33 năm Mặt trận Vị Xuyên: chưa thể nguôi ngoai

VietTimes-- 33 năm trôi qua, song những thời khắc nặng nề của trận đánh giành lại các điểm cao ở Vị Xuyên, Hà Giang bị quân xâm lược chiếm giữ luôn ám ảnh tâm trí tôi. Trong trận đánh đó, ngày 12-7-1984, nhiều cán bộ, chiến sỹ của Sư đoàn 356 trong đó có các cán bộ, chiến sỹ Tiểu đoàn 3 mà tôi là Chính trị viên, đã hy sinh.
CCB mặt trận Vị Xuyên thắp hương tưởng niệm đồng đội trong ngày giỗ trận Sư đoàn 356, ngày 12-7.
CCB mặt trận Vị Xuyên thắp hương tưởng niệm đồng đội trong ngày giỗ trận Sư đoàn 356, ngày 12-7.

Ngày 12-7

Khi Tiểu đoàn đẩy lùi đợt phản kích thứ hai của địch thì mưa cũng tạnh, màn sương dày đặc tan dần. Đội hình đơn vị lộ rõ trên sườn đồi trước mắt quân địch. 11 giờ, địch tập trung hỏa lực từ hai hướng dập liên hồi vào khu vực Tiểu đoàn đang chiếm giữ.

Tôi nhoài người lên áp sát vào vách núi tránh đạn. Trung đội trưởng Lê Xuân Thanh nhảy vào hố chiến đấu tôi vừa ngồi thì trúng đạn gục xuống. Chiến sỹ Thọ giơ tay đỡ Thanh, máu từ ngực Thanh vấy đầy mặt, ngực, vai áo Thọ.

Giật bộ đàm trên tay chiến sỹ thông tin Chu Văn Khiêm, tôi báo cáo tình hình với Sư đoàn trưởng Bùi Thanh Điếm và đề nghị pháo binh bắn ngay vào đỉnh mỏm 3. Chỉ ít phút sau, những tiếng nổ lớn, đất đá, khói bụi trùm kín đỉnh đồi. Tôi khoát tay ra hiệu cho bộ đội rút lui.

Đại tướng Tổng tham mưu trưởng Đoàn Khuê thăm cán bộ chiến sĩ Sư đoàn 312 vừa hoàn thành nhiệm vụ chiến đấu ở Vị Xuyên (Ảnh tư liệu)
Đại tướng Tổng tham mưu trưởng Đoàn Khuê thăm cán bộ chiến sĩ Sư đoàn 312 vừa hoàn thành nhiệm vụ chiến đấu ở Vị Xuyên (Ảnh tư liệu)

Về đến vị trí xuất phát tiến công cũng là lúc pháo địch từng loạt, từng loạt bắn chặn đường rút của ta và các khu vực nghi có quân ta ẩn nấp. Tôi gọi cậu Đoan- A trưởng C 10 đi theo đến đoạn hào phía trước, đưa cho cậu ta 2 quả lựu đạn và dặn Đoan cảnh giới, tôi lần theo bờ mương đi tới vị trí của C11.

Một chiếc võng mắc lọt thỏm trong lòng căn hầm, người nằm trong võng rên nặng nhọc. Tôi đến gần nhận ra C trưởng Nguyễn Văn Minh. Đặt tay lên người Minh, tôi gọi. Mắt vẫn nhắm nghiền, Minh nói trong hơi thở: Đứa mô đó?

- Châu đây!

Minh nấc lên thổn thức:

- Anh Châu ơi, em chết mất! Nhớ ngày này, khi mô về Vinh ghé nhà, thắp cho em nén nhang anh nhé!

Ghé tai Minh tôi nói: Mi không chết được! Tau còn thì mi còn!

Đến 23 giờ tôi mới về đến SCH tiểu đoàn. Trước mắt tôi người ngồi người nằm, tiếng rên, tiếng thì thào. Mưa rơi lộp bộp trên lá. Hồ Hữu Bính-Trợ lí tác chiến thấy tôi về thì mừng rỡ, báo cáo tình hình đơn vị rồi dẫn tôi về hầm mình. Trên chiếc cáng trong hầm, Trung đội trưởng Phạm Công Đa-chỉ huy trung đội luồn sâu tập kích trận địa pháo địch, bị thương rất nặng ở bụng.

Bính ghé tai Đa gọi: Đa ơi, anh Châu!

Đa nằm bất động. Bính lắc đầu nói trong tiếng khóc: Hắn chết rồi.

Đa trút hơi thở cuối cùng khi đã kịp trở về Đất Mẹ.

Tôi trở lại hầm chỉ huy, cho gọi các cán bộ đến hội ý. Sau thời gian bàn bạc khá căng thẳng, tôi quyết định:

- Đồng chí Huấn-Trợ lí tổ chức cùng tổ trinh sát tìm về SCH Trung đoàn báo cáo tình hình và xin chi viện.

- Đồng chí Bính-Trợ lí tác chiến tổ chức lực lượng đưa số thương binh, tử sỹ ra vị trí tạm dừng tại bình độ 600, cùng chỉ huy các đại đội nhanh chóng ổn định đơn vị.

