Trong thời đại 4.0, khi mạng lưới internet ngập tràn những nội dung như những mẩu tin nhỏ, nguồn không có trích dẫn hay những nội dung đơn nhất theo hướng dữ liệu (data-driven) là điều dễ dàng có thể có được từ danh sách kết quả của các công cụ tìm kiếm.
Việc đạt được thành công trong thị trường tiếp thị nội dung ngày càng trở nên khó khăn hơn. Bên cạnh đó, sự chuyên biệt hóa nội dung cũng đang là thách thức hiện hữu mà các tổ chức báo chí, truyền thông đang phải đối mặt.
Tuy nhiên, mỗi một tổ chức đều có dữ liệu và phương pháp phân tích của riêng mình, có chăng chỉ là họ có sẵn sàng để khai thác những dữ liệu đó hay không.
Thực tế chứng minh, có vô số nguồn để khai thác dữ liệu cụ thể cho các sản phẩm hoặc dịch vụ, thậm chí có những nguồn mà không bất kỳ ai nghĩ rằng sẽ hữu ích nhưng nó lại cung cấp thông tin hoàn toàn phù hợp với đối tượng được nhắm mục tiêu đến.
1. Thực hiện các cuộc thăm dò ý kiến trên mạng xã hội để theo kịp bước đi của độc giả
Để thu thập thông tin chi tiết về những dữ liệu khác nhau một cách nhanh chóng từ độc giả, các cuộc thăm dò trên mạng xã hội là sáng kiến hữu ích với chi phí tiết kiệm và không tốn quá nhiều công sức. Tuy nhiên, các tổ chức báo chí truyền thông thường bỏ qua và không coi đây là một trong những cơ hội để phục vụ mục đích khai thác dữ liệu.
Phương pháp này có thể đặc biệt hiệu quả đối với những tổ chức mới, những người gặp khó khăn trong việc tổng hợp dữ liệu cũng như “luống cuống” trong quá tìrnh định hình dữ liệu theo hướng dễ hiểu để phục vụ độc giả.
Ngay cả các tổ chức chính phủ cũng có thể sử dụng các cuộc thăm dò trên LinkedIn, trang mạng được thiết kế riêng cho cộng đồng doanh nghiệp hoặc các kênh phương tiện truyền thông, mạng xã hội để giúp họ thu thập ý kiến và hỗ trợ người dân tốt hơn.
Những cuộc thăm dò này có thể giúp các tổ chức báo chí mở rộng danh mục nội dung, phát hiện những chủ đề mà độc giả đang dành nhiều sự quan tâm nhất hoặc đóng vai trò như “một bức tranh” phác họa những phần nội dung có thể được ra mắt trong tương lai.
Việc tìm ra kênh truyền thông xã hội tốt nhất và phù hợp nhất để tổ chức các cuộc thăm dò này sẽ phụ thuộc phần lớn vào nhu cầu, đặc điểm khác nhau của các tổ chức.
Các công ty thương mại điện tử có thể chú trọng việc theo dõi Instagram để có một nền tảng mang tính B2C mạnh mẽ hơn (cung cấp giải pháp cho các doanh nghiệp nhằm nâng cao hoạt động kinh doanh, B2C tập trung vào việc làm thỏa mãn nhu cầu tiêu dùng của khách hàng cá nhân).
Trong khi đó, mô hình B2B (hình thức buôn bán, kinh doanh, giao dịch trực tiếp giữa doanh nghiệp và doanh nghiệp) sẽ khá phù hợp trên LinkedIn hoặc Twitter, nơi có sự góp mặt của nhiều công ty B2B và các chuyên gia.
Thực hiện các cuộc thăm dò cùng lúc trên các kênh cho thấy sự khác nhau trong cách người dùng tương tác với tổ chức và thậm chí chúng ta cũng có thể bác bỏ một số thông tin sai lệch trong quá trình này.
