Số lượng hàng hóa trên theo báo cáo của ngành hải quan, tới ngày 5/11/2015, là khoảng 1.606 container lốp đã qua sử dụng không xác định được chủ sở hữu với khối lượng tạm tính khoảng 35.000 tấn. Ngoài ra, cũng tồn tại khu vực cảng Hải Phòng là 615 container, tương đương 13.400 tấn hàng hóa đã xác định được chủ sở hữu.
Với lượng hàng không xác định chủ sở hữu, Công ty cổ phần đầu tư xuất nhập khẩu Bông sen vàng hợp tác với Công ty cổ phần năng lượng tái tạo DVA (Bà Rịa-Vũng Tàu) sẽ được thu mua phần lớn với khối lượng tối đa là 20.000 tấn.
Công ty cổ phần xử lý phế liệu rắn Việt Nam (Tây Ninh) cũng sẽ được thu mua khối lượng tối đa là 10.000 tấn. Ngoài ra, các đơn vị khác sẽ thu mua phần còn lại là: Công ty cổ phần môi trường Việt Úc-VINAUSEN (Thành phố Hồ Chí Minh) và Công ty cổ phần Việt Xuân Mới, Tổng cục An ninh hợp tác với Công ty cổ phần sản xuất và thương mại Giải pháp xanh Bình Phước.
Qua đó, lãnh đạo ngành tài chính đề nghị các đơn vị trên tích cực, khẩn trương thực hiện thu mua, xử lý để giải phóng hàng tồn nhanh nhất. Trường hợp nhận thấy công ty nào không đủ năng lực tài chính hoặc khả năng xử lý nhanh, đại diện Bộ Tài chính đề nghị cơ quan chức năng địa phương kịp thời báo cáo qua Tổng cục Hải quan để xử lý.
Với hàng hóa là lốp đã qua sử dụng nhưng xác định được chủ sở hữu, lãnh đạo Bộ Tài chính yêu cầu Cục Hải quan thành phố Hải phòng thông báo tới doanh nghiệp. Tới ngày 30/4, nếu chủ sở hữu hàng không xử lý được các container tồn đọng thì cơ quan chức năng sẽ xác lập quyền sở hữu Nhà nước và báo cáo Bộ Tài chính.
Trước đó, tình trạng container "bỏ quên" tại các cảng biển cả nước đã được ngành tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Trong số này, nặng nề nhất là tại khu vực cảng Hải Phòng với số lượng container quá thời hạn làm thủ tục lên tới hàng nghìn, chủ yếu là cao su, lốp ôtô đã qua sử dụng.
Báo cáo của Bộ Tài chính cho thấy, tại cảng Hải Phòng, tên người nhận hàng thể hiện trên chứng từ vận tải chủ yếu là các doanh nghiệp kinh doanh tạm nhập tái xuất trong khoảng thời gian từ năm 2009 tới năm 2014 trong đó cao điểm là khoảng cuối năm 2011 tới giữa năm 2012.
Nguyên nhân chính của tình trạng trên theo đại diện Bộ Tài chính là do người đứng tên mua từ chối nhận hàng do không ký hợp đồng mua bán hoặc hàng hóa không đúng chủng loại như cam kết.
Ngoài ra, thực tế cũng có tình trạng người gửi hàng không ghi rõ địa chỉ người nhận hoặc không thanh toán tiền vận chuyển cho chủ hàng. Một lý do khác xuất phát từ việc người được chỉ định làm dịch vụ trung gian cho các công ty nước ngoài nhưng sau đó không được giao giấy tờ nhận hàng nên từ chối việc tiếp nhận hàng hóa.
Theo TTXVN