- Tôi, đồng chí Bộ-B trưởng thông tin, Hoan-B phó vận tải, Bảo-y tá, 1 tiểu đội thông tin, 1 tiểu đội vận tải ở lại tiếp tục tìm kiếm thương binh, tử sỹ, anh em bị lạc…, sẽ trở ra sau.

Trời như theo giặc, mưa lại trút xuống vần vũ. Bộ đội thì thầm gọi nhau, những bước chân xa dần. Tôi chìm vào giấc ngủ mệt nhọc.

Ngày 13-7

Ai đó giật mạnh chân tôi. Mở mắt, cậu Hoan vận tải miệng lắp bắp, tay chỉ về hướng mục tiêu: Địch! Tôi bật dậy, sách súng theo Hoan trèo lên vị trí quan sát. Trên mỏm 3 lố nhố quân địch, có cả phụ nữ mặc quần trắng áo đỏ đang chỉ chỉ, trỏ trỏ về phía ta. Hoan giơ súng ngắm, tôi cúi xuống kéo khóa an toàn, nói nhỏ: Muốn nó cho ra bả hả? Rồi dặn Hoan cắt cử cảnh giới cẩn thận.

Không gian tĩnh lặng, bàng bạc sương giăng, mưa lép nhép. Phan Văn Long- C phó C 16 hỏa lực 12,7 ly tìm đến. Mắt đỏ hoe, dáng mệt nhọc, Long báo cáo tình hình đơn vị: Hy sinh 2, bị thương 3, pháo hỏng 1. Đã cho rút quân, đề nghị tiểu đoàn giúp đỡ.

Gửi nước lên trận địa (Ảnh tư liệu)
Gửi nước lên trận địa (Ảnh tư liệu)

Trời vẫn mưa rả rích, trên mỏm 3 thỉnh thoảng có tiếng lựu đạn nổ và vài loạt súng bắn vu vơ. Hai anh em lần theo sườn dốc tìm về trận địa C16.  Tới bờ suối, một tử sỹ nằm ngửa, hai tay giang ngang, khẩu AK trên bụng. Chúng tôi gỡ súng ra khỏi người, đặt anh nằm ngay ngắn, che đậy đánh dấu rồi đi tiếp. Giữa lòng suối cạn, một người nữa nằm úp tay cầm chặt khẩu AK, gỡ mãi mới lấy được ra. Đặt tử sỹ lên bờ che đậy, đánh dấu rồi lại đi tiếp.

Hai người này, anh em cho biết là B trưởng Nguyễn Văn Công và A trưởng Nguyễn Văn Tiến.

Ngày 14-7

Không thể cất mình dậy, cơn sốt rừng đã quật ngã tôi. Quấn chặt chăn màn và mảnh tăng, ép sát góc hầm mà vẫn rét run cầm cập. Nghe tiếng lao xao, tôi mở mắt thấy cậu Bảo y tá cùng một số anh em đang ngồi cạnh. Mọi người thông báo lệnh của Trung đoàn: “Anh Châu ra ngay nhận nhiệm vụ, trong này sẽ có người đảm nhiệm”.

Ngày 15-7

Về đến vị trí tập kết tại bình độ 600 thì trời vừa sáng. Gặp lại anh em- lúc này tiểu đoàn còn lại 126 người, mừng mừng tủi tủi. Trao đổi với Trợ lí tác chiến Trung đoàn Nguyễn Thành Chung (sau này là tiểu đoàn trưởng) những việc cần phải làm, tôi tìm về SCH Trung đoàn. Tới nơi, gặp Trung đoàn phó Kham. Anh kéo tôi về hầm, hỏi han tình hình rồi nói:

- Sáng 12 được tin thằng Thanh tiểu đoàn trưởng hy sinh, buổi chiều nhận được tin ông cũng hy sinh. Hai bữa nay mình tìm ở các khu tập kết tử sỹ xem có các ông không, thật tội.

Chúng tôi cùng khóc.

Các anh sẽ còn sông mãi trong lòng dân tộc
Các anh sẽ còn sông mãi trong lòng dân tộc

Anh Kham lắc đầu thở dài rồi chun mũi khịt khịt, chỉ vào bộ quần áo tôi đang mặc: Ông cởi ra, tôi bảo chúng nó giặt hộ, hôi lắm không chịu được.

Nồi cơm được bưng lên bốc khói thơm lựng. Anh Kham bảo: “Cơm nấu cho ông đó, ăn đi”. Thức ăn chỉ có mắm kem sền sệt, tôi ngồi xuống ăn, ngon quá! Vét đến những hạt cơm cuối cùng cũng chỉ lưng lửng bụng. Trời tối, anh Kham cử thêm một tổ trinh sát đi cùng tôi trở lại trận địa của tiểu đoàn.

