4 câu hỏi lớn với ông Đinh La Thăng

Không hành xử như một cán bộ chính trị mà người ta thường thấy lâu nay, ông thể hiện mình là một chính khách với một hình ảnh mới. Một phong cách lãnh đạo mới.
Ông Đinh La Thăng, tân Bí thư Thành ủy TP.HCM. Ảnh: Tuổi Trẻ.
Ông Đinh La Thăng, tân Bí thư Thành ủy TP.HCM. Ảnh: Tuổi Trẻ.

Tuần qua, người dân sôi nổi bàn luận về việc Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng vi hành, giải quyết những vấn đề của dân ở cơ sở. Những hình ảnh, phát biểu, quyết định của ông tràn ngập trên các phương tiện truyền thông cả nước.

Số đông người dân tỏ ra thiện cảm với ông Bí thư mới, bức xúc nỗi bức xúc của dân, nhiệt huyết, quyết đoán, chỉ đạo giải quyết nhanh chóng những kiến nghị của dân ở cơ sở.

Có sự khác biệt giữa ông Đinh La Thăng với những người tiền nhiệm. Các bí thư trước phát biểu mang tính chỉ đạo những vấn đề lớn của thành phố trong các hội nghị cán bộ, và khi xuống cơ sở chỉ đạo giải quyết vấn đề thì không quyết liệt, yêu cầu làm ngay, yêu cầu phải có kết quả ngay.

Còn ông Thăng như “tướng xông trận”, đưa ra những mệnh lệnh cụ thể, và những quyết định ấy được chuyển tải nhanh chóng trên các phương tiện truyền thông để người dân biết quyết định đó có được thưc hiện hay không, kết quả ra sao.

Không hành xử như một cán bộ chính trị mà người ta thường thấy lâu nay, ông thể hiện mình là một chính khách với một hình ảnh mới. Một phong cách lãnh đạo mới.

Sẽ không đúng nếu nói, ông Đinh La Thăng cố tình “đánh bóng” hình ảnh của mình bằng những hành động như vậy, khi đảm nhận nhiệm vụ đứng đầu một thành phố lớn, đông dân nhất cả nước. Bởi vì khi còn làm Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, ông đã có phong cách đó rồi, một phong cách rất… Đinh La Thăng!

Ông nổi tiếng là bộ trưởng “trảm tướng” và có những phát ngôn rất mạnh bạo, gây “sốc”. Trước khi rời chức bộ trưởng, ông còn cách chức Giám đốc Công ty Đường sắt Hà Nội vì đã đề xuất mua toa tàu đã qua sử dụng của Trung Quốc và dẹp các biển báo buộc xe chạy tốc độ dưới 40km/h với phát biểu rất ấn tượng: “Biển báo ở lại thì người phải đi”.

Người lãnh đạo có tài là người tạo sự truyền động trong nhân dân, làm cho nhân dân đồng thanh tương ứng, cùng chung tay thực hiện mục tiêu chung. Chỉ trong một thời gian ngắn, ông Thăng đã tạo được sự truyền động, ít nhất cũng làm cho người dân tin tưởng, giảm bớt e ngại, dám “mở miệng” đòi hỏi cán bộ công chức phải phục vụ mình, tạo cảm hứng cho báo chí đăng tải hàng loạt kiến nghị của người dân, chuyển đến cho Thành ủy giải quyết.

Tuy nhiên, đối với một thành phố lớn như TP.HCM, ngồn ngộn vấn đề ngắn hạn, dài hạn cần phải giải quyết để phát triển, thì nhiều người tỏ ra băn khoăn.

Băn khoăn thứ nhất: Liệu ông Đinh La Thăng có “đánh trống bỏ dùi”?

Còn nhớ khi đương nhiệm, Thủ tướng Phan Văn Khải rất quyết liệt trong việc bãi bỏ giấy phép con. Tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp trực thuộc Thủ tướng đã phải chiến đấu cam go với các bộ trưởng vì phía sau mỗi tờ giấy phép là bổng lộc và quyền hành.

Trong 6 năm, từ năm 2000 đến 2006, Thủ tướng Phan Văn Khải đã dẹp gần 1.000 giấy phép con, nhưng hàng trăm loại giấy phép lại” mọc” lên vì các bộ ngành khi dự thảo luật đã cài cắm các quy định để khi thi hành những quy định này lại đẻ ra giấy phép con. Đến khi kết thúc nhiệm kỳ của Thủ tướng Phan Văn Khải, giấy phép con vẫn còn dày đặc.