2. Khảo sát người dùng để có được cái nhìn toàn diện
Hãy suy nghĩ về những thông tin độc đáo mà một tổ chức có thể chia sẻ. Các cuộc khảo sát khách hàng và dữ liệu từ người dùng là những phương pháp hiệu quả để làm sáng tỏ liệu rằng sản phẩm hoặc dịch vụ của chúng ta có phù hợp để phát hành đến với công chúng hay không, đồng thời đó cũng là đòn bẩy giúp các đơn vị nắm bắt vô số nội dung kịp thời theo thị hiếu.
Tại Parse.ly, một công ty giải pháp phần mềm phân tích nội dung, họ đã lưu trữ vô số bảng phân tích để đo lường hiệu quả và xu hướng nội dung cho khách hàng.
Đầu năm 2021, nhà phân tích dữ liệu Kelsey Arendt đã thực hiện các cuộc khảo sát dựa trên lượng dữ liệu phong phú được thu thập suốt năm 2020, năm ghi nhận việc tiêu thụ nội dung với mức độ biến động đáng kể của Parse.ly.
Xem xét lại những hoạt động năm 2020, Parse.ly đã tìm cách làm sáng tỏ và bao quát về những gì đã xảy ra trong “thế giới” nội dung. Biểu đồ hiển thị hình ảnh các danh mục nội dung và sự thay đổi qua từng năm là một trong nhiều phương pháp để điều chỉnh phần nội dung theo hướng dữ liệu được trở nên sống động hơn.
Mức độ theo dõi các nội dung theo từng chủ đề trong năm 2020 theo khảo sát của Parse.ly. |
Tùy thuộc vào mục tiêu đối với nội dung, các tổ chức cũng có thể thực hiện phát triển thương hiệu hơn nữa với dữ liệu của chính mình.
Trong trường hợp thiếu hụt những dữ liệu để phân tích hoặc khó truy cập, các tổ chức báo chí cũng có thể thực hiện khảo sát độc giả thông qua SurveyMonkey, Google Forms hoặc Typeform để thu thập thông tin chi tiết nhằm cung cấp nội dung có giá trị cho người đọc hơn.
3. Dữ liệu từ việc sử dụng sản phẩm hoặc dịch vụ của khách hàng
Điều này chủ yếu áp dụng trong kinh doanh, tuy nhiên, báo chí cũng có thể tham khảo cho mô hình phát triển lấy độc giả làm trung tâm.
Dữ liệu sẽ được ghi nhận khi khách hàng ngừng sử dụng cho một tính năng hoặc dịch vụ, khi đó chúng ta với tư cách là một doanh nghiệp có thể sử dụng dữ liệu này để điều chỉnh nội dung cụ thể nhằm giảm bớt điểm đau (pain points - vấn đề cụ thể mà khách hàng hiện thời cũng như khách hàng tiềm năng đang gặp phải) của khách hàng.
Trong quá tình giải quyết các điểm khó khăn và bất đồng bằng cách sử dụng nội dung, các tổ chức có thể thay đổi chiến lược tiếp thị để có thêm cơ hội bán thêm sản phẩm hoặc khuyến khích sử dụng các tính năng khác.
Notion, một ứng dụng ghi chú, đã thực hiện các cuộc khảo sát khách hàng thường xuyên đối với khách hàng hiện tại và khách hàng tiềm năng để không ngừng nỗ lực phát triển nội dung của họ. Họ đã nhận thấy rằng một trong những thách thức chính của người dùng chỉ đơn giản là họ chưa biết cách bắt đầu, làm quen với phần mềm có thể tùy chỉnh liên tục.
Để giải quyết vấn đề của đại đa số khách hàng, họ đã dành toàn bộ chiến lược nội dung của mình để xuất bản các bài viết giới thiệu các cách khác nhau để sử dụng ứng dụng, bên cạnh đó chia sẻ nhiều ảnh chụp màn hình và ảnh GIF về quá trình cài đặt để hỗ trợ khách hàng tối đa nhất có thể.