Ngày 16-7

Trung đoàn cử Bùi Hồng-Trợ lí pháo binh, Hồ Bá Vỵ-Trợ lí bảo vệ, chỉ huy một đội cáng thương vào giúp sức. Trời về khuya, mưa càng nặng hạt, đường dốc lại càng trơn, lầy lội. Mỗi cáng phải từ 4-6 người, vừa gánh, vừa kéo, vừa đẩy ngã dúi dụi. Nước mưa từ võng cáng thi thể tử sỹ ướt sũng chảy vào cổ, vào người hôi thối nhớp nháp. Muỗi rừng, sên, vắt bâu vào cắn đốt. Bỗng có tiếng chửi, tiếng gậy đập, tiếng khóc thút thít… Tôi chạy tới nắm lấy cây gậy trên tay Bùi Hồng đang đánh chiến sỹ không chịu khênh cáng, dằn giọng: “Không được đánh! Nó mà bỏ chạy thì lấy ai khênh? Mà ông, có nằm xuống chẳng thằng nào gánh…”.  Bùi Hồng im lặng không nói gì.

Tháng 7-2009 gặp lại Bùi Hồng. Anh nhắc lại chuyện này và nói: “Anh độc mồm thế, ngoa không chịu được!”

Ngày 17-7

Tối nay mưa tạnh, lực lượng vào khá đông. Đội của Bùi Hồng, Bá Vỵ đưa nốt số tử sỹ tại SCH. Đội của tiểu đoàn do Hồ Sỹ Hoa chỉ huy theo tôi vào hầm phẫu tại vị trí xuất phát tiến công. Đường vào cây cối ngổn ngang do đạn pháo. Rất may căn hầm không trúng quả pháo nào. Sau khi lấy hết số tử sỹ ở hầm phẫu, lần theo khe núi tới một bờ ta luy, dưới ánh sáng mờ mờ trước mặt, tôi thấy một thân hình quấn băng trắng nằm bất động. Nhẹ nhàng tiếp cận, nghe hơi thở khò khè, tôi khẽ quát: “Ai?”

Thân hình cựa quậy, tiếng khàn khàn mệt mỏi: “Trường đây! Trường thông tin đây”, rồi òa lên khóc. Tôi lôi vội chiếc khăn mặt từ túi lựu đạn bịt lấy miệng Trường nói kẽ: “Có địch!”

Tiếng khóc vẫn ùng ục trong cổ họng Trường. Tôi hỏi: “Có thấy ai quanh đây nữa không?”. Trường lắc đầu. Hai chiến sỹ dìu Trường ra ngoài.

Vượt qua khoảng trống lần theo bờ ruộng bậc thang, tới gần bụi cỏ lách gẫy đổ có tiếng động. Tôi nhìn kỹ thấy bên kia bụi lách một cái đầu trọc đang ngồi ngước mặt nhìn trời. Tôi đặt nòng súng lên bờ vai, nó vẫn ngồi yên không nhúc nhích. Tôi hỏi nhỏ: “Tên gì?”. Tiếng trả lời khe khẽ: “Sao Đỏ” (mật khẩu trận đánh) rồi kêu lên: “Đích! Đích C 11 đây!”. Hồ Sỹ Hoa và y tá Bảo chạy đến, dìu Đích chạy theo đoàn cáng thương, rời khỏi trận địa.

Cao điểm 772, Hà Giang - nơi diễn ra trận đánh ác liệt ngày 12-7-1984 -
Cao điểm 772, Hà Giang - nơi diễn ra trận đánh ác liệt ngày 12-7-1984 -

Sương mù như bịt mất lối. Quanh quẩn mãi, 4 giờ sáng 18-7 chúng tôi mới ra đến ngôi nhà sàn đầu bản. Đang cho bộ đội nghỉ lấy sức thì nghe tiếng quát phía trước: “Ngồi im! Động đậy tao bắn!”. Tiếng nói yếu ớt cất lên: “Bắn đi! Bắn tau đi!”. Tôi chạy vội lên, gạt nòng súng của chiến sỹ trinh sát. Trước mắt tôi là người méo mó, máu me, vừa nằm vừa ngồi, miệng trệu trạo nhai gốc mía non. Cúi xuống nhìn rõ hơn, tôi kêu lên mừng rỡ: “Thằng Minh C trưởng 11!”.

Minh bị thương từ hôm 12, rồi lạc đơn vị.

Tôi giục y tá: “Trợ sức, trợ sức!”.

Mũi tiêm rút ra, Minh lịm dần trên tay cậu trinh sát. Tôi lệnh: “Cho lên cáng, thật nhanh đưa về phẫu trung đoàn!”.

Đoàn cáng thương lầm lũi theo nhau mệt nhọc bước đi, lẫn vào màn sương đùng đục và tiếng mưa lép nhép.

Chiến tranh và người lính. Gian khổ và ác liệt. Mất và còn. Sống và chết. Mọi thứ đều có. Để rồi mỗi khi nhớ lại nhắc lại, từ trong sâu thẳm những thứ tưởng được dồn nén lại trỗi dậy nghèn nghẹn nơi cổ họng, nước mắt trào ra, sống mũi cay cay thổn thức…