phải báo hiếu bố mẹ, hoặc có thể vì nảy sinh một mối tình với phật tử, nên muốn hoàn tục. Điều đó là bình thường, không ai cấm.

Tuy nhiên, trường hợp đáng lên án chính là giả danh tu: Ví như ông ta vẫn có vợ con, nhưng mặc áo cà sa, cạo trọc đầu để hòng che giấu đời sống thật. Như vậy, ông ta không theo giáo lý nào cả, mà chỉ làm sư để kiếm tiền cho không chỉ cá nhân mình mà cả những người thân hữu khác. Ông ta đưa họ hàng vào chùa, giải quyết công ăn việc làm và biến nhà chùa thành “công ty chùa”.

Đây chính là vấn đề cần phải quản lý. Tôi cho rằng trách nhiệm quản lý trước tiên là của Giáo hội Phật giáo, cần nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng, tư tưởng của người tu hành. Ngoài ra, đồng thời phải thực hiện quản lý nhà nước đối với hoạt động của công dân, mối quan hệ công dân với các cá nhân, các tổ chức khác. Đó chính là hai mũi quản lý quan trọng, đồng thời quản lý bên trong và quản lý bên ngoài, hai mũi quản lý này cần đồng thời và chặt chẽ.

Thứ ba là sự giám sát của người dân, của phật tử, của Ban Phật sự tại mỗi chùa, của chính quyền và các đoàn thể địa phương,… Tất cả họ đều được quyền tham gia vào quá trình quản lý, giám sát.

Và khi những mũi quản lý được thực hiện đầy đủ thì không thể có chuyện nhà sư tự ý mở hòm công đức lấy tiền, tự ý mua bán đất, mua bán tượng,… Nếu tăng cường quản lý và giám sát chặt chẽ đối với các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo và những người hành nghề tín ngưỡng, tôn giáo thì sẽ dẹp được nạn sư đội lốt, sư trá hình. Và sai phạm nếu có thì sẽ nhanh chóng bị phát hiện và xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

- Xin cảm ơn ông!