Ngoài ra, làm nổi bật những lợi ích khách hàng đã đạt được khi sử dụng sản phẩm hoặc dịch vụ có thể sẽ là công cụ tốt để tiếp thị công ty. Điều này có thể diễn ra dưới dạng nghiên cứu thực tiễn hoặc lời chứng thực. Ngoài sản phẩm hoặc dịch vụ, các tổ chức cần phỏng vấn khách hàng để hiểu sản phẩm hoặc dịch vụ của họ đã thay đổi những gì trong thói quen hàng ngày của khách hàng.
4. Từ khóa tìm kiếm và Google thúc đẩy tiếp thị nội dung theo hướng dữ liệu
Các tổ chức cần chứng thực những phương pháp chính mà khách hàng tiềm năng hay khách hàng nói chung sẽ kết nối với tổ chức trên các công cụ tìm kiếm, họ đã và đang tìm kiếm từ khóa nào thường xuyên nhất?
Để thực hiện nghiên cứu này, các tổ chức có thể truy cập Google, tìm kiếm các từ khóa liên quan đến bản thân họ, đặc biệt chú ý đến “people also ask” (PAA - mọi người cũng hỏi) và “related searches” (tìm kiếm liên quan). Ví dụ như một tìm kiếm sơ bộ cho cụm từ “chứng mất ngủ” sẽ cho thấy một số thông tin chi tiết thú vị về những cách mới để viết về chủ đề phổ biến này.
Do thuật toán theo hướng dữ liệu của Google, rõ ràng, những người tìm kiếm cần nhiều nội dung hơn cho “các loại chứng mất ngủ”. Bằng chứng là những nội dung họ đang tìm xuất hiện trong “People also ask” và “related searches”.
Ngay cả một vài tìm kiếm lướt qua cũng có thể mở ra cơ hội nghiên cứu mới để cuối cùng các tổ chức có thể tạo ra phần nội dung toàn diện hơn, cung cấp nhiều chủ đề liên quan hơn là chỉ “mất ngủ” cho độc giả, những người luôn mong muốn giải quyết tình trạng này.
5. Sử dụng siêu dữ liệu nội dung để xác định mức độ tương tác
Dữ liệu không chỉ có thể cung cấp thông tin chính xác về nội dung sẽ phát triển dựa trên đó, mà dữ liệu còn có thể cung cấp những thông báo quan trọng như loại nội dung nào sẽ được ưu tiên trước.
Hơn nữa, việc áp dụng thông tin chi tiết về dữ liệu được phân tích bởi các nền tảng như Parse.ly vào các phần nội dung, chẳng hạn như tiêu đề, kênh tiếp thị và tác giả nào hoạt động hiệu quả, sẽ cho phép các tổ chức tiếp tục lặp lại những gì đang hoạt động tốt trong nội dung và bỏ qua những chi tiết không cần thiết.
Theo dõi nội dung nào đang thu hút lượng truy cập lớn là không đủ, hãy suy nghĩ về việc trích xuất các điểm dữ liệu cụ thể để làm rõ những câu hỏi: tại sao các phần đó lại thành công và chúng có những điểm chung nào?
Ví dụ, các tổ chức báo chí, truyền thông có thể nghiên cứu các tác giả có nội dung thu hút được thời gian tương tác lâu hơn, tiêu đề thúc đẩy nhiều lượt truy cập hơn từ phương tiện truyền thông xã hội hoặc các kênh tiếp thị hay công cụ tổng hợp thúc đẩy nhiều nhấp chuột hơn để tìm ra loại nội dung nào hoạt động tốt nhất.
Bằng cách xác định xu hướng và luôn cập nhật chúng, các tổ chức có thể tiếp nối những thành công và nắm rõ những gì đang hoạt động tốt cũng như chưa tốt trong nội dung của họ.
Theo What’s New In Publishing