Đến nhiệm kỳ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, các địa phương, các ban ngành tiếp tục sinh ra thêm nhiều giấy phép.

Nêu một ví dụ trên để cho thấy rằng chỉ riêng cải cách hành chính để cho doanh nghiệp thông thoáng trong làm ăn đã rất khó khăn, cam go, cho dù, người trưc tiếp chỉ huy là Thủ tướng. Có lãnh đạo hào hứng khi ra chủ trương, nhưng khi triển khai hành động thì hiệu quả không như mong muốn, cuối cùng thì mòn mỏi, và buông bỏ.

Nhiều chủ trương khác của Nhà nước cũng rơi vào tình trạng như vậy. Ông bà ta thường nói “đường dài mới biết ngựa hay”. Người dân thành phố kỳ vọng Bí thư Đinh La Thăng với phương châm “hành động vì dân” như phát biểu của ông khi làm việc tại huyện Củ Chi phải được thực hiện một cách kiên định, đeo đuổi tới cùng để đạt đươc điều mình mong nuốn, không “đánh trống bỏ dùi”!

Băn khoăn thứ hai: Ông Đinh La Thăng có bị quá tải không?

Bí thư Thăng đã thông tin trên các phương tiện truyền thông đường dây nóng (08 88 247 247) để tiếp nhận ý kiến. Mấy ngày qua mỗi ngày có cả ngàn tin nhắn, điện thoại  chuyển đến Bí thư Thành ủy từ vấn đề nhỏ như báo mất trộm, xuất hiện” hố tử thần” giữa đường cho đến những vấn đề lớn như buôn bán lấn chiếm lòng lề đường, giải quyết nạn ăn xin, giảm tội phạm, quy hoạch, ách tắc giao thông, an toàn thực phẩm, chống ngập nước...

Nếu lọc ra thì thấy có những vấn đề có thể giải quyết nhanh, nhưng còn rất nhiều vấn đề phải thông qua sự khảo sát, đánh giá kỹ lưỡng, phải thực hiện lâu dài và có lộ trình cụ thể.

Nếu người dân, doanh nhân cứ nghĩ những bức xúc, những vướng mắc, những ách tắc phải chuyền đến Bí thư Thành uỷ mới giải quyết được, thì chắc chắn sẽ dẫn đến quá tải.

Đầu tàu đã nổ máy, nhưng phải đủ lực kéo nguyên đoàn tàu. Làm sao bộ máy công quyền, từ UBND thành phố cho đến sở, ngành, quận huyện, phường xã phải chấp hành thực hiện đúng phương châm “hành động vì dân” của Bí thư Thành uỷ là câu chuyện của cả một hệ thống. Và, điều này không phải ngày một ngày hai giải quyết được, khi nhũng nhiễu dân đã trở thành “tập quán” của không ít cán bộ, công chức ở cơ sở.

Chỉ cần bí thư một quận, giám đốc một sở bức xúc nỗi bức xúc của dân, giải quyết nhanh chóng yêu cầu chính đáng của dân như Bí thư Thành uỷ, thì cũng đã có sự thay đổi trong một phạm vi nào đó. Phải chăng, ngoài đường dây nóng của Bí thư Thành uỷ, để giảm tải, phải có đường dây nóng của UBND thành phố, lãnh đạo các quận huyện, các sở?

Đây sẽ là một thách thức rất lớn mang tính hệ thống đối với ông Đinh La Thăng. Và chúng ta kỳ vọng tiêu cực của cán bộ công chức sẽ giảm bớt, nếu thực hiện nghiêm túc và trên diện rộng việc “kỷ luật những cán bộ tạo hình ảnh xấu chính quyền đối với người dân” như ông Thăng đã phát biểu.

Băn khoăn thứ ba: Ông Đinh La Thăng có đương đầu giải quyết những vấn đề vượt ngoài khuôn khổ của thành phố không?

Trong thời gian làm Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, là “tổng tư lệnh” của ngành này và trong phạm vi quyền hạn của mình, ông Đinh La Thăng đã chủ động đề ra các chủ trương của ngành, duyệt các dự án, “trảm” tướng, xử lý các sai phạm…

Nhưng, TP.HCM lại là một bối cảnh khác. Đây là trung tâm kinh tế, tài chính, dịch vụ, văn hoá... của cả nước, và còn là thành phố đông dân nhất, đông doanh nghiệp nhất, là cái “phễu” đón nhận trực tiếp các chủ trương, chính sách của Chính phủ và các bộ, ngành.

