60.000 doanh nghiệp SME ứng dụng nền tảng số

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Khoảng 400.000 doanh nghiệp SME Việt Nam đã được tiếp cận các nền tảng số, trong đó, khoảng 60.000 doanh nghiệp bắt đầu ứng dụng các nền tảng này trong kinh doanh - đại diện Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ TT&TT) cho biết
Các doanh nghiệp trong nền kinh tế số thường áp dụng những công nghệ đột phá, do đó một số chính sách truyền thống có thể không phù hợp.
Các doanh nghiệp trong nền kinh tế số thường áp dụng những công nghệ đột phá, do đó một số chính sách truyền thống có thể không phù hợp.

Tại tọa đàm “Why Việt Nam: Kinh tế số Việt Nam chủ động hợp tác và hội nhập quốc tế” - sự kiện được tổ chức bên lề Tuần lễ số Quốc tế Việt Nam 2022, ông Hoàng Anh Tú - Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ TT&TT) - đã trao đổi về vai trò của Bộ trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp chuyển đổi số.

Ông Tú cho rằng các doanh nghiệp trong nền kinh tế số thường áp dụng những công nghệ đột phá, do đó một số chính sách truyền thống có thể không phù hợp. Chính phủ và Bộ TT&TT nhìn ra điều đó. Bộ sẽ là cơ quan đầu mối để làm việc cùng các bộ ngành khác nhằm tháo gỡ chính sách, tạo điều kiện thuận lợi cho chuyển đổi số, kinh tế số, miễn là các hoạt động kinh doanh đảm bảo sự an toàn cho người dùng, đảm bảo an ninh quốc gia.

Ông Hoàng Anh Tú - Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ TT&TT)

Ông Hoàng Anh Tú - Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ TT&TT)

Trong CMCN 4.0, chính phủ "truyền thống" sẽ không quản lý được một nền kinh tế số. Nền kinh tế truyền thống cũng sẽ không thể cung cấp được các dịch vụ cho một xã hội số.

Nếu các doanh nghiệp không chuyển đổi số, không chuyển sang nền kinh tế số thì khả năng cung cấp dịch vụ, sản phẩm tới khách hàng của họ sẽ gặp khó khăn. Do đó, các doanh nghiệp cần chuyển đổi số nếu không muốn bị bỏ lại phía sau.

Đại diện Vụ Hợp tác Quốc tế cho rằng, các cơ quan quản lý nhà nước đang hỗ trợ 2 đối tượng doanh nghiệp. Thứ nhất là các doanh nghiệp truyền thống để họ cải thiện sản phẩm, dịch vụ tốt hơn, loại hình này chiếm số đông. Thứ hai là các công ty cung cấp nền tảng số, đưa ra các mô hình kinh doanh, các nền tảng mới.

Bộ TT&TT đang giới thiệu các nền tảng số để các doanh nghiệp SME tiếp cận. Khoảng 400.000 doanh nghiệp SME Việt Nam đã được tiếp cận các nền tảng số, trong đó, khoảng 60.000 doanh nghiệp đã bắt đầu ứng dụng các nền tảng này trong kinh doanh.

Cũng theo ông Tú, điều tốt nhất mà Chính phủ có thể làm là tháo gỡ các chính sách không còn phù hợp với nền kinh tế số, tạo ra các khung thể chế thử nghiệm có kiểm soát (sandbox). Bộ TT&TT sẽ là đầu mối lắng nghe các kiến nghị chính sách từ doanh nghiệp, từ đó đưa ra chính sách tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp công nghệ.

Đối với các nền tảng số Việt Nam, Bộ cũng đã đánh giá và công bố các nền tảng số đạt tiêu chí đáp ứng được nhu cầu của người dân. Bộ TT&TT cũng đang đóng vai trò kết nối giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Nói về chiến lược về phát triển kinh tế số và xã hội số của Việt Nam so với thế giới, đại diện Vụ Hợp tác Quốc tế - Bộ TT&TT cho rằng nhiều nước trên thế giới đã ban hành chiến lược phát triển kinh tế số, xã hội số, ví như Anh, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan.

Về mặt xu hướng và định hướng công nghệ, có sự tương đồng giữa chiến lược phát triển kinh tế số của Việt Nam và các nước khác trên thế giới. Tuy nhiên, nếu nghiên cứu kỹ, chiến lược của Việt Nam có những nét đặc trưng và cách tiếp cận rất riêng.

Đó là sự chuyển đổi từ kinh tế số sang kinh tế số trong ngành hẹp, là sự xuất hiện của các doanh nghiệp Make in Việt Nam. Đó còn là sự điều chỉnh và nỗ lực của Chính phủ trong việc cải thiện chính sách, gỡ bỏ rào cản để tạo thuận tiện hơn cho kinh tế số.

Việc phát triển hạ tầng kinh tế số, trong đó có hạ tầng Internet băng rộng, Cloud, IoT, thúc đẩy đào tạo kỹ năng số cho người dân,… sẽ tạo ra thị trường kinh tế số Việt Nam rất năng động trong thời gian tới, hướng tới mục tiêu kinh tế số đạt 20% GDP trong năm 2020 và 25% vào năm 2030.

Bà Bùi Kim Thùy - Đại diện Cấp cao tại Việt Nam, Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN

Bà Bùi Kim Thùy - Đại diện Cấp cao tại Việt Nam, Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN

Nói về những ưu tiên mà các doanh nghiệp Hoa Kỳ quan tâm khi tham gia thị trường Việt Nam, bà Bùi Kim Thùy - Đại diện Cấp cao tại Việt Nam, Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN (USABC) cho rằng, tất cả doanh nghiệp Hoa Kỳ đều mong muốn chính sách của Việt Nam có tính liên tục, ổn định và dễ dự đoán.

Điều này có nghĩa cần tránh sự đứt gãy về mặt chính sách, khi Trung ương ban hành chính sách tốt nhưng địa phương hiểu mỗi nơi mỗi khác, hay sự không đồng nhất khi thực hiện giữa các bộ ban ngành. Đó là điều cản trở không nhỏ đối với quá trình kinh doanh tại Việt Nam với tất cả doanh nghiệp.

Đặc biệt, chính sách quản lý của Việt Nam nên thiên về phục vụ phát triển nhiều hơn là việc kiểm soát.