Phát biểu tại buổi họp báo cập nhật tình hình phát triển kinh tế sáng nay (24/3), chuyên gia kinh tế ADB Dominic Mellor cho rằng Việt Nam có thể đối mặt với những rủi ro về nợ công khi thâm hụt ngân sách dự báo sẽ mở rộng hơn.
Việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, miễn thuế cho các doanh nghiệp ưu tiên, dỡ bỏ hàng rào thuế quan theo cam kết nhập khẩu và giá dầu giảm sẽ tác động bất lợi đến nguồn thu của Việt Nam. Trong khi đó, chi đầu tư dự báo tăng gần 20% sau hai năm giảm, chi thường xuyên cũng dự kiến sẽ tăng 10%, chi cho y tế tăng và giáo dục tăng 11% và 5%.
"Giả định rằng nếu thu ngân sách thấp hơn kế hoạch, Chính phủ sẽ lựa chọn tăng thâm hụt ngân sách hơn là cắt giảm chi tiêu. Theo kịch bản đó, nợ công đến cuối năm 2016 có thể tăng đến 60% GDP", ADB cho hay. Trong bối cảnh này, ông Mellor nhấn mạnh tầm quan trọng của việc điều chỉnh cân đối ngân sách trong trung hạn để tránh làm tăng nợ công lên mức không bền vững hoặc gây tác động xấu đến lòng tin của nhà đầu tư
Ông Tomoyuki Kimura - Giám đốc ADB tại Việt Nam dự báo GDP tiếp tục tăng trưởng trong 2 năm tới, với tỷ lệ 6,1% vào năm 2015 và 6,2% năm 2016. Lạm phát năm nay dự kiến 2,5% nhưng sẽ nhanh chóng tăng lên 4% năm tới khi cầu trong nước và giá dầu thế giới đều tăng.
"Với tình hình lạm phát thấp như vậy, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ để kích thích tăng trưởng, tín dụng năm nay cũng dự báo tăng cao hơn năm trước", ông Mellor phát biểu. Song theo chuyên gia ADB, tăng trưởng GDP của Việt Nam vẫn dưới tiềm năng nên vẫn cón thể tăng trưởng cao hơn nếu có quyết sách đúng đắn.
Việt Nam vẫn cần giải quyết một loạt vấn đề mang tính cơ cấu như cần đạt tiến độ nhanh hơn trong quá trình cải cách ngân hàng, xử lý nợ xấu, thực hiện luật mới thoái vốn Nhà nước và cổ phần hóa doanh nghiệp.
Ngoài ra, khi cộng đồng kinh tế ASEAN được thành lập cuối năm nay, doanh nghiệp Việt Nam cũng cần tham gia mạnh hơn vào các chuỗi liên kết, bởi hiện nay mới có 36% doanh nghiệp trong nước tham gia vào mạng lưới xuất khẩu trong khi Thái Lan, và Malaysia khoảng 60%. "Cần có sự phối hợp liên ngành trong việcthực hiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp kết nối vào mạng lưới sản xuất, xây dựng chiến lược trọng tâm", ADB nhấn mạnh.
Theo Vnexpress