Kế hoạch thoái vốn này là thực hiện theo chính sách của Chính phủ và Quốc hội trong lộ trình cổ phần hóa DNNN giai đoạn 2016 – 2020.
Trong số 96 DN này, có 66 DN thuộc các tổng công ty, công ty mẹ - công ty con và DN độc lập 100% vốn Nhà nước; 30 DNNN trực thuộc UBND TP Hà Nội.
Cụ thể Tổng công ty Phát triển nhà Hà Nội có nhiều công ty con phải thực hiện nhất, gồm 16 công ty; Tổng công ty Đầu tư và Phát triển hạ tầng đô thị có 15 công ty; Tổng công ty Vận tải Hà Nội có 9 công ty; Tổng công ty Du lịch Hà Nội có 9 công ty.
Các công ty nằm trong diện thoái vốn lần này của UBND TP. Hà Nội có nhiều công ty “vang bóng một thời” như Giầy Thượng Đình, Nhựa Hà Nội, Dệt Minh Khai, Hanel, Thống Nhất Hà Nội…
Tổng vốn điều lệ của các DN nằm trong kế hoạch này là hơn 10.300 tỷ đồng, vốn Nhà nước hơn 4.000 tỷ đồng.
Theo UBND TP, có hai mục tiêu, nguyên tắc trong thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp là:
Thứ nhất, căn cứ ngành, nghề kinh doanh của các doanh nghiệp đã được phê duyệt, thoái vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp có ngành, nghề kinh doanh không thuộc lĩnh vực hoạt động chính của doanh nghiệp.
Thứ hai, nhà nước chỉ tham gia nắm giữ cổ phần tại các doanh nghiệp theo quy định Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối (trên 50% vốn điều lệ), đối với các doanh nghiệp mà nhà nước không cần nắm giữ thì bán hết, tập trung vào những doanh nghiệp có tỉ lệ vốn nhà nước dưới 50% vốn điều lệ, lựa chọn thời điểm thích hợp bán cổ phần có hiệu quả.
UBND TP Hà Nội yêu cầu các DN trong danh sách thoái vốn phải chủ động triển khai các nội dung chuẩn bị cho công tác thoái vốn Nhà nước, tập trung vào các nội dung liên quan đến đất đai, tài chính, công nợ, lao động... nhằm đảm bảo để công tác thoái vốn Nhà nước được thuận lợi, hoàn thành sớm kế hoạch đề ra.
Sở Tài chính Hà Nội sẽ chủ trì cùng các đơn vị liên quan xây dựng lộ trình thoái vốn Nhà nước, để triển khai thực hiện kế hoạch thoái vốn doanh nghiệp Nhà nước giai đoạn 2016 -2020 đảm bảo tiến độ và hiệu quả.