Là một thành phố năng động, người dân, doanh nghiệp tại đây nhạy cảm với những chủ trương chính sách khi đi vào cuộc sống, phản ứng rất nhanh với những chủ trương không tạo được sự đồng thuận.

Trong hệ thống điều hành kinh tế hiện nay, có bộ, ngành có vai trò rất lớn, đươc giao dự thảo luật, ra những quyết định “phủ sóng” trong cả nước. Do muốn tiện việc quản lý, hoặc do lợi ích cục bộ, không ít bộ, ngành ban hành một số thông tư, quy định bất hợp lý, thiếu tính khả thi, gây khó khăn cho người dân và ách tắc cho việc kinh doanh của doanh nghiệp. Có những văn bản pháp quy của bộ này chồng chéo, “đá” lại quy định của bộ kia và lại thay đổi liên tục làm cấp thực hiện lúng, rối ren.

Qua các thời kỳ, lãnh đạo TP.HCM đều mất rất nhiều thời gian họp hành, kiến nghị giải quyết những ách tắc đó, có cái đã thông được, có cái vẫn nằm ì. Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM, tổ chức đại diện cho giới doanh nghiệp thành phố, mỗi năm đều chuyển đến Chính phủ, chuyển đến các bộ ngành hàng chục văn bản kiến nghị tháo gỡ ách tắc, nhưng phản hồi và giải quyết không được bao nhiêu, nhiều kiến nghị rơi vào thinh không.

Chúng ta chờ đợi Bí thư Thành uỷ Đinh La Thăng - với bầu nhiệt huyết và tính quyết đoán - sẽ thể hiện bản lĩnh đương đầu với những vấn đề trên như thế nào.

Băn khoăn thứ tư: Đâu là trật tư ưu tiên trong công việc của Bí thư Thành uỷ?

Nhiều chuyên gia, trí thức tiếc nuối vì họ cho rằng bộ mặt TP.HCM không hỗn độn như hiện nay, nếu cách đây vài chục năm lãnh đạo có tầm nhìn xa và khoa học trong quy hoạch phát triển. Sài Gòn - chế độ cũ gọi là Đô thành Sài Gòn - trước năm 1975 chỉ có hơn 2 triệu dân, các cơ quan hành chính tập trung ở quân 1 và quận 3. TP.HCM khi được thành lập, ngoài Sài Gòn còn gộp thêm tỉnh Gia Định, thêm một phần đất của tỉnh Hậu Nghĩa của chế độ cũ (bây giờ là huyện Củ Chi), và đến năm 1977 còn sáp nhập thêm huyện Cần Giờ, bấy giờ thuộc địa giới tỉnh Đồng Nai.

TP.HCM bây giờ đã có diện tích rộng gấp 4 lần Sài Gòn của chế độ cũ, dân số đông hơn 5 lần, mà các cơ quan hành chính, các trung tâm thương mại, cao ốc văn phòng, chung cư cao cấp... vẫn tập trung ở vài quận trung tâm như Sài Gòn cũ, thì thử hỏi làm sao không ách tắc giao thông?

Nếu như trước đây mấy chục năm, khi bắt đầu công cuộc đổi mới, lãnh đạo thành phố có tầm nhìn xa, quy hoạch thành phố thành đô thị đa trung tâm như các nước tiên tiến, thì diện mạo thành phố đã khác đi, đẹp hơn, giao thông và trật tự xã hội đã tốt hơn.

Dẫn chứng vấn đề trên, để thấy vai trò của ban lãnh đạo, nhất là người đứng đầu của một thành phố lớn rất quan trọng. Tuỳ tầm nhìn và chiến lươc phát triển mà để lại cho người dân, thế hệ lãnh đạo sau thành quả hoặc hệ luỵ.

Vấn đề cải thiện quan hệ cán bộ đối với dân, chống cửa quyền, chống những nhiễu… mà ông Đinh La Thăng đang tập trung hiện nay qua việc lập đường dây nóng là rất cấp bách và cần thiết, để “hâm nóng” trách nhiệm của cán bộ công chức, đẩy lùi tiêu cực.

Nhưng theo người viết, từ thành quả của lãnh đạo tiền nhiệm, đầu tư huy động nguồn nhân lực, tổ chức bộ máy hoạch định và thực hiện chiến lược phát triển TP.HCM thành một thành phố văn minh, hiện đại, người dân có cuộc sống an toàn, sung túc, phải là công việc hàng đầu và mục tiêu số một, đối với người đứng đầu Thành uỷ TP.HCM.

Theo Bizlive