Các tỉnh không thu hút được FDI chủ yếu tập trung ở khu vực miền núi phía Bắc là Lạng Sơn, Tuyên Quang, Điện Biên, Lào Cai, Cao Bằng, Bắc Kạn…
Mức độ phân hóa về thu hút đầu tư nước ngoài của 40 địa phương thu hút được FDI cũng rất lớn. Trong số 40 địa phương, có tới 15 địa phương chỉ thu hút được 1 dự án FDI, nhiều tỉnh khác chỉ thu hút được 2-3 dự án.
Đồng Nai là địa phương thu hút nhiều vốn FDI nhất với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 916,75 triệu USD, chiếm 24,6% tổng vốn đầu tư đăng ký. TP Hồ Chí Minh đứng thứ 2 với tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 784,93 triệu USD, chiếm 21,1%. Hải Phòng đứng thứ 3 với tổng số vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm 292,11 triệu USD, chiếm 7,8%...
Trong 4 tháng đầu năm, số dự án nhỏ và siêu nhỏ đầu tư vào Việt Nam vẫn chiếm tỷ lệ lớn; thậm chí rất nhiều dự án dưới 1 triệu USD; có dự án chỉ 30.000 USD (Bình Thuận)…
Dự án lớn nhất được cấp phép trong 4 tháng đầu năm là Dự án Công ty TNHH Hyosung Đồng Nai tổng vốn đầu tư 660 triệu USD do nhà đầu tư Thổ Nhĩ Kỳ đầu tư tại Khu công nghiệp Đồng Nai với mục tiêu sản xuất và gia công các loại sợi.
Dự án lớn thứ hai là dự án công ty TNHH Worldon (Việt Nam) tổng vốn đầu tư 300 triệu USD do nhà đầu tư BritishVirginIslands đầu tư tại TP. Hồ Chí Minh với mục tiêu sản xuất sản phẩm may mặc cao cấp.
Dự án thứ ba là Công ty TNHH MTV điện gió Trà Vinh 1 tại Trà Vinh đầu tư trong lĩnh sản xuất điện từ năng lượng gió cung cấp điện vào lưới điện quốc gia, do nhà đầu tư Hàn Quốc dự án được đầu tư với số vốn là 120 triệu USD.
Dự án lớn thứ tư là Công ty TNHH KMW Việt Nam tổng vốn đầu tư 100 triệu USD do nhà đầu tư Hàn Quốc tại tỉnh Hà Nam với mục tiêu sản xuất thiết bị viễn thông sử dụng vô tuyến điện, thiết bị đèn LED chiếu sáng.
Theo Báo Hải quan