Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe báo cáo của Chính phủ và của Ủy ban Về các vấn đề xã hội xung quanh việc triển khai thực hiện điều 60 của Luật BHXH.
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền cho biết trước khi Luật BHXH có hiệu lực thi hành (từ 1-1-2016), hằng năm có khoảng 500.000 người yêu cầu được nhận BHXH một lần. Tuy tạo điều kiện cho người lao động có thu nhập trang trải trước mắt nhưng về lâu dài người lao động không có lương hưu, khó đảm bảo ổn định cuộc sống.
Do vậy, Luật BHXH khuyến khích người lao động không nhận BHXH một lần, tạo mạng lưới an sinh xã hội tốt hơn, đảm bảo cuộc sống lâu dài cho người về hưu. Tuy nhiên, quy định mới này không được một bộ phận người lao động đồng tình.
Vì vậy, Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội kiến nghị Quốc hội xem xét, điều chỉnh điều 60 của Luật BHXH năm 2014 theo hướng cho phép người lao động khi chưa đủ điều kiện về thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu sau một năm nghỉ việc nếu không tiếp tục đóng BHXH thì có quyền lựa chọn hưởng BHXH một lần hoặc tiếp tục bảo lưu thời gian đóng BHXH như quy định của Luật BHXH năm 2006.
Đồng tình với quan điểm của Chính phủ, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội đề nghị sửa điều 60 của luật hoặc giao Chính phủ ban hành nghị định theo hướng điều chỉnh linh hoạt như trên.
Quy định tốt sao lại phải sửa?
Theo Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, về quan điểm, mục tiêu khi xây dựng điều 60 Luật BHXH là đúng chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và phù hợp với xu hướng quốc tế, hướng đến chiến lược an sinh lâu dài cho người lao động.
“Quy định có thể chưa phù hợp với một số đối tượng nào đó, trong thời điểm nào đó, nhưng phù hợp với chiến lược lâu dài, đảm bảo cho mọi người dân nằm trong vùng lưới đa tầng của an sinh xã hội, không để ai bị lọt xuống dưới đáy.
Tôi nhớ chúng ta đã có bài học về giải quyết chế độ 176 cho người lao động cách đây 20 năm, ban đầu rất nhiều người hào hứng nhận một lần, nhưng sau đó lại nghĩ khác và hối tiếc vì không được hưởng chế độ lâu dài” - bà Ngân phân tích.
Cũng theo bà Ngân, trước tình trạng đình công, biểu tình của công nhân một số doanh nghiệp, cần bình tĩnh xem xét mọi khía cạnh của vấn đề.
“Vì sao chỉ một bộ phận phản ứng chứ không phải là tất cả người lao động phản ứng? Một bộ phận này có đại diện cho tất cả người lao động trong cả nước không? Rất hiếm khi một đạo luật chưa có hiệu lực thi hành đã bị phản ứng” - bà Ngân nêu câu hỏi.
“Tôi cho rằng cần thận trọng xem xét, đưa ra Quốc hội thảo luận kỹ. Có những vấn đề quyết định không phải lúc nào cũng làm hài lòng một bộ phận người dân, ví dụ bắt buộc đội mũ bảo hiểm đâu phải ai cũng thích. Cá nhân tôi thấy nếu phải sửa điều 60 Luật BHXH thì rất đáng tiếc” - Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và ngân sách Phùng Quốc Hiển bày tỏ.
Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Chính phủ chỉ báo cáo về tình hình thực hiện điều 60 của Luật BHXH, chứ không có tờ trình đề nghị sửa đổi điều luật này nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội không có căn cứ để quyết định trình ra Quốc hội là sửa hay không sửa.
“Các đồng chí đều nói quy định của điều này là tốt, vậy tại sao một quy định tốt mà lại sửa? Nếu quy định đó có khiếm khuyết thì tôi nghĩ là chúng ta sẽ nhận khuyết điểm và sửa ngay, nhưng nếu đó là quy định tốt mà do tuyên truyền chưa tốt thì hãy tổ chức tuyên truyền đi đã, nếu thấy không thể tuyên truyền được thì mới tính đến việc sửa” - ông Hùng bày tỏ.
Trình bày quan điểm của Tổng liên đoàn Lao động VN, phó chủ tịch Mai Đức Chính cho biết đây không phải là lần đầu mà từ năm 2013 công nhân từng đình công và Bộ Lao động cũng đã phải ra thông tư hướng dẫn.
"Năm 2006 Quốc hội làm luật và quy định cho phép sau một năm nghỉ việc, người lao động được nhận BHXH một lần. Bây giờ không cho phép, buộc phải chờ nhiều năm sau mới được nhận nên nhiều người không đồng tình. Khi chúng tôi gặp người lao động, họ nói chúng tôi hi sinh đời bố củng cố đời con, vì không có tiền nên tôi nhận một lần cho con tôi đi chữa bệnh hoặc đóng học phí cho con” - ông nói.
Chia sẻ với ông Chính, Phó chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn nói “nếu đúng như vậy thì sửa luật sớm còn hơn sửa trễ”.
Còn Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - an ninh Nguyễn Kim Khoa bày tỏ: “Chính phủ đã hứa với công nhân là đề nghị Quốc hội sửa. Bây giờ nếu không trình ra Quốc hội thảo luận thì rất khó, tình hình có thể phức tạp. Tôi đề nghị Chính phủ báo cáo thật kỹ để Quốc hội quyết định”.
Kết luận phiên họp, Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng yêu cầu Chính phủ và Ủy ban về các vấn đề xã hội tiếp tục hoàn thiện báo cáo, phân tích kỹ vấn đề để trình ra Quốc hội thảo luận tại kỳ họp thứ 9 (khai mạc ngày 20-5).
“Quốc hội mới có quyền quyết định sửa hay không sửa điều 60 Luật BHXH” - bà Phóng nói.
Nguyện vọng của một bộ phận công nhân
“Lần đầu tiên trong lịch sử Quốc hội VN có một cuộc biểu tình của công nhân để phản đối một điều luật chưa có hiệu lực thi hành. Đây là thực tế mà chúng ta cần phải nhìn thẳng vào. Như vậy Quốc hội phải thảo luận, rồi sửa hay không sửa là do Quốc hội quyết định”. Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước
Theo Tuổi trẻ