Tính đến hết năm 2014, sau nửa năm thực hiện Quyết định 888/QĐ-TTg ngày 10/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Tái cơ cấu VNPT giai đoạn 2014 - 2015, có 17.000 lao động tại các đơn vị viễn thông tỉnh trong tổng số 36.000 lao động của VNPT đã được chuyển sang bộ phận kinh doanh. Cùng với đó, các công ty “con”, “cháu” của VNPT cũng đã được tinh giản các bộ phận trung gian, giảm đầu mối.
Một vấn đề đang được hàng vạn nhân viên của VNPT quan tâm là, trong quá trình tái cấu trúc, sắp xếp lại, những nhân viên không đáp ứng nhu cầu công việc, không đủ tiêu chuẩn, bằng cấp… sẽ được giải quyết như thế nào?
Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cũng đã yêu cầu VNPT phải đảm bảo sự thông suốt về tư tưởng từ cấp lãnh đạo đến người lao động để việc sắp xếp lại được thực hiện nhanh chóng và hiệu quả.
“Đây là một dịp để mọi người được bố trí, sắp xếp công việc phù hợp hơn với năng lực sở trường của mình và chỉ khi đó, tổ chức mới có điều kiện hoàn thành tốt hơn chức năng nhiệm vụ của mình. Do vậy, hơn lúc nào hết, các tổ chức Đảng, chính quyền, Công đoàn của VNPT cần làm tốt công tác tư tưởng để người lao động an tâm, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao trong quá trình tái cơ cấu. Trước hết, cán bộ, đảng viên cần phải gương mẫu đi đầu trong việc nghiêm chỉnh chấp hành sự điều động, sắp xếp của Tập đoàn trong thời gian tới”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Theo chỉ đạo của Bộ trưởng, các đơn vị thuộc VNPT cũng cần thực hiện xuyên suốt yêu cầu tổ chức mô hình hoạt động tinh gọn, với tính chuyên nghiệp và chuyên biệt cao, phương thức quản trị tiên tiến, đồng thời hình thành mô hình 3 lớp: dịch vụ - hạ tầng - kinh doanh.
Đặc biệt, theo Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son, trong quá trình tổ chức hình thành Tổng công ty Dịch vụ VinaPhone, phải bảo đảm cho Tổng công ty có đầy đủ các điều kiện thuận lợi về nguồn lực, hạ tầng kỹ thuật, cơ chế chính sách… để đủ sức cạnh tranh trên thị trường. Lực lượng làm công tác kinh doanh phải hùng hậu và tinh nhuệ thì Tổng công ty dịch vụ VinaPhone mới thực hiện được vai trò là đơn vị chủ lực mang lại doanh thu và lợi nhuận cho VNPT. Vì vậy, VNPT cần sớm thực hiện chuyển dịch, đào tạo lại một tỷ lệ hợp lý lực lượng lao động sang làm công tác kinh doanh, phát triển thị trường, chăm sóc khách hàng.
Thông tin từ lãnh đạo VNPT cho biết, VNPT đã có kế hoạch xử lý vấn đề thực tế này và đã dành nguồn kinh phí khoảng 500 tỷ đồng để hỗ trợ cho khoảng 5.000 nhân viên tự nguyện nghỉ việc. Đến hết 2014, đã có gần 2.000 lao động xin nghỉ việc và đã được hỗ trợ với số tiền 200 tỷ đồng.
Vấn đề khác cũng được nhiều người lao động thuộc VNPT quan tâm là sau khi tái cơ cấu, tinh giản bộ máy, thì thu nhập của người lao động có bị giảm hay không.
Theo ông Trần Mạnh Hùng, Tổng giám đốc VNPT, sẽ không có chuyện người lao động bị giảm thu nhập sau tái cấu trúc, sắp xếp nhân sự, mà thậm chí còn tăng lên. Năm 2014, thu nhập bình quân đầu người của VNPT vẫn tăng khoảng 10% so với năm 2013. Tuy nhiên, các mức thưởng sẽ phụ thuộc nhiều vào doanh thu, lợi nhuận, kết quả sản xuất kinh doanh của Tập đoàn.
Đối với quá trình sắp xếp nhân sự, lao động tại 3 tổng công ty thuộc VNPT, ông Trần Mạnh Hùng cho biết, VNPT đang xây dựng các mô hình tổ chức chi tiết tới từng cán bộ, phòng, ban của các Tổng công ty để trình Bộ Thông tin và Truyền thông. Việc sắp xếp, tổ chức cán bộ sẽ không ảnh hưởng đến quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh của các đơn vị và không ảnh hưởng đến khách hàng.
Trước đó, tại Hội nghị Triển khai kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2015 của VNPT, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son cũng đã nhấn mạnh: “VNPT đã đem lại một sức sống mới, nguồn động lực mới cho người lao động khi triển khai hệ thống đánh giá kết quả lao động và thang điểm trả lương. VNPT cần tiếp tục triển khai triệt để các biện pháp giải phóng sức lao động, kích thích sự năng động và sáng tạo, hướng tới chất lượng và hiệu quả cao trong kinh doanh trong năm 2015”.
Theo Đầu tư