87% phụ nữ và trẻ em gái bị quấy rối tình dục ở nơi công cộng

VietTimes -- Một trong những nguyên nhân sâu xa của tình trạng bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái bắt nguồn từ những định kiến trong xã hội. Do đó, cần phải xóa bỏ những định kiến, phá vỡ sự im lặng trong vấn đề bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái, khuyến khích họ dũng cảm lên tiếng, hỗ trợ họ trong quá trình tìm kiếm công lý.

Cần phải xóa bỏ những định kiến và khuyến khích phụ nữ và trẻ em gái dũng cảm lên tiến. Ảnh minh họa.
Cần phải xóa bỏ những định kiến và khuyến khích phụ nữ và trẻ em gái dũng cảm lên tiến. Ảnh minh họa.

Bà Naomi Kitahara - Trưởng đại diện Quỹ Dân số Liên Hợp quốc (UNFPA) tại Việt Nam đã trao đổi như vậy tại Lễ trao giải cuộc thi “Yêu đẹp” – “An toàn cho phụ nữ” do Trung tâm Nghiên cứu & Ứng dụng khoa học về Giới - Gia đình - Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA), TikTok, UNFPA, Đại sứ quán Hà Lan, Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tổ chức ngày 22/11.

Bà Naomi Kitahara cho hay, các báo cáo và nghiên cứu gần đây cho thấy, quấy rối tình dục lan rộng cả ở nơi làm việc, nơi công cộng và trên không gian số. Thanh thiếu niên, phụ nữ và trẻ em gái nằm trong nhóm nguy cơ cao bị bạo lực tình dục.

Nhắc đến phong trào #MeToo với từ khóa “Tôi cũng vậy” vào năm 2017, bà Naomi Kitahara đề cập đến làn sóng toàn cầu giúp phụ nữ là nạn nhân bị quấy rối, lạm dụng tình dục chia sẻ. Tuy nhiên, từ khóa này này thực chất đã được khởi xướng vào năm 2006, với thông điệp hỗ trợ nạn nhân bạo lực giới: Bạn được lắng nghe và thấu hiểu. Dẫu vậy, phải đến 10 năm sau, nhờ sức mạnh của truyền thông mạng xã hội, từ khóa được nhắc lại này đã gây nên đợt "sóng thần" với những phản ứng, tương tác của nữ giới trên toàn thế giới. 

Bà Naomi Kitahara - Trưởng Đại diện UNFPA.
Bà Naomi Kitahara - Trưởng Đại diện UNFPA.

Trong vòng 1 ngày ở Mỹ, từ khóa “Tôi cũng vậy” đã được chia sẻ trên twitter 200.000 lần và 500.000 lần vào ngày hôm sau. Trên trang Facebook, chỉ riêng ở Mỹ, từ khóa này được 4,7 triệu người sử dung trong 12 triệu bài đăng trong 24 giờ đầu tiên. Từ khóa này đã trở thành chiến dịch toàn cầu và là một từ khóa hàng đầu ở ít nhất 85 quốc gia trên thế giới.   

"Phong trào này đã chứng minh hai điều. Thứ nhất, vấn đề bạo lực tình dục đối với phụ nữ và trẻ em gái là rất phổ biến và thực tế đau lòng là đa phần nạn nhân trong một thời gian dài đã lựa chọn cách im lặng, chịu đựng.

Thứ hai, chính sức mạnh của truyền thông mạng xã hội và trên các nền tảng dựa vào Internet đã đoàn kết  mọi người vượt biên giới quốc gia, không gian và thời gian, xóa bỏ khoảng cách tuổi tác, sắc tộc hay thu nhập, góp phần tạo các áp lực yêu cầu phải thay đổi, và quan trọng hơn, tạo không gian để chúng ta thể hiện tình thương, sự quan tâm và hỗ trợ các nạn nhân bị bạo lực giới", Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam khẳng định.

Đồng tình với ý kiến trên, bà Nguyễn Vân Anh – Giám đốc CSAGA - cho biết: “Giới trẻ vào cuộc trong các chiến dịch bình đẳng giới và phòng chống bạo lực giới theo những cách cực kỳ sáng tạo và có sức lan tỏa nhanh chóng. Sự thay đổi của các bạn trẻ là tín hiệu đáng mừng và tôi tin là vấn đề bạo lực giới ở Việt Nam sẽ được giải quyết tốt hơn nhiều ở tuổi trẻ”.

Bà Nguyễn Vân Anh - Người sáng lập và Giám đốc điều hành CSAGA
Bà Nguyễn Vân Anh - Người sáng lập và Giám đốc điều hành CSAGA

Các chuyên gia chỉ ra rằng một số hình thức bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái chưa được quy định trong khuôn khổ pháp luật. Đặc biệt, hành vi quấy rối tình dục ở nơi công cộng, bạo lực tình dục giữa vợ/chồng và bạn tình và lạm dụng tình dục, tấn công tình dục với phụ nữ và trẻ em gái chưa được nhìn nhận và giải quyết để có sự can thiệp và hỗ trợ kịp thời. 

Các nghiên cứu cũng cho thấy: 87% phụ nữ và trẻ em gái bị quấy rối tình dục ở nơi công cộng; 10% phụ nữ đã kết hôn ở Việt Nam đã bị vợ/chồng của họ tấn công tình dục. Đối với 4% phụ nữ, một khi bạo lực tình dục bắt đầu, nó tiếp tục trong suốt mối quan hệ hoặc hôn nhân của họ.

3 tuần, gần 4 nghìn video tham dự “Yêu đẹp” – “An toàn cho Phụ nữ”, 52 triệu lượt xem

Sau 3 tuần phát động, kêu gọi các bạn trẻ lên tiếng trên nền tảng Tiktok về xâm hại, bạo lực tình dục đối với phụ nữ và trẻ em gái, đã có hơn 3,8 nghìn video tham gia với hơn 52 triệu lượt xem, hơn 3,6 triệu lượt thích và 19 nghìn lượt chia sẻ, 28 nghìn tương tác thể hiện các quan điểm với các thông tin trong các video tham gia cuộc thi. 

 Các video dự thi đều là các sản phẩm ngắn tái hiện những tình huống đời thường tại trường học, công sở hay những nơi công cộng, truyền tải thông tin một cách trực quan, khắc sâu những kiến thức bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái trong cộng đồng.