5 cấp giám sát, Bình Định vẫn phải tự thẩm định lại chất lượng tàu cá vỏ thép

VietTimes -- UBND tỉnh Bình Định đã định thành lập tổ công tác thẩm định chất lượng tàu cá vỏ thép đóng mới theo Nghị định 67 của Chính phủ trên địa bàn tỉnh.
Một con tàu mới đóng đã han rỉ của ngư dân Bình Định. Nguồn Internet
Một con tàu mới đóng đã han rỉ của ngư dân Bình Định. Nguồn Internet

Theo quyết định của UBND tỉnh, thành phần của tổ công tác gồm Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Bình Định làm tổ trưởng, các thành viên còn lại gồm cán bộ Sở Tư pháp tỉnh, các kĩ sư, đăng kiểm viên, giám định viên chuyên ngành, cán bộ Phòng An ninh kinh tế Công an tỉnh Bình Định…

Tổ công tác có nhiệm vụ thẩm định, đánh giá để xác định rõ chất lượng, nguồn gốc của sản phẩm, tính năng hoạt động của vỏ tàu, máy tàu và các thiết bị đã được thi công, cung cấp so với hợp đồng đã được ký kết giữa ngư dân với các cơ sở đóng mới, cung cấp các trang thiết bị cho tàu vỏ thép. Công tác thẩm định được tiến hành ngay, với sự hỗ trợ của các chủ tàu cá vỏ thép hiện dang nằm bờ vì hỏng hóc. 

Được biết, để có một tàu cá được phép ra khơi hoạt động, có ít nhất 5 cơ quan, cá nhân, tổ chức tham gia giám sát chất lượng đóng mới. Cụ thể là đơn vị thiết kế (thuê ngoài theo các mẫu đã được công bố), đơn vị giám sát (thuê ngoài hoặc thuê Đăng kiểm tàu cá Việt Nam), cơ quan Đăng kiểm tàu cá Việt Nam, chủ tàu trực tiếp giám sát và đơn vị đóng mới trực tiếp kiểm tra… Tuy nhiên việc UBND tỉnh phải trực tiếp tổ chức đoàn kiểm tra cho thấy các địa phương cũng không tin tưởng vào chất lượng giám sát của cả 5 thành phần này.

 Theo thống kê, hiện toàn tỉnh Bình Định đã có 37 tàu vỏ thép được đóng theo Nghị định 67 của Chính phủ. Tuy nhiên, trong số này đã có tới 10 đơn kiến nghị về tình hình chất lượng kém của tàu và thiết bị, máy móc làm tàu hỏng nhiều, chủ tàu thua lỗ nặng

Qua kiểm tra, các tàu hư hỏng rỉ sét, bong tróc và xuống cấp phần thân vỏ, mặt boong, trang thiết bị… được đóng tại Công ty TNHH Đại Nguyên Dương (Nam Định). Các tàu bị rỉ vỏ tàu, máy phát điện bị lỗi, hầm bảo quản không tốt, không giữ được lạnh, máy chính bị hỏng hộp số... được đóng tại Công ty TNHH MTV Nam Triệu thuộc Bộ Công an (Hải Phòng).

Sau khi xuất hiện thông tin tàu của ngư dân bị hư hỏng vì chất lượng đóng và thiết bị kém, Công ty TNHH Đại Nguyên Dương cùng Công ty TNHH MTV Nam Triệu đã vào kiểm tra, đồng thời mời cả chuyên gia của hãng máy thuỷ Hàn Quốc, Nhật Bản xuống kiểm tra trực tiếp.

Phía Công ty TNHH Đại Nguyên Dương bước đầu thừa nhận đã sử dụng tôn đóng tàu Trung Quốc đóng mới tàu cá, thay vì sử dụng tôn Hàn Quốc, Nhật Bản theo thiết kế.

Tuy nhiên, ngư dân khẳng định vật tư đóng mới và máy móc cung cấp của hai công ty trên là không đúng với thiết kế, thậm chí có dấu hiệu máy giả, tôn kém chất lượng. Ở chiều ngược lại, hai công ty trên khẳng định máy móc, thân vỏ tàu hư hỏng là do nước mặn và trình độ khai thác, vận hành của ngư dân kém.

Tới ngày 23/5, Thủ tướng đã giao Bộ NNPTNT chủ trì đoàn kiểm tra, đề xuất xử lý nghiêm các sai phạm trước những thông tin báo chí phản ánh về việc nhiều tàu cá đóng theo Nghị định 67 tại một số địa phương không đảm bảo để hoạt động đánh bắt thủy sản.

Đồng thời, UBND tỉnh Bình Định cũng cho biết sẽ hỗ trợ ngư dân khởi kiện đơn vị đóng tàu ra